Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng. Đa số các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội, Nghị quyết hàng năm của Tỉnh ủy đều cơ bản đảm bảo. Đến nay, trong 27 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, có 6/27 chỉ tiêu vượt, 14/27 chỉ tiêu đạt từ 50% trở lên.
Năm 2022, quy mô kinh tế của tỉnh vươn lên đứng thứ hai khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đạt 116.000 tỷ đồng, đứng sau tỉnh Long An, dự kiến cuối năm 2023 đạt trên 129.000 tỷ đồng, tăng khoảng 30.000 tỷ đồng so với năm 2020. Đến nay thực hiện đạt mục tiêu tổng quát của Đại hội là “duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long”; thu nhập bình quân đầu người ước năm 2023 đạt 74 triệu đồng, tăng 17 triệu đồng so với năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2023 ước đạt 5,29%/năm (Nghị quyết đề ra bình quân 5 năm đạt 7,24% trở lên); khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2021 – 2023 tăng 11,33% (Nghị quyết đề ra bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 10%).
Ngành du lịch phục hồi và phát triển khá, từ năm 2021 đến cuối tháng 6/2023, thu hút trên 15,2 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 16,97%/năm, trong đó khách quốc tế hơn 530.000 lượt.
Xây dựng nông thôn đạt được nhiều tiến bộ mới, đến nay, toàn tỉnh có 108/116 xã, 05/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; công tác giáo dục-đào tạo, văn hóa, y tế, phòng, chống dịch, giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách được thực hiện tốt hơn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua, khẳng định sự định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ là đúng đắn; thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhân dân, từ đó huy động và khơi dậy nội lực của địa phương, sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ của doanh nghiệp và nhân dân.
Tuy nhiên, qua đối chiếu với Nghị quyết Đại hội, cũng còn nhiều nhiệm vụ thực hiện còn chậm, đạt thấp, việc cụ thể hóa, triển khai, quán triệt thực hiện và sơ kết – tổng kết một số chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh còn chậm, có 06 chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp, đạt dưới 50% Nghị quyết nhiệm kỳ. Các chương trình, kế hoạch, đề án... thực hiện Nghị quyết Đại hội chưa mang lại hiệu quả rõ nét, trong đó có 3 khâu đột phá về: đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, nhất là giao thông.
Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Thanh Bình cho rằng, nhiệm vụ của nửa nhiệm kỳ còn lại rất nặng nề, đặc biệt là các nhiệm vụ, chỉ tiêu về kinh tế. Do đó, toàn Đảng bộ phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, mới hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
“Khắc phục những khó khăn, biến thách thức thành thời cơ, động lực cho phát triển, khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phấn đấu đạt ở mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội”, Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.
Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, đặc biệt là 03 khâu đột phá theo Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
Thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, trong đó các nhiệm vụ, đề án thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Riêng các khu vực kinh tế, ưu tiên các nhiệm vụ, giải pháp lớn mà Nghị quyết Đại hội đề ra, tạo ra đột phá mới, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình đã và đang triển khai như: Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao; Đề án nuôi biển, nuôi bờ, cơ cấu lại ngành thủy sản...
Tập trung giải pháp tháo gỡ vướng mắc, huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu huy động vốn đầu tư toàn xã hội, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; đồng thời sớm có kế hoạch huy động nguồn lực cho giai đoạn 2026 – 2030.
Đẩy mạnh chương trình phát triển đô thị, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 23 đô thị, trong đó 2 đô thị loại I (Rạch Giá và Phú Quốc), 1 đô thị loại II (Hà Tiên); tập trung phát triển các đô thị động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Phát triển du lịch của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển, phấn đấu là tỉnh trong nhóm có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước.