Sông Sêrêpốk ở vùng Tây Nguyên không chỉ được biết đến là một dòng sông chