Nhiều cuộc lấy ý kiến các giới, các ngành, tổng phụ trách, đội viên, phụ huynh và cả những nhà chuyên môn có liên quan đến thiếu nhi đã được Hội đồng Đội TP.HCM ghi nhận ngay trước thềm hội nghị này.
Bảo vệ và giúp trẻ rèn luyện
Bác sĩ Lê Quang Mỹ (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) cho rằng trẻ ở trung tâm TP.HCM ít cơ hội trải nghiệm vì dành nhiều thời gian cho việc học. Nên hoạt động Đội cần tăng thêm nội dung giúp thiếu nhi, đội viên cơ hội trải nghiệm hơn nữa. "Chính những trải nghiệm và khó khăn thời tôi ở quê nhà đã giúp trui rèn để khi gặp khó mình không chùn bước. Các em hiện nay ít có điều kiện trải qua những thử thách từ cuộc sống", bác sĩ Mỹ nêu.
Khá nhiều băn khoăn khi có nhiều cạm bẫy lôi kéo, tìm cách tiếp cận trẻ hiện nay như thuốc lá điện tử, ma túy tổng hợp, bóng cười... Vừa làm chuyên môn, vừa trong vai trò phụ huynh, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến - trưởng khoa truyền thông giáo dục sức khỏe (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM) - trăn trở khi có bạn dùng thuốc lá điện tử đã nghiện và mắc một số bệnh liên quan đến thần kinh. Điều đó đòi hỏi Đội cần thêm nhiều sân chơi lành mạnh, giúp đẩy lùi những cạm bẫy rình rập trẻ.
Việc bảo vệ trẻ cũng nhận được khá nhiều quan tâm. Các ý kiến nói không chỉ là phòng ngừa xâm hại hay không để xảy ra bạo lực học đường mà các phụ huynh, chuyên gia cho rằng trẻ cần được an toàn trên không gian mạng. "Đội phải tạo mối liên kết giữa nhà trường và gia đình, hỗ trợ con em chúng ta tham gia hoạt động, phong trào Đội để phát triển tâm - trí - thể, dạy trẻ biết rung động trước cái đẹp và phẫn nộ với cái xấu", phụ huynh Trần Văn Trí có hai con là đội viên đề xuất.
Trong đó, ý tưởng về câu lạc bộ cùng chuỗi hoạt động "Bạn đồng hành cùng con" của Hội đồng Đội thời gian tới được ủng hộ. Có thể xem là kênh để phụ huynh trao đổi, trang bị kỹ năng làm cha mẹ, qua đó đồng hành với con tốt hơn.
Đội phải đổi mới
Từ các buổi góp ý đã đặt ra yêu cầu về phương thức thiết kế hoạt động cho thiếu nhi, làm sao phải hấp dẫn, mới lạ và thiết thực. Chị Võ Trần Thanh Phương - tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Minh Đạo (quận 5) - nói trẻ sử dụng Internet nhiều, mở nhạc thiếu nhi không mấy em biết nhưng lại rất rành các bài nhạc trẻ.
Chị Phương nói tác phẩm văn học, âm nhạc chính là nguồn nội dung để giáo dục đạo đức, phẩm chất và tình yêu quê hương đất nước cho các em. Tuy nhiên, hiện các tác phẩm này đều rất thiếu. "Bản thân tôi cũng trăn trở về điều này, băn khoăn cả việc chọn lựa phương thức giáo dục thiếu nhi ra sao trong giai đoạn hiện nay" - chị Phương đặt vấn đề.
Trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi, ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong việc tổ chức hoạt động là vấn đề được nhiều đề xuất qua các hội nghị. Những nội dung thiên về lý thuyết có thể tổ chức trực tuyến. Tuy vậy, cũng không quá sa đà vào công nghệ mà quên đi yêu cầu cốt lõi cần có trong các hoạt động cho thiếu nhi chính là tạo môi trường trải nghiệm, tăng tính tương tác giúp các em được học hỏi, rèn luyện kỹ năng và trưởng thành.
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục mới đang đặt ra nhiều thử thách cho các tổng phụ trách Đội. Chương trình học hiện có thêm nhiều tiết học, nội dung bắt buộc như 32 tiết quy định, nội dung về STEM, kỹ năng sống, nghệ thuật..., vô hình trung đã hầu như không còn chỗ trống cho tiết sinh hoạt Đội và sao nhi đồng.
Chị Phạm Thị Thanh Phụng - chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ trách thiếu nhi phường 14 (quận 11) - đề xuất cần tạo sự tiếp nối, phát huy năng lực và sức trẻ của các bạn chỉ huy Đội giỏi từ THCS lên THPT. "Có những bạn từng là chỉ huy Đội giỏi nhưng khi lên cấp III lại không được phát huy, không được ai giới thiệu và giúp các bạn tiếp nối trong hoạt động Đoàn. Điều này rất phí vì trong các bạn đã có sẵn nền tảng, sẵn "lửa" rồi" - chị Phụng bày tỏ.
Cùng suy nghĩ, chị Nguyễn Thị Thảo Trang - tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp) - cũng đề nghị Hội đồng Đội TP có phương thức phát huy lực lượng chỉ huy Đội giỏi từ cấp II lên cấp III. "Hãy tạo sân chơi lớn cho các bạn chỉ huy Đội giỏi, không chỉ dành riêng cho những bạn đoạt giải cao mà nên mở rộng hơn vì đây là sân chơi rất bổ ích được nhiều bạn tham gia hoạt động Đội rất hứng thú" - chị Trang nói.
"Tiếp thị" của Đội còn hạn chế!
Phụ huynh Thúy Vy, có con gái học lớp 6, chia sẻ thật lòng có nhiều mối lo khi con bước vào tuổi ẩm ương. Chị mong hoạt động Đội giúp các con được trang bị thêm kỹ năng sống, nhận biết đúng - sai, tránh xa cái xấu.
Một cách thẳng thắn, chị Vy nói Đội "tiếp thị" trong trường học đến phụ huynh còn hạn chế. "Nếu phụ huynh được cập nhật thông tin hoạt động Đội, phong trào thiếu nhi của trường các nhóm trên mạng của lớp, tôi tin họ sẽ ủng hộ các con tham gia", chị Vy cho hay.
Những con số đáng nhớ
Giai đoạn 2018 - 2023, hoạt động Đội tại TP.HCM ghi nhận đã tuyên dương hơn 2,8 triệu học sinh đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ các cấp cùng hơn 2,7 triệu bạn nhỏ được tuyên dương ở các lĩnh vực khác.
Thống kê cho thấy đã có hơn 4.100 hành trình đến bảo tàng với gần 2 triệu thiếu nhi tham gia. Cùng với đó, hơn 5.600 công trình măng non được thực hiện từ cấp liên đội trở lên có tổng giá trị hơn 46,5 tỉ đồng, xây mới và sửa chữa hơn 3.000 sân chơi thiếu nhi có tổng kinh phí 21,1 tỉ đồng.
Các hoạt động đã chăm lo hơn 189.000 trẻ em với tổng kinh phí 52,3 tỉ đồng. Đồng thời phát triển mới gần 593.000 đội viên, tuyên dương trên 46.500 chỉ huy Đội giỏi các cấp và hơn 2.500 cán bộ Đoàn phát triển từ chỉ huy Đội.
Sáng 18-8, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức lễ tuyên dương, trao bằng khen và danh hiệu Chỉ huy Đội giỏi toàn quốc trong khuôn khổ Liên hoan Chỉ huy Đội giỏi toàn quốc lần thứ IV, năm 2023.