Và từ những lần trở về chớp nhoáng ấy, câu chuyện dạy tiếng Việt ở xứ người được hé mở, được chia sẻ nhiều hơn, đặc biệt giáo viên phần lớn là "dân tay ngang".
Gọi là "tay ngang" vì họ không được đào tạo làm giáo viên dạy tiếng Việt. Họ trở thành giáo viên vì muốn dạy tiếng Việt cho con mình, con bạn bè, những đứa trẻ có yếu tố Việt Nam trong cộng đồng.
"Buổi lên lớp" muôn hình vạn trạng, có thể là hát ru con, dạy con làm thơ, dạy con nấu ăn, làm việc nhà để con làm quen với vật dụng, món ăn được nói bằng tiếng Việt...
Những lớp học tự phát học vào thứ bảy, chủ nhật, dịp nghỉ dần được chuyển đến một địa điểm lớn hơn: trung tâm văn hóa, sinh hoạt của cộng đồng người Việt, trung tâm dạy ngoại ngữ. Ở một số nước còn có trường tiếng Việt, trại hè tiếng Việt.
Cứ thể như những mạch nước to nhỏ khác nhau đan xen, len lỏi, âm thầm chảy, tiếng Việt hiện hữu nhiều hơn và không chỉ trong đời sống của những gia đình Việt Nam, gia đình có yếu tố Việt Nam mà cả với người nước ngoài.
Nếu người Việt học để duy trì tiếng mẹ đẻ, để nhớ về cội nguồn thì người nước ngoài học để sử dụng tiếng Việt trong công việc, học vì thấy tiếng Việt và văn hóa Việt thú vị. Một Việt Nam rõ nét hơn trong mắt những người ở xứ lạ, lại nhờ vào chính những giáo viên "tay ngang", xem dạy tiếng Việt như một công việc thiện nguyện.
Có những giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài đã 20 - 30 năm. Trong số đó có người là thế hệ đầu tiên nhen nhúm việc dạy tiếng Việt từ muôn vàn khó khăn: không có địa điểm, chẳng có tài liệu, thậm chí chưa tìm được sự ủng hộ.
Nhưng rồi cũng có những giáo viên là thế hệ F2, đồng nghiệp của chính cha mẹ mình. Tình yêu tiếng Việt thấm đẫm từ cha, mẹ giúp những đứa trẻ nuôi dưỡng ước mơ và đi tiếp hành trình gìn giữ tiếng Việt ở xứ người.
Dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài sẽ phải dạy như dạy ngoại ngữ và cần rất nhiều hỗ trợ, từ phương pháp, tài liệu, trang thiết bị... Nhưng đó lại là những thứ vẫn thiếu, rất thiếu.
Hơn một thập niên trước, có hai tài liệu dạy tiếng Việt được trong nước biên soạn. Nhưng ở nước ngoài, nhiều người chỉ được tiếp cận bản photocopy. Mới đây, bộ sách giáo khoa "Chào tiếng Việt" của TS Thụy Anh ra mắt, và hiện với nỗ lực của đơn vị xuất bản, nó mới có mặt ở một số nước. Trong khi phần lớn giáo viên ở nước ngoài vẫn tự phải dùng sách cũ, tài liệu tự biên soạn.
Chưa kể trong những thiếu thốn, cái thiếu quan trọng nhất đối với những người mang tiếng Việt đi khắp năm châu lại là kỹ năng sư phạm. Họ cần được lắng nghe, cần được hỗ trợ bài bản, thiết thực hơn về chuyên môn, về tài liệu so với việc chỉ tôn vinh, ghi nhận trong những chuyến được mời về nước gặp gỡ để khích lệ tinh thần.
Hành trình lan tỏa tiếng Việt không chỉ dựa vào tấm lòng, nhiệt huyết của những người Việt xa xứ. Nó nên được đưa vào chiến lược của các bộ, ngành liên quan để có chương trình hành động bền vững, dài lâu.
Tiếng Việt phải hiểu mới yêu, yêu thì phải giữ. Và muốn giữ cần có giải pháp phù hợp và thiết thực. Và điều chúng ta cần làm, phải làm là không để giáo viên "tay ngang" dạy tiếng Việt phải đơn độc. Đó là trách nhiệm không được lơ là.
Ngày 20-8, gần 50 giáo viên đang dạy tiếng Việt ở 16 quốc gia, vùng lãnh thổ về Việt Nam để tập huấn với tác giả bộ sách "Chào tiếng Việt"