Quyết về "bản" nhưng vẫn còn trăn trở
Sinh ra và lớn lên ở bản vùng cao huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, sáu năm trước Giàng A Chính trở thành niềm tự hào của bản làng vì đã đỗ Đại học Y Hà Nội. Để nuôi được "cậu bác sĩ" của bản, bố mẹ Chính đã phải bán đi mảnh vườn, vay mượn đủ nơi mới đến ngày Chính tốt nghiệp.
Đầu tháng 8 vừa qua, Chính đã nhận bằng tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa Đại học Y Hà Nội. Mặc dù tại Hà Nội, Chính cũng đã có cơ hội được tiếp cận với một số bệnh viện tư nhân và được hứa hẹn mức lương khởi điểm hơn 10 triệu đồng.
Thế nhưng, Chính đã nộp hồ sơ xin về bệnh viện huyện quê nhà để công tác vì nghĩ rằng quê hương cần mình hơn. Chính chia sẻ bản thân đã "thăm dò" từ các anh chị ở bệnh viện và được biết lương ký hợp đồng khởi điểm sẽ khoảng 3 triệu.
Địa phương cũng có chế độ cho bác sĩ trẻ nếu tốt nghiệp loại giỏi sẽ hỗ trợ 1 lần là 100 triệu đồng/người. Tuy nhiên Chính không đạt tiêu chí này. Theo Chính, khóa của anh tại trường hơn 120 người chưa đến 10% người tốt nghiệp loại giỏi.
Mặc dù xin về bệnh viện địa phương, thế nhưng Chính vẫn trăn trở về tương lai của mình. Chính thú nhận đôi khi rất nản khi nhìn về con đường sau này của mình.
"Nói thật, giờ đâm lao rồi phải theo lao thôi. Không nhẽ đã học tập suốt 6 năm giờ bỏ ngang. Nếu địa phương có thêm chế độ thu hút nguồn lực y bác sĩ trẻ thì chẳng ai không muốn gắn bó. Nhiều anh chị đi trước cũng về rồi lại phải đi vì mức lương không đủ sống", Chính chia sẻ.
Khi được hỏi về việc nếu có chế độ đãi ngộ để về trạm y tế công tác, liệu bác sĩ trẻ có sẵn sàng. Chính thẳng thắn thừa nhận ở thời điểm hiện tại sẽ không về cơ sở.
"Bác sĩ trẻ ra trường cần phát triển bản thân, trong khi đó trạm y tế hiện nay chuyên quản lý, xử trí ban đầu rồi chuyển tuyến. Vì vậy, tôi mới ra trường khó có thể học được kinh nghiệm điều trị.
Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng đây là do định hướng của mỗi người. Nếu có chính sách thu hút tốt, khả năng sẽ có nhiều bác sĩ giỏi sẵn sàng về. Như vậy cơ sở cũng sẽ quản lý tốt được bệnh nhân ngay từ đầu, vừa giúp được bệnh nhân, vừa giúp giảm được áp lực quá tải cho tuyến trên", Chính nhận định.
Bác sĩ trẻ về rồi lại đi
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều tỉnh đã có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đãi ngộ đối với các bác sĩ khi về công tác tại bệnh viện công. Đơn cử như tỉnh Lai Châu, Lào Cai… nhân lực chất lượng cao khi về địa phương sẽ được hỗ trợ 1 lần từ chính sách với mức hỗ trợ từ 50 triệu đến 400 triệu đồng đối với từng chuyên ngành đào tạo.
Tuy nhiên, những quy định về thu hút nhân lực chất lượng cao cũng có nhiều điều kiện, như bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi, bác sĩ nội trú, giáo sư. Ngoài chính sách hỗ trợ 1 lần thì hầu hết chưa có thêm chính sách khác.
Cũng có nhiều địa phương gần như không có chính sách gì do điều kiện kinh tế của địa phương còn khó khăn.
Đã công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên 20 năm, bác sĩ Mai Thị Tâm, trưởng khoa nhi bệnh viện, đã chứng kiến biết bao thế hệ bác sĩ trẻ về công tác tại viện rồi lại phải dứt áo ra đi.
"Năm nào cũng tuyển, năm nào cũng có bác sĩ xin chuyển công tác cũng chỉ vì mức lương quá thấp. Bản thân tôi đã công tác 20 năm, cộng đủ thứ phụ cấp, mỗi tháng thu nhập 15-17 triệu đồng. Còn các bác sĩ trẻ mỗi tháng 5-7 triệu đồng, cao lắm thì 10 triệu, khi không đáp ứng đủ cuộc sống buộc các bạn phải ra đi", bác sĩ Tâm bộc bạch.
Bác sĩ Tâm chia sẻ hiện tại địa phương không có chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại địa phương. Bởi vậy, dù nhiều bác sĩ mong muốn được về quê hương gắn bó, nhưng cũng đành bỏ lại gia đình để xuống Hà Nội.
"Có bác sĩ làm ở đây lương tháng chưa được 10 triệu nhưng khi xuống bệnh viện tư tại Hà Nội mức lương đã vài chục triệu. Hay bạn tôi giờ lương tháng đã 40-50 triệu sau nhiều năm công tác. Tôi không nói là sự bất công vì ai cũng có quyền lựa chọn, nhưng để thu hút, giữ chân bác sĩ thì cần có chế độ đãi ngộ", bác sĩ Tâm nói.
Tại sao các bác sĩ trẻ rất ngại về y tế cơ sở làm việc, nhất là về các huyện xa như Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi…