Mới đây tại Khánh Hòa đã xảy ra vụ việc 4 mẹ con tử vong do ngạt khí CO vào tối 22, rạng sáng 23-8.
Cụ thể Hồ Xuân Hải (52 tuổi, ở xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) do làm ăn thua lỗ đã dùng khí CO đầu độc vợ con, khiến người vợ và 3 con gái tử vong.
Ông đã đi mua bình khí CO, khi vợ con ngủ say, xả khí độc này vào phòng. Sau đó, ông cũng vào phòng này nằm.
Hậu quả, vợ ông là bà N.H.N.D. (49 tuổi) và 3 con gái H.N.K.N. (21 tuổi), H.N.K.G.M. (14 tuổi) và H.N.T.Â. (10 tuổi) chết.
Ông Hải được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, không lâu sau thì sức khỏe hồi phục, ông tỉnh táo.
Trước đó, ngày 1-6, khi mất điện, ba cha con ở TP Hải Phòng đã vào ô tô của gia đình bật máy lạnh ngủ dẫn tới việc một người chết, hai người khác cấp cứu.
Các bác sĩ nhận định nếu không lấy gió bên ngoài, không khí không có sự lưu thông dẫn đến tăng hàm lượng khí CO và loại khí này sẽ khiến người ngủ trong xe bị ngộ độc, hôn mê đến chết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Như Vinh - trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM) - cho biết khi hít phải khí CO với lượng lớn, chúng sẽ lấy hết oxy trong cơ thể gây ra tình trạng thiếu oxy.
Đây là một loại khí không màu, không mùi được ví như sát thủ gây ra những cái chết “êm ái”. Do vậy, khi nạn nhân hít vào hoàn toàn không thể nhận biết được, đến khi ý thức được thì hệ thần kinh gần như tê liệt, tay chân không thể cử động.
Điển hình như trường hợp ngạt khí CO gần đây khi ngủ trong ô tô, bệnh nhân sẽ không vùng vẫy, khi ý thức được thì tay chân đã không thể cử động, ngất lịm đi và tử vong.
Khí CO thường phát sinh trong quá trình đốt cháy không hết thường gặp như: sử dụng máy phát điện trong phòng kín, sưởi ấm bằng than củi nhưng đóng kín cửa, nằm trong ô tô...
Bác sĩ Nguyễn Thành Úc - chuyên gia về nhi khoa - cũng cho biết thêm khí CO là một chất khí không màu, không mùi, có thể giết người mà không cần cảnh báo trước.
Khi hít phải một loại khí vô hình như CO, nạn nhân hoàn toàn không có cảm giác gì lạ. Chỉ khi nồng độ CO tăng lên trong máu, lúc đó mới xuất hiện triệu chứng. Nhức đầu và buồn nôn có thể bắt đầu xuất hiện khi nồng độ CO từ 10% đến 20% trong máu.
Khí CO khi bị hít phải sẽ đi vô phổi, khuếch tán nhanh qua phế nang, qua màng mao mạch phổi vào máu và liên kết với huyết sắc tố, có ái lực lớn gấp 240 lần so với ái lực oxy, liên kết này bền vững hơn oxy rất nhiều dẫn tới chất huyết sắc tố không thể gắn với oxy được nữa.
Hậu quả là tất cả mô và tế bào cơ thể không được cung cấp oxy, trong khi các bộ phận của cơ thể chúng ta đều rất cần oxy.
Đối với não, nếu không được nạp oxy từ 4 tới 5 phút sẽ bắt đầu bị tổn thương, sau 9 tới 10 phút bị tổn thương hoàn toàn và không thể hồi phục được, người bệnh sẽ nhanh chóng tổn thương các cơ quan và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Sơ cứu bệnh nhân ngộ độc khí CO ra sao?
Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện bệnh nhân bị ngộ độc khí nói chung và khí CO nói riêng, nguyên tắc đầu tiên là đưa bệnh nhân ra khỏi vùng thông khí, thoáng để cơ thể tự đào thải dần lượng khí CO trong cơ thể.
Nếu bệnh nhân có nôn ói phải móc sạch chất nôn vùng hầu họng, để tạo đường thông khí tốt nhất, cho bệnh nhân nằm gối đầu cao.
Nếu bệnh nhân suy hô hấp, phải biết cách hô hấp nhân tạo trên đường đi cấp cứu, tăng cơ hội cho bệnh nhân điều trị.
Bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế để thở oxy. Trường hợp ngộ độc nặng, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thở oxy liều cao, buồng oxy áp lực sẽ hữu hiệu cho cấp cứu bệnh nhân.
TTO - Nhiều trường hợp tử vong vì ngạt khí khi dùng máy phát điện, đốt than trong nhà kín hay xuống hố ga, giếng khơi. Đây là những cái chết 'êm dịu', không dấu hiệu cảnh báo, được giới chuyên gia, bác sĩ nhiều lần cảnh báo.