1. Sau sự kiện Vạn Thịnh Phát, xảy ra vào đầu tháng 10 năm ngoái, không có nhiều thành viên thị trường dự liệu được cú sụp kinh hoàng của thị trường chứng khoán trong nước, về việc VN-Index “bốc hơi” gần 40% điểm số, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản, bên bờ vực phá sản…
Trong vòng xoáy thông tin tiêu cực dồn dập, cả thông tin chính thống và “tin đồn”, nhiều cổ phiếu mất 50 - 60% giá trị, thậm chí có những cổ phiếu mất tới 80 - 90% giá trị khiến nhiều cổ đông, nhà đầu tư không kịp “trở tay”. Không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà ngay cả nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp ồ ạt, cháy tài khoản.
Trong cơn hoảng loạn của cổ đông, nhà đầu tư, tinh thần và bản lĩnh những người chèo lái con thuyền doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Khi giá cổ phiếu KBC rớt xuống 16.000 đồng/cổ phần, doanh nghiệp dính tin đồn vay nợ trái phiếu lớn, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) rất trăn trở.
Hơn ai hết, ông Tâm hiểu rõ về sự vững vàng của KBC và xót xa khi nhiều cổ đông chỉ vì nghe theo tin đồn mà bán tống bán tháo cổ phiếu ở giá thấp, chịu thiệt hại nặng nề.
Ông đã cởi mở gặp gỡ các nhà báo, chia sẻ về bức tranh lớn của nền kinh tế, về niềm tin vào cuộc hỗ trợ chính sách của các cơ quan quản lý.
Coi KBC là máu thịt, là cuộc sống của mình, ông Tâm chấp nhận bán rẻ tài sản cá nhân khác để mua vào cổ phiếu KBC. Ông cũng thống nhất với Ban lãnh đạo KBC thu xếp nguồn lực tài chính trả nợ trước hạn trái phiếu doanh nghiệp dù khoản vay này đã được xây dựng kế hoạch dòng tiền rất chắc chắn.
Theo công bố thông tin của KBC, ông Tâm đã mua 25 triệu cổ phiếu từ ngày 15/11/2022 - 13/12/2022, theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Trong khoảng thời gian ông Tâm mua vào, cổ phiếu KBC dao động trong khoảng 15.000 - 22.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tạm tính theo mức giá trung bình, ông đã chi khoảng 468 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu trên.
Việc Chủ tịch KBC mua vào cổ phiếu của Công ty giúp trấn an tâm lý của các cổ đông doanh nghiệp, nhờ vậy, thị giá cổ phiếu hồi phục tích cực. Đến nay, giá cổ phiếu KBC vượt trên 30.000 đồng/cổ phiếu, luôn nằm trong danh sách khuyến nghị đầu tư bền vững của các công ty chứng khoán lớn.
Đến ngày 22/6/2023, KBC đã trả hết 3.900 tỷ đồng nợ trái phiếu doanh nghiệp. Chuyện mua lại trước hạn trái phiếu của KBC cũng có nhiều thông tin bất ngờ. Khoảng một nửa số trái chủ đã không bán trước hạn trái phiếu vì họ tin vào KBC, đợi đến ngày đáo hạn trái phiếu để hưởng nguyên lãi. Vì thế, Công ty cũng chịu thiệt hại một khoản chi phí tài chính, do đã để dành sẵn nguồn tiền lãi suất thấp chi trả.
KBC còn có một yếu tố phi tài chính được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao. Đó là sự đồng hành, gắn kết của Ban lãnh đạo, mô hình quản trị không dựa vào ý chí chủ quan của người đứng đầu doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc KBC có vài chục năm sát cánh bên ông Tâm, là người chèo lái và tổ chức thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khu công nghiệp.
Tại KBC, có thể gặp hàng chục lãnh đạo cấp trung trở lên gắn bó với ông Tâm nhiều năm liền như vậy. Ông Tâm thường bảo: “Tôi có làm gì đâu, toàn anh em làm cả”.
