Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An khẳng định như vậy khi trao đổi với PV Thanh Niên. Theo ông An, trong bối cảnh vừa có khó khăn chung, vừa có khó khăn riêng, các chỉ số đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua khẳng định nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp ở Bình Thuận.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, Bình Thuận là tỉnh nằm ngay cửa ngõ điểm nóng TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương, phải chống chọi từng ngày với tình huống chưa từng có.
"Thời điểm đó vừa lo chống dịch trong tỉnh, lo đời sống người dân, vừa phải vào Bình Dương, TP.HCM đón người dân về quê tránh dịch, khó khăn chồng chất gần 2 năm liền", ông Dương Văn An nhớ lại.
Khó khăn nhưng tăng trưởng khá cao
Bên cạnh các khó khăn kể trên, ngành năng lượng, một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh bị "đứt gãy". Giá than đá (cho 3 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân) tăng cao, nhiều nhà máy điện phải cắt giảm công suất khiến các doanh nghiệp điện gặp khó khăn.
Sản phẩm lợi thế trong nông nghiệp của Bình Thuận là trái thanh long không xuất khẩu được sang Trung Quốc vì biên giới đóng cửa, nhà nông thiệt hại rất lớn.
Bình Thuận còn có những "khó khăn riêng, chưa từng có". Đó là hàng loạt cán bộ bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận, xử lý kỷ luật do vi phạm trong công tác.
Thậm chí có cán bộ bị khởi tố hình sự, trong đó có cả cán bộ chủ chốt đương chức của tỉnh. Điều này tác động tiêu cực đến tâm lý của đội ngũ cán bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự kế thừa liên tục trong công tác cán bộ của tỉnh thời gian qua.
"Những khó khăn dù là chung hay riêng đều tác động không nhỏ đến quá trình triển khai nghị quyết của đại hội Đảng các cấp, chứ không chỉ riêng phát triển kinh tế", ông Dương Văn An chia sẻ với PV Thanh Niên.
Dù vậy, tăng trưởng GRDP của Bình Thuận vẫn khá cao. 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7,76%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành cả nước. Dự kiến trong năm 2023, tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP ước đạt 7,5%, vượt mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra là 7,2%.
Trong khi đó, theo kết quả công bố chỉ số PAPI (sự hài lòng của người dân về hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền) năm 2022, tỉnh Bình Thuận đạt 44,54 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành cả nước.
Theo ông An, đây cũng là lần đầu tiên trong 12 năm khảo sát, công bố (kể từ năm 2011), Bình Thuận lọt vào top 10 tỉnh, thành đạt điểm cao nhất cả nước (tăng 5 bậc so với năm 2021; năm 2021 Bình Thuận xếp thứ 12/63 tỉnh, thành).
3 trụ cột của nền kinh tế
Đại hội 14 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Đảng bộ Bình Thuận xác định 3 trụ cột của nền kinh tế là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng và du lịch.
Theo ông Dương Văn An, nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, dù các chỉ số chưa được như mong muốn, song nhìn lại các chỉ tiêu kinh tế đạt được cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Đơn cử một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là du lịch. Theo ông An, Bình Thuận lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành cả nước có tốc độ tăng tốc ngành du lịch mạnh nhất hiện nay.
Ngay sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã vươn dậy và bứt phá, lấy khu du lịch quốc gia Mũi Né là trung tâm thu hút và tăng trưởng du khách.
Từ đầu nhiệm kỳ đến 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón hơn 15,25 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 38.587 tỉ đồng.
Đặc biệt, kể từ khi 2 tuyến đường bộ cao tốc đi qua Bình Thuận được đưa vào khai thác, lượng du khách nội địa đến Bình Thuận tăng gấp 2 lần so với trước đây.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bình Thuận đón gần 4,5 triệu lượt khách (khách quốc tế hơn 10%), doanh thu đạt 11.348 tỉ đồng.
Cục trưởng Cục Thống kê Bình Thuận Phạm Quốc Hùng nhận định, lượng khách quốc tế không lớn do ảnh hưởng của đại dịch từ Trung Quốc kéo dài và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên bù lại khách nội địa tăng mạnh 6 tháng đầu năm, dự kiến 6 tháng cuối năm còn tăng hơn nữa, đây chính là động lực quan trọng trong tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho rằng, trong thời gian tới, Bình Thuận vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các dự án đầu tư công trên quan điểm "lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư". Huy động các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân. Kiên quyết xử lý tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc của một bộ phận cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan chính quyền.
"Những kết quả đạt được thời gian qua là nền tảng quan trọng, tạo bệ phóng để phát triển. Tuy nhiên, phía trước còn không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, dân chủ, đổi mới để đưa Bình Thuận phát triển xanh, nhanh và bền vững", ông Dương Văn An nhấn mạnh.