Kênh Douyin (phiên bản của TikTok tại Trung Quốc) của Wang mở ra từ tháng 4/2020, hiện có 73.000 người theo dõi. Hiện tại, khi thị trường bất động sản xuống dốc, Wang (39 tuổi) đặt cược việc livestream (phát trực tuyến) sẽ trở thành cách giúp cô giành được khách hàng.
"Thị trường bất động sản hiện không tốt, nhưng vẫn có cách kiếm tiền. Nếu không livestream, bạn sẽ không bán được căn nhà nào cả", Wang cho biết.
Khi doanh số bán nhà lao dốc và giá nhà đi xuống tại nhiều thị trường lớn, như Thượng Hải, các nhân viên môi giới và các hãng bất động sản buộc phải sáng tạo. Dù livestream không phải hiện tượng mới ở Trung Quốc, nó lại là điểm sáng hiếm hoi trong thị trường bất động sản.
Theo báo cáo của một hãng tư vấn do ByteDance - công ty mẹ Douyin - hỗ trợ, trên Douyin hiện có hơn 2 triệu người làm livestream về bất động sản. Số liệu năm 2022 gấp đôi năm trước đó.
Một số môi giới cho người xem tham quan nhà xa xỉ. Số khác diễn hài, nhảy, hoặc thậm chí hóa trang thành người nổi tiếng. Wang chọn cách chuyên nghiệp hơn, là ngồi bàn làm việc, phân tích xu hướng thị trường như những người dẫn bản tin trên TV.
"Livestream đang ngày càng cần thiết", Georg Chmiel – Chủ tịch hãng bất động sản Juwai-IQI – cho biết cách thức này đặc biệt được khách nước ngoài ưa chuộng, do họ không thể đến xem nhà trực tiếp.
Các đại gia công nghệ Trung Quốc đang tận dụng sự chuyển hướng này. Năm ngoái, ứng dụng video ngắn Kuaishou Technology ra mắt trung tâm dịch vụ bất động sản, có tên Ideal Homes. Mục này sẽ hiển thị các căn nhà đang rao bán và các livestream, được chia theo thành phố. Tổng giá trị giao dịch nhà trên ứng dụng này đã vượt 10 tỷ nhân dân tệ năm ngoái.
"Chúng tôi sẽ tập trung vào các dịch vụ trực tuyến dành cho bất động sản", người phát ngôn của ByteDance cho biết trên Bloomberg.
Dù vậy, những người livestream như Wang vẫn được cho là quá lạc quan khi thị trường bất động sản đang trì trệ. Với phần lớn người mua, trực tiếp đến xem nhà mới là chìa khóa để chốt giao dịch.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản Trung Quốc hiện chưa có dấu hiệu thoát khủng hoảng. Doanh số bán nhà đã giảm 43% trong tháng 7 so với tháng trước đó. Đây là tháng Trung Quốc ghi nhận số liệu thấp nhất gần 6 năm. Giá bán cũng giảm tháng thứ hai liên tiếp.
Alicia Garcia Herrero – nhà kinh tế học tại Natixis cho rằng nhu cầu mua nhà sẽ tăng nếu người dân tin rằng giá lên cao. Nhưng việc này vẫn chưa diễn ra.
Khi niềm tin của người tiêu dùng đi xuống, các hãng bất động sản nặng nợ cũng ngày càng lo lắng. Báo cáo của ByteDance cho thấy hơn 80% trong nhóm 200 hãng bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã mở tài khoản trên Douyin.
Để giải phóng hàng tồn, các hãng bất động sản tại các thành phố từ Hàng Châu đến Tây An đều tung nhiều chiêu khuyến mãi, từ miễn phí cải tạo, đến tặng vàng, thậm chí tặng lợn. Một số còn mạnh tay hơn khi quảng cáo "miễn tiền trả trước mua nhà" và "mua một tặng một". Đây là cách họ lách quy định cấm giảm giá mạnh của chính quyền địa phương.
Wang tập trung vào Huain – thành phố ở phía đông tỉnh Giang Tô. Các livestream của cô thường kéo dài 2 tiếng, giới thiệu các căn hộ còn trống, điểm lại chính sách về nhà đất và đánh giá ưu điểm của từng khu vực. Sau lần livestream đầu tiên hồi tháng 4/2020, cô nghỉ việc tại một công ty bất động sản vài tháng sau đó, để chuyên bán nhà trên Douyin. Hiện cô livestream 4 lần một tuần, thỉnh thoảng làm hàng ngày.
Nỗ lực của cô đã phát huy tác dụng. 2 năm qua, Wang bán được 10-16 căn hộ mỗi tháng, kiếm được hơn 2 triệu nhân dân tệ (278.000 USD) một năm.
Năm nay, dù thị trường vẫn đi xuống, cô đã bán được hơn 40 căn hộ. Dù vậy, phần lớn thu nhập của cô hiện đến từ tiền hoa hồng, cũng như dịch vụ marketing, đào tạo cho các hãng bất động sản.
"Dù làm độc lập hay làm cho công ty môi giới, hoặc chính bạn là công ty bất động sản, bạn đều cần lượng khách hàng từ livestream. Nhờ phát trực tiếp, tôi tiếp cận được khách hàng và thông tin cũng được truyền đạt hai chiều. Đó là cách bạn gây dựng niềm tin", Wang kết luận.
Hà Thu (theo Bloomberg)