Chứng khoán Mỹ thận trọng
Nhà đầu tư tuần này sẽ theo dõi sát thông tin về Hội nghị Chính sách Kinh tế do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Jackson Hole, bang Wyoming, còn gọi tắt là Hội nghị Jackson Hole.
Đây là hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương do FED chủ trì, năm nay tổ chức từ ngày 24 - 26/8. Tâm điểm của hội nghị sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell dự kiến vào lúc 10h ngày 25/8 theo giờ Mỹ. Phố Wall đang rất chờ đợi hội nghị này.
Kết phiên giao dịch đầu tuần 21/8, 2/3 chỉ số chính ghi nhận sắc xanh. Nasdaq chấm dứt 4 phiên giảm liên tục. Trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones quay đầu giảm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất 16 năm, đạt 4,34%/năm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu Brent và WTI quay đầu giảm nhẹ trước những lo ngại nhu cầu yếu từ Trung Quốc. Dầu Brent mất mốc 85 USD/thùng.
Chờ đợi triển vọng lãi suất của FED sau Hội nghị Jackson Hole
Theo tiết lộ với giới truyền thông, sẽ chỉ có khoảng 120 khách mời tham sự kiện, trong đó những gương mặt quen thuộc là Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BOE) cùng các chuyên gia kinh tế trưởng của các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới.
Tất nhiên, các nhà đầu tư sẽ xem xét rất kỹ từng câu chữ trong bài phát biểu của Chủ tịch FED để tìm kiếm manh mối về triển vọng lãi suất, vốn đã được FED nâng lên cao nhất trong 22 năm.
Năm ngoái, tại hội nghị Jackson Hole, trong bài phát biểu khoảng 9 phút, Chủ tịch FED ông Jerome Powell đã đi thẳng vào vấn đề là lãi suất với một tông giọng cứng rắn rằng cơ quan này sẽ sử dụng tối đa các công cụ để chống lại lạm phát. Đó là tiếp tục tăng lãi suất và giữ các lãi suất ở mức cao cho đến khi họ thực sự tự tin kiểm soát được lạm phát, về quanh mốc mục tiêu 2%.
Đây được đánh giá là phát biểu thẳng thắn và rõ ràng, truyền đi thông điệp rằng với FED thời điểm đó thì ưu tiên số 1 là hạ nhiệt lạm phát cho dù có phải hy sinh phần nào đó của tăng trưởng.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell.
Tuy nhiên, 12 tháng sau, ông Powell quay lại Jackson Hole với tâm thế khác. Lạm phát đã giảm 2/3 so với mức 9,1% còn 3,2% trong tháng 7 vừa qua. Thị trường lao động vẫn tốt, thất nghiệp thấp, người Mỹ vẫn tăng chi tiêu tiêu dùng.
Phải chăng đã đến lúc Chủ tịch FED phát đi thông điệp ngừng thắt chặt tiền tệ. Câu trả lời là vẫn là 50 - 50. Bởi lẽ trong biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 được FED công bố ngày 16/8, hầu hết các quan chức của FED đều nhận thấy rủi ro tăng đáng kể đối với lạm phát, do đó có thể cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Tập đoàn RSM tại Mỹ nhận định: "Tôi cho rằng, bài phát biểu của Chủ tịch FED vào thứ 6 tại Jackson Hole sẽ ôn hòa hơn nhiều so với năm ngoái. Sẽ có những câu hỏi liên quan đến suy thoái được đặt ra. Do vậy có khả năng đây là lần đầu tiên Chủ tịch Powell phát đi tín hiệu thay đổi nhỏ trong cách tiếp cận chính sách, theo hướng cân bằng hơn sau một năm rưỡi chỉ tập trung vào lạm phát".
Các nhà đầu tư sẽ xem xét bài phát biểu rất được mong đợi của Chủ tịch FED để tìm manh mối về triển vọng lãi suất. Ảnh minh họa.
Sau 11 lần nâng lãi suất liên tiếp từ tháng 3/2022, theo công cụ CME Watch, FED sẽ tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới. Hiện tỷ lệ này của thị trường lên tới hơn 86%.
Ông Joha Grahn - Quản lý Quỹ đầu tư Allianz, Mỹ cho hay: "FED sẽ không cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Điều đó sẽ chỉ diễn ra từ quý II năm sau".
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Tập đoàn RSM tại Mỹ cho biết: "Chúng ta cũng có thể thấy một số gợi ý về chiến lược dài hạn của FED trong thập kỷ tới như chủ đề năm nay của hội nghị "Sự thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế toàn cầu". Có thể đó sẽ là điều mà chúng ta đã nghi ngờ từ lâu rằng, thập kỷ tới sẽ có lãi suất trung lập cao hơn, lạm phát cao hơn và tăng trưởng mạnh mẽ hơn".
Với tuyên bố có thể duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài từ chủ nhà FED như vậy, Phố Wall dự đoán các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn sẽ có các bước đi cứng rắn tương tự trong thời gian tới.
Giá vàng chịu sức ép trước thềm Hội nghị Jackson Hole
Rõ ràng dự báo việc lãi suất cao duy trì lâu hơn sẽ hỗ trợ nhiều cho đồng USD, khiến giá vàng tuần này có thể chịu thêm áp lực chốt lời, giảm xuống mức 1.863 USD/Ouce.
Khảo sát giá vàng của Kitco News với 16 nhà phân tích Phố Wall ghi nhận 63% dự báo giá vàng giảm trong các phiên tới. Hiện vàng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3.
Tuy nhiên cũng một thông tin đáng chú ý, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết lượng vàng do quỹ này năm giữ đã tăng 0,3% lên 890 tấn - mức tăng đầu tiên trong một tháng trở lại đây.
Tuần này, theo dự báo của các chuyên trang tài chính quốc tế, các ngân hàng trung ương ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iceland và Zambia dự kiến sẽ tăng lãi suất. Trong khi Hàn Quốc, Indonesia có thể giữ nguyên và Sri Lanka thì cắt giảm lãi suất.
VTV.vn - Khi giá vàng thế giới chưa thể bứt phá khỏi mức thấp nhất 5 tháng qua, sáng 22/8, giá vàng trong nước cũng tiếp tục giảm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.97465110122803202-def-auc-taus-ial-hnid-teyuq-ohc-oht-nin/et-hnik/nv.vtv