2. Trước bối cảnh kinh doanh khó khăn không chừa bất cứ doanh nghiệp nào, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG) nhiều lần chia sẻ: “Lúc này phải kiên trì, dựa vào tâm sáng, lợi ích tập thể dẫn đường, cùng ứng biến”.
Mỗi khi cổ đông lo lắng, hỏi han về tình hình doanh nghiệp thì đều nhận được sự khích lệ từ vị thuyền trưởng BCG: “Chúng tôi vẫn kiên trì, can trường, sát cánh”.
Trong những thời điểm khó khăn nhất, mảng năng lượng vốn sinh ra dòng tiền đều đặn, được nhiều bên nước ngoài quan tâm, hỏi BCG có tính bán bớt cổ phần hay nhà máy đang vận hành, ông Nam trả lời: “BCG không bán, mà còn đang tính mua thêm các dự án có tiềm năng triển khai”.
Ấn tượng nhất trong báo cáo tài chính quý II/2023 của Công ty là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 1.393,8 tỷ đồng, nợ phải trả giảm hơn 1.027 tỷ đồng, doanh thu tăng trưởng 26,5%, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 17 lần so với quý trước đó.
Cơ cấu nguồn thu khá vững chắc từ ba mảng chính: bất động sản (của BCG Land) đóng góp 344,2 tỷ đồng, chiếm 30,9%; năng lượng tái tạo (của BCG Energy) đóng góp 320,3 tỷ đồng, chiếm 28,7%; xây dựng hạ tầng (của Tracodi) đóng góp 310,3 tỷ đồng, chiếm 27,8%.
3. Tại Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH), Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG), để đảm bảo việc làm cũng như thu nhập ổn định cho người lao động trong bối cảnh sức cầu của các thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh từ quý III/2022 tới nay là bài toán không hề đơn giản, song lãnh đạo các doanh nghiệp này vẫn nỗ lực thực hiện được.
Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch May Sông Hồng chia sẻ: “Tôi vẫn thường nói với Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc, dù khó khăn thế nào, cổ tức cho cổ đông có thể thấp hơn, lợi nhuận có thể thấp hơn, Công ty cũng phải giữ vững chính sách lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động. Còn công nhân là còn nhà máy, để mất công nhân là nhà máy mất. Khi thị trường thuận lợi, họ lại làm tốt cho Công ty”.
Quý II, May Sông Hồng tăng trưởng doanh thu trở lại nhưng lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, do chi phí nguyên liệu, chi phí bán hàng tăng mạnh. Ở chiều ngược lại, Công ty tiết giảm được tới 31% chi phí quản lý doanh nghiệp.
“Số lượng nhân sự khối hỗ trợ của May Sông Hồng không nhiều nhưng có thể đảm nhận khối lượng công việc rất lớn. Mười mấy nghìn lao động nhưng chỉ có 2 người làm công tác tổ chức cán bộ. Mỗi tháng, Công ty chi 100 tỷ đồng tiền lương, phụ cấp nhưng chỉ có 4 - 5 người quản lý. Nói điều đó để thấy về nhân lực là May Sông Hồng tiết kiệm tối đa, sử dụng hiệu quả nhất, luôn áp dụng hệ thống quản trị hiện đại để tối ưu hoạt động doanh nghiệp”, ông Thịnh chia sẻ với các cổ đông.
Nỗ lực của nhiều doanh nghiệp, sự hứng khởi hơn trong tinh thần kinh doanh của nhiều doanh nhân được kỳ vọng sẽ phản ánh kết quả tích cực hơn trong thời gian tới.
Thống kê báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II/2023 cho thấy, có 9/19 nhóm ngành có sự tăng trưởng so với quý I/2023. Cụ thể hơn, nếu so với cùng kỳ, nhiều nhóm ngành tăng trưởng âm, nhưng nhiều nhóm ngành chủ lực của nền kinh tế đang “tạo đáy”, tín hiệu cho thấy những thay đổi của chính sách dần tác động tích cực vào hoạt động doanh nghiệp, đồng thời việc kết quả kinh doanh tạo đáy cũng sẽ làm tăng định giá của thị trường.