Con số thống kê cho biết bảy tháng đầu năm đã có hơn trăm ngàn doanh nghiệp đóng cửa, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó là hàng trăm ngàn công nhân, người lao động mất việc làm, bị nợ lương, bị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động đã phải làm gì? Thắt lưng buộc bụng để chịu đựng, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp; giăng băng rôn đấu tranh khi thời gian chờ đợi quá ngưỡng chịu đựng; khởi kiện ra tòa án khi mọi yêu cầu đều không được giải quyết; vay nợ và cuối cùng là rơi nước mắt với người hỏi chuyện kể cả là nhà báo...
Dẫu những nghịch cảnh này đã từng diễn ra nhiều lần, và cuộc khủng hoảng thiếu đơn hàng, hết hợp đồng do ảnh hưởng từ những biến động kinh tế - chính trị thế giới đã được dự báo trước, nhưng động thái hỗ trợ công nhân từ công đoàn hay hỗ trợ doanh nghiệp từ chính sách xem ra vẫn chưa đủ và chưa kịp thời.
Vẫn biết rằng khó khăn của doanh nghiệp là bất khả kháng, vẫn biết rằng trong hàng núi những vấn đề cần tháo gỡ của chính sách thì vấn đề của công nhân vẫn phải xếp hàng chờ nhiều nút thắt phía trên được cởi, nhưng chuyện không được quên là chính họ, những công nhân mà phần lớn là người nhập cư, đã từng là nhân tố chính mang lại thịnh vượng cho doanh nghiệp, đã từng đóng góp phần rất lớn vào sức sống và sự phát triển chung của địa phương.
Trên vai những người công nhân nhập cư luôn là những gánh nặng trĩu hai đầu làng quê và phố thị. Một bên là cha mẹ già, con cái nhỏ, quê nhà thiếu việc làm; một bên là nhà trọ, những buổi tăng ca, đồng lương chẳng đủ tích lũy, kỹ năng nghề nghiệp không được nâng cấp để chuẩn bị cho ngày mất việc. Tuổi thanh xuân của họ già đi ở đó. Sức trẻ khỏe của họ hao mòn ở đó. Và hôm nay, trong những tổn hại của nền kinh tế, họ vẫn là đối tượng yếu thế nhất, phải chịu tổn thương nhiều nhất, rất cần được chia sẻ.
Phải làm gì để giúp họ, nhất là khi cơ cấu lao động sẽ còn phải thay đổi theo hướng chuyển đổi số, tự động hóa, hiện đại hóa một khi kinh tế phục hồi? Những kế hoạch chiến lược về đào tạo, định hướng nghề nghiệp sẽ phải thực hiện sớm, nhưng đó vẫn là giải pháp xa.
Gần hơn, sát hơn vẫn là những giải pháp hỗ trợ hoặc chế tài doanh nghiệp để nghĩa vụ với công nhân được thực hiện đầy đủ, là xúc tiến liên hệ giữa các doanh nghiệp và những khóa đào tạo ngắn hạn để giúp công nhân tìm việc làm mới, là quỹ tín dụng để giúp họ một hướng khởi nghiệp khác cho cuộc đời...
Với số lượng lớn công nhân bị ảnh hưởng, chắc chắn đây sẽ là những việc khó, rất khó. Nhưng họ đã từng là những chàng trai cô gái rời quê đi lập nghiệp từ thuở mười tám đôi mươi, nghĩa là những người mạnh mẽ, năng động và sẵn sàng thích nghi với thay đổi.
Khó khăn này rồi sẽ vượt qua, như họ đã từng vượt khó bao lần khác trong đời, nhưng sự nỗ lực hợp tác của doanh nghiệp là phải có, sự tích cực vận động của tổ chức công đoàn là phải có, sự sâu sát của chính sách là phải có, sự quan tâm hỗ trợ của xã hội là phải có.
Vì đó là sự đảm bảo rằng chính sách phúc lợi xã hội luôn bên cạnh người lao động, không thể để công nhân trở thành đối tượng yếu thế khi đó là lực lượng đã từng làm ra của cải cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Giải quyết nhanh, alô là có tiền nhưng 'vay cột điện' cũng kéo theo hệ lụy dai dẳng, thậm chí là nỗi ám ảnh với không ít công nhân xa quê ở TP.HCM.