Mới đây, Sở Công Thương Tiền Giang tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tổ chức xúc tiến thương mại và Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tại TPHCM, diễn ra từ ngày 29/8-2/9.
Dự kiến, địa phương này sẽ đưa nhiều sản vật như sầu riêng, mít, thanh long, dứa, dừa, saboche…; thủy hải sản chế biến; sản phẩm chăm sóc sức khỏe… đến giới thiệu tại TpHCM; đồng thời tìm đối tác, mở rộng đơn hàng, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử...
Theo số liệu trên báo Công Thương, Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước với hơn 70.000 ha và hàng năm cho sản lượng trên 1,8 triệu tấn trái cây các loại. Trong đó, có một số loại trái cây đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Cai Lậy, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim,…
Những năm gần đây, các loại trái cây của tỉnh Tiền Giang đã dần khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước. UBND tỉnh Tiền Giang cũng luôn coi trọng việc tìm kiếm, phát triển, mở rộng thị trường, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng các chuỗi liên kết, tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, diện tích cây sầu riêng của tỉnh gần 19.500 ha, tập trung nhiều ở huyện Cai Lậy, Cái Bè, Thị xã Cai Lậy. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 135 ha sầu riêng được trồng mới. Trong số này, diện tích vườn cây sầu riêng đang cho thu hoạch khoảng 12.600 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 355.000 tấn/năm. Chủ trương của tỉnh Tiền Giang là không phát triển cây sầu riêng ồ ạt nhất là ngoài vùng quy hoạch, vùng ngập lũ. Đối với các vườn cây hiện có thì nâng chất lượng; trồng theo các tiêu chuẩn GAP.
Đặc biệt, sầu riêng là một trong 11 loại trái cây đặc sản chủ lực của tỉnh Tiền Giang, xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc. Quả cây này cũng đang chịu áp lực canh tranh khi diện tích tăng nhanh, vấn đề cần quan tâm là phải thực hiện khâu liên kết sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản gắn với việc cấp mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói... đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Tiền Giang, nhiều mặt hàng quả cây đặc sản địa phương do không có đầu ra, tình trạng “được mùa mất giá” làm nông dân chán nản. Và cuối cùng mất đi giống đó. Còn khi sản phẩm có đầu ra ổn định, giá cao… nông dân sẽ mở rộng canh tác.
Thời gian gần đây, nhiều nông dân tỉnh Tiền Giang đã chuyển sang trồng sầu riêng. Khi được khơi thông thị trường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu riêng tăng vọt tới 200.000 đồng/kg, hiện tại đang có giá 60.000-70.000 đồng/kg. Do đó nhiều người chuyển sang trồng sầu riêng. Hiện, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh Tiền Giang trên 35.000 ha (đã tăng 20-30% so với năm 2022), trong đó có 18.000 ha đang cho quả.
Mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo cần có lộ trình, không vội vàng tăng diện tích dễ gây rủi ro; nguồn cung quá lớn sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ… nhưng nông dân vẫn không ngừng mở rộng diện tích trồng sầu riêng, ông Lưu Văn Phi nhấn mạnh.
Thông tin thêm trên báo Quân Đội Nhân Dân, nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc tăng nóng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ khủng hoảng thừa do nguồn cung lớn. Thống kê cho thấy, 70% sản lượng sầu riêng ở Tiền Giang đều xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, phần lớn là dưới dạng quả tươi. Do đó, chỉ cần thị trường biến động, “cây tiền tỷ” như sầu riêng dễ dàng trở thành “sầu chung” cho nông dân ở địa phương này.
Trước đó, chia sẻ với báo VOV, ông Đặng Văn Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình, huyện Cai Lậy – địa phương có vườn cây sầu riêng chuyên canh lớn của tỉnh cho biết: "Diện tích trồng cây sầu riêng trên địa bàn xã chiếm tới 1.500 ha. Bây giờ nếu cây suy kiệt thì cải tạo, trồng tới hoài. Bây giờ chuyển trồng cây sầu riêng hết rồi, xã Tam Bình đâu còn trồng các loại cây khác, nếu có cây khác là xen canh với sầu riêng. Bây giờ chúng tôi đang triển khai theo quy trình Viet Gap, cấp mã số vùng trồng. Thị trường bán sang Trung Quốc là chủ yếu chứ các thị trường khác đâu có bao nhiêu đâu”.
Sau khi sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, lợi nhuận hấp dẫn khiến nhiều nông dân không chỉ Tiền Giang mà nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long đốn cây trồng khác để trồng sầu riêng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi quả sầu riêng chỉ có thị trường chính là xuất tươi sang Trung Quốc, nếu cung vượt cầu - tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
Hiện, diện tích sầu riêng cả nước khoảng 110.300 ha, diện tích cho thu hoạch 54.400 ha, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng 849.100ha. Trồng tập chung tại 4 vùng tại miền Nam, vùng Tây Nguyên có diện tích lớn nhất 51.400ha, sản lượng 336.400 tấn, so cả nước bằng 46,7% diện tích và 39,6% sản lượng.
Đáng chú ý, đứng thứ 2 là vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 33.000ha, sản lượng 372.000 tấn, so cả nước bằng 29,9% diện tích và 43,8% sản lượng. Thứ 3 là vùng Đông Nam bộ có diện tích 20.800ha, sản lượng 122.900 tấn, so cả nước bằng 18,9% diện tích và 14,5% sản lượng. Thứ 4 là vùng Duyên hải Nam Trung bộ có diện tích 5.00ha, sản lượng 17.800 tấn, so cả nước bằng 4,2 % diện tích và 2,1% sản lượng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt gần 850 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cả năm ngoái. Dự kiến xuất khẩu sầu riêng cả năm nay của Việt Nam sẽ tăng mạnh, đạt 1,2-1,5 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với năm ngoái.
Nhận định về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt kiêm Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cơ hội làm giàu đối với cây sầu riêng mở ra rất nhiều nhưng kèm theo đó là một số khó khăn, thách thức khác.
Trúc Chi (t/h)