Mẹ Lợi, bà Hồ Thị Út, năm nay 77 tuổi, tóc bạc trắng, ngồi tay chống cằm nhìn qua ô cửa trông ra triền đồi. Bà đang ngóng những người con tí hon đi nương trở về.
Ba người tí hon vui vẻ
Ngoại trừ vóc dáng khác thường, cả ba chị em Lợi, Hằng và Hiếu không khác gì người bình thường. Người con thứ hai của mẹ Út là chị Nguyễn Thị Hạn (40 tuổi) kể rằng cha mình trước đây đi bộ đội quân y trong chiến tranh. Sau đó, ông về làng lấy mẹ Út, sinh được tám người con.
Chị Hạn kể năm 1991 mẹ sinh đến Hiếu thì con bà bắt đầu bị lùn. Hai năm sau, mẹ lại sinh tiếp Nguyễn Thị Hằng cũng tí hon hệt như chị kế mình. Tới năm 1995, mẹ Út tiếp tục sinh thêm Nguyễn Thanh Hú may mắn phát triển bình thường như bao trẻ khác.
Mẹ Út đang ngồi chống cằm bên bếp lửa bỗng quay lại, chỉ vào chàng trai có bộ lông mày xẻ phong cách rất thời trang và bảo đó là cậu con gần kế út của bà.
"Tên nó là Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1998, đấy. Nó học tới lớp 5 thì bỏ vì trường xa quá mà chân lại ngắn", mẹ Út kể tiếp về đứa con không may bị bé nhỏ khác thường.
Chị Hạn nói dù thấp bé nhẹ cân nhưng cả ba đứa em chị rất vui vẻ, cười nói suốt ngày. Trong số này, Lợi là chàng trai lanh lẹ, sôi nổi nhất.
Lợi dẫn chúng tôi vào phòng riêng của mình được che lại bằng tấm vải rách. Chàng thanh niên tuổi 25 này mới sắm được chiếc smartphone. Cậu bảo tiền mua điện thoại từ tích cóp trợ cấp dành cho người khuyết tật hằng tháng, cộng khoản tiền một nhà hảo tâm trong lúc lên làng đã tặng cậu.
Không thể đi xe máy, Lợi ăn bận bảnh bao, đầu chải keo láng mượt, đeo bên hông chiếc túi da, lon ton nhảy cóc giữa con đường đất để lội xuống đường cái rồi nhờ đám bạn cùng trang lứa cho theo xe ra ngoài trung tâm huyện mua chiếc điện thoại ưng ý.
Có điện thoại, Lợi cài Internet rồi suốt ngày lên mạng lập tài khoản Facebook, đăng ký kênh YouTuber để kết nối với những thợ tóc nổi tiếng.
Lợi bảo thích cắt tóc từ nhỏ, thích làm thợ xăm hình nghệ thuật và luôn tìm các trang truyền nghề này để xem. Lúc mới đầu, Lợi háo hức dành tiền mua cây kéo rồi về làng gọi mấy người đàn ông bảo sẽ cắt tóc miễn phí.
"Lúc đó, ai nhìn em cũng cười. Họ bảo ôi mày đứng chưa tới lưng bọn anh thì làm sao với tới đầu mà cắt tóc. Nhưng một vài người cũng tò mò thử. Em kê chiếc ghế để đứng, rồi cầm kéo cắt bo những quả đầu theo phong cách "baber".
Nhưng trên mạng thấy dễ, còn thực tế khác xa, cắt xong bên thì méo, bên thì xồm lên khiến ai cũng bưng miệng cười", Lợi vui vẻ nói.
Chàng trai này khoe với chúng tôi chiếc túi da được một người bạn dưới thành phố gửi tặng. Trong đó có đầy đủ đồ nghề cắt tóc, một số đồ để phun xăm. Chị Hạn ngồi bên giường thấy em mình háo hức lục túi khoe "đồ nghề" của mình thì cười nghiêng ngả.
Chị bảo rằng hồi đầu mới thử nghề xăm, hễ thấy thanh niên nào trong làng "máu me" chút là cậu lại rủ rê xăm hình miễn phí. Nhưng chẳng ai đồng ý. Và không ai chịu thì mình tự xăm mình. Thế là Lợi lấy chính mình làm "thí nghiệm". Nhưng trò xăm chẳng dễ chút nào.
Trên cánh tay Lợi là hình xăm mà chúng tôi chẳng nhận ra đó là con bọ cạp hay con nhện. "Nhưng em thích. Ước mơ của em là làm thợ cắt tóc thời trang, phun xăm nghệ thuật", Lợi nói. Ngày ấy tới thăm Lợi trong ngôi nhà gỗ giữa lưng chừng đồi, thấy cơ thể nhỏ con, chúng tôi thầm nghĩ sẽ chẳng bao giờ chàng tí hon này bước ra khỏi ngôi làng của mình.
Nhưng một ngày đầu tháng 8, chúng tôi gặp Lợi khi đang lon ton theo đám bạn choai choai, bên hông đeo chiếc túi da màu xám, đầu tóc bảnh bao và quần áo tươm tất tại chợ sâm Ngọc Linh. Khác hình ảnh ở làng, Lợi đi chợ sâm khá "sành điệu", điện thoại smarphone cầm trên tay và theo bạn đi uống cà phê, chụp ảnh ở các gian trưng bày sản vật địa phương.
Chị em tí hon lên nương giúp mẹ
Trong góc bếp căn nhà gỗ, mấy chiếc lưỡi liềm, cuốc, xà beng... được giắt lủng lẳng. Nhìn qua cứ ngỡ đồ chơi trẻ con, nhưng không phải, đó là dụng cụ đi làm nương rẫy của ba chị em tí hon Hiếu, Hằng, Lợi.
Mẹ Út bảo rằng mấy đứa con bà dù nhỏ bé nhưng lanh lợi và hoạt bát. Khi biết mình không thể lớn thêm, cả ba chị em nhất quyết không chịu ở mãi trong căn nhà gỗ đợi chờ tương lai không đích đến mà quyết tìm việc để giúp cha mẹ.
Nhà đông anh em, nguồn sống là mấy đám lúa rẫy bên kia đồi, nhưng để đi tới đó thì phải vòng qua mấy con suối, mấy quả đồi. Người lớn đi nhanh cũng chừng một tiếng.
"Thấy mấy em nhỏ con quá, mẹ không cho đi làm. Nhưng khi mẹ lên nương, mấy đứa cũng dò dẫm đi theo. Đi miết rồi quen đường, rồi lên nương tìm cách bổ cuốc, quăng liềm xổ cỏ cho đám lúa.
Làm tới đâu thì ngã lăn lóc tới đó. Có lúc cây cuốc to quá, thằng Lợi cầm lên bổ một cái đã bị cuốc giật ngược ra sau làm nó lộn mấy vòng. Nhưng dần thì quen và làm được", chị Hạn vui vẻ kể.
Từ khi biết đường đến rẫy, ba chị em tí hon Hiếu, Hằng, Lợi được chị mình đặt thợ hàn cho bộ dụng cụ làm nương riêng. Các đồ hình dạng y hệt của bà con đi làm rẫy, nhưng lưỡi cuốc, phần cán cầm cho tới tổng trọng lượng cũng ngắn và nhẹ hơn, phù hợp cơ thể tí hon.
Thế là thay vì ngồi quanh sàn nhà, chị em Lợi trở thành những người tí hon biết lao động, được cha mẹ giao cho đám rẫy riêng để cuốc cào, trồng tỉa.
Chị Hạn bảo rằng do đường đến rẫy xa quá nên từ sáng sớm ba chị em Lợi đều dậy sớm lục đục nấu cơm, đùm túi bóng rồi vác cuốc liềm lọc cọc lên nương từ 4h sáng.
"Làm cỏ và gieo hạt, mấy đứa em mình làm được vì không cần chiều cao. Còn lúc phát cỏ, thu hoạch thì không làm nổi do cây lúa lút đầu người, mấy đứa với tay không được. Hơn nữa thu hoạch thì phải cõng cái gùi sau lưng, mà cái gùi thì nó đã to hơn người mấy em mình rồi", chị Hạn kể.
Ngoài chị em Lợi, chúng tôi phát hiện còn hai trẻ tí hon khác ở thôn 3, xã Trà Mai. Đó là Hồ Thị Kim Tuyến, 15 tuổi, đang học lớp 9 và em gái là Hồ Thị Kim Tường, 9 tuổi, đang học lớp 3.
Một bác sĩ tại Trạm y tế xã Trà Mai nói những người lùn ở xã mình đều có quan hệ họ hàng với nhau.
TTO - Giữa những tòa cao ốc lấp lánh ở TP.HCM về đêm, có vợ chồng 'tí hon' kia sống hạnh phúc trên căn gác mái ở nhờ Trung tâm thể thao quận Tân Bình.