Điều gì có thể lý giải cho các biểu hiện có phần bất ổn như vậy trong hoạt động mua bảo hiểm nhân thọ?
E dè với bảo hiểm nhân thọ
Về mặt lý thuyết, ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ là các lĩnh vực gần nhau. Vì vậy, doanh nghiệp có thể tận dụng tính kinh tế theo phạm vi để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, cũng xuất phát từ những đặc thù riêng của các hoạt động tài chính, điều đó khó có thể xảy ra.
Đơn cử, ngoài nhu cầu vốn lớn, đảm bảo an toàn rủi ro tín dụng hay quỹ bảo hiểm là các yêu cầu quan trọng đối với các lĩnh vực kinh doanh này. Vì vậy, pháp luật các nước thường rất cân nhắc việc ngân hàng dễ dàng nhảy vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ hay ngược lại.
Kết quả, chính rào cản pháp lý đó tạo dựng ra thế giới song song với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và ngân hàng riêng biệt. Cuối cùng, để có thể tiếp tục tận dụng các lợi thế kinh doanh như vừa nói, các đơn vị này chọn cách hợp tác với nhau.
Một trong những mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp bảo hiểm là tìm kiếm khách hàng có nhu cầu lo toan cho cuộc sống của mình và người thân của họ sau này. Những người đó phải... có tiền.
Ngân hàng là nơi thâu giữ nguồn tiền nhàn rỗi. Ngoài tỉ lệ khách hàng thích chọn phương án gửi tiết kiệm cho... an toàn, không ít người mang tiền đến ngân hàng vì không tiếp cận được các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.
Tâm lý thông thường của người có tiền là nếu thấy có lợi hơn sẽ chọn. Bảo hiểm vì vậy hợp tác với ngân hàng để tiếp cận lượng lớn khách hàng tiềm năng. Ở Việt Nam, bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm không mới, nhưng cũng không phải đã quá quen thuộc vì thời gian xuất hiện chưa đủ lâu. Người Việt Nam chưa thật hiểu rõ về dòng sản phẩm này.
Một số thông tin thiếu hấp dẫn đã tác động không tốt đến tâm lý tiêu dùng. Đơn cử, tình huống bị loại trừ khả năng chi trả trong một vài vụ việc có tốc độ lan truyền mạnh. Sự e dè với bảo hiểm nhân thọ xuất hiện, từ đó tạo ra vách ngăn khá lớn để các đơn vị kinh doanh phát triển sản phẩm và thị trường.
Chờ xử lý nghiêm
Từ sau chuyện hợp đồng bảo hiểm của nghệ sĩ Ngọc Lan, các phản ứng nghịch chiều trước mối lương duyên ngân hàng - công ty bảo hiểm được dịp phát lộ.
Chuyện gì cũng có căn nguyên của nó. Chắc hẳn cả ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm đều chịu áp lực về tăng doanh thu. Nhưng hơn hết, nhân viên sale của cả hai đơn vị đều chịu áp lực rất lớn khi thu nhập của họ phụ thuộc vào doanh số bán hàng.
Chưa nói gì về kiến thức và nghiệp vụ, tình huống nhân viên bán hàng chỉ tư vấn theo kiểu chiêu dụ khách hàng ký hợp đồng có thể xảy ra.
Trong khi đó, pháp luật áp chế trách nhiệm của pháp nhân đối với nhân viên bán hàng ở nước ta còn khá mập mờ, xử lý hành vi bán hàng vô lương tâm còn chưa có...
Manh mối để khách hàng chứng minh nhân viên tư vấn sai cũng rất yếu. Yêu cầu về việc phải để cho người mua bảo hiểm phải hiểu và nắm được tất cả các nội dung dài nhằng, chi chít chữ... trong hợp đồng cũng là một tiêu chuẩn khá xa xỉ trong thực tế kinh doanh và thực thi pháp luật ở Việt Nam.
Điều đáng nói hơn là các hợp đồng bảo hiểm được ký với người đi vay tiền, đó là điều kiện để được ký hợp đồng vay! Điều này đã được phản ánh nhiều. Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhắc nhở, chỉ đạo xử lý rất nhiều lần.
Nếu bị xử lý nghiêm thì có thể hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng trở nên quy củ hơn nhiều.
Có nghĩa ngân hàng làm đúng việc, doanh nghiệp bảo hiểm tìm đúng khách hàng và doanh thu thu được là đáng có, từ các hoạt động cung ứng dịch vụ phù hợp thì những âu lo lẫn ánh nhìn thiếu thiện cảm về việc này không quá lớn như hiện nay.
Tỉ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bán qua ngân hàng sau năm thứ nhất cao ngất ngưởng, có nơi lên đến 73%. Người mua bảo hiểm phải chấp nhận mất trắng số tiền đã đóng.