Theo các chuyên gia y tế, tác hại của việc tiếp xúc với trận bão lửa sẽ không biến mất sau khi cháy rừng được dập tắt.
Việc hít phải các hạt nhỏ từ khói cháy rừng có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nhận thức, kéo dài trong vòng từ 6-12 tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau đó.
Không dễ chữa lành
Theo ông Dhakshin Ramanathan - phó giáo sư nội trú về tâm thần học tại Đại học California ở San Diego, những người bị chấn thương do thảm họa thiên nhiên khác với những sự kiện khác như tai nạn xe hơi hoặc tấn công tình dục.
Ông giải thích: “Mọi người coi môi trường là nơi ẩn náu, một thứ chữa lành tích cực. Khi điều gì đó mà họ cho là tích cực bỗng nhiên chống lại họ, đó là một cú sốc đối với nhiều người".
Một nghiên cứu được tiến hành sau vụ cháy rừng ở California năm 2018 cho thấy hơn 30% số người trực tiếp tiếp xúc gần lửa có các triệu chứng căng thẳng sau sang chấn.
Bà Jyoti Mishra, tác giả nghiên cứu và phó giáo sư tâm thần học tại Đại học UC-San Diego, cho hay: “Những cá nhân tiếp xúc gián tiếp, tức là những người sống trong cộng đồng nơi xảy ra vụ cháy rừng, cũng bị rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) nhưng ở mức độ thấp hơn so với những cá nhân tiếp xúc trực tiếp”.
“Hít thở các hạt vật chất có thể dẫn đến phản ứng viêm trong cơ thể. Điều đó ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của não. Nhưng nó ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của não như thế nào vẫn còn là một câu hỏi", bà Mishra nói thêm.
Bà cho biết khi các nhà nghiên cứu xem xét chức năng não làm nền tảng cho các chức năng nhận thức cụ thể, họ nhận thấy hoạt động tăng cao ở phần não trước bên trái rõ rệt hơn ở những người tiếp xúc với cháy rừng.
“Não đang xử lý quá mức tất cả những kích thích đến với nó. Đó là điều xảy ra với những bộ não bị chấn thương", bà giải thích.
Các hạt khói cháy rừng gây viêm não
Ông Kent Pinkerton - giáo sư nhi khoa tại Trường Y UC-Davis - người nghiên cứu về cách hơi, khí, hạt và sợi khói ảnh hưởng đến hệ hô hấp - cho biết gần đây các nhà khoa học tập trung nghiên cứu nhiều hơn vào việc hít phải các hạt khói nhỏ ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch và hô hấp như thế nào so với não.
"Thở bằng mũi trong bối cảnh cháy là điều tốt vì nó đóng vai trò như một bộ lọc và các hạt sẽ lắng đọng trong mũi của bạn chứ không phải sâu trong phổi. Tuy nhiên, các tế bào chịu trách nhiệm về khứu giác lại có thể mang các hạt từ khói đến não và gây viêm", ông Pinkerton nói.
Theo ông Ray Dorsey - giáo sư thần kinh học tại Đại học Rochester, các kim loại độc hại thường “quá giang” trên những hạt nhỏ bé này.
“Nếu bạn nhìn vào bộ não của những người mắc bệnh Alzheimer và Parkinson, bạn sẽ thấy nồng độ cao hơn của những kim loại độc hại này: chì, sắt từ má phanh, bạch kim từ bộ chuyển đổi xúc tác. Có thể chúng đã vượt qua hàng rào máu não. Mũi có thể là cửa trước để các kim loại độc đi vào não”, ông nói.
Ông Paul E. Schulz, giáo sư thần kinh học và giám đốc Trung tâm Rối loạn nhận thức thần kinh tại Đại học UTHealth Houston, cảnh báo rối loạn stress sau sang chấn là yếu tố nguy cơ chính gây ra chứng sa sút trí tuệ sau này.
Cháy rừng kinh hoàng đã hủy hoại hoàn toàn thành phố Lahaina - địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng và cũng là nơi chứa đựng di sản lâu đời bậc nhất của Hawaii.