Là một người còn trẻ, làm công việc kinh doanh, tôi thường phải bay đi nhiều nước, nhất là Mỹ và châu Âu. Từ những chuyến bay đi đầu tiên hay tới sau này, khi đã quá quen thuộc việc check-in lệch múi giờ, điều khiến tôi lo lắng nhất chính là chuyện ăn uống. Hạnh phúc nhất là ở một đất nước xa lạ mà được ăn món Việt.
Quê tôi ở xứ Quảng nhiều nắng gió nên ngoài mì Quảng trứ danh, tôi rất thích những món liên quan đến mắm, cá. Thích nhất là món cá nục rim, dễ chế biến, nguyên liệu dễ mua, giá bình dân. Cá nục nấu với mật mía, củ nén, dầu ăn, nước mắm; chế biến theo công thức đặc trưng của người miền Trung, giữ được độ dai, độ ngọt tự nhiên và hương vị của món kho…
Ra nước ngoài mà "thèm bất tử" món này, tìm mua cho được là nhiệm vụ bất khả khi. Những món ăn như bánh mướt (bánh ướt), miến lươn, cháo lươn, cháo bột cá lóc… cũng không dễ tìm.
Cá nục rim hiệu Bà Ba Hội
Nhờ nỗ lực đầy tâm huyết của nhiều doanh nghiệp cộng với ứng dụng công nghệ mà những món ăn quen thuộc này đã được xuất khẩu với nhiều hợp đồng trị giá triệu đô, thêm cơ hội phát triển cho nhiều ngành, nhiều vùng nông thôn. Điển hình món cá nục rim thương hiệu Bà Ba Hội của đất Tam Kỳ, Quảng Nam đã được xuất khẩu chính ngạch.
Dù những món ăn Việt Nam ở nước ngoài có hương vị, gia vị, nguyên liệu… không thật sự giống như ở Việt Nam nhưng khi được thưởng thức ở xứ người là được tặng kèm một thứ vô giá, đó là những ký ức cuộc đời, những kỷ niệm ngập tràn yêu thương ở quê hương. Vậy nên, nó không đơn thuần chỉ là một món ăn, nó còn là văn hoá, là niềm tự hào dân tộc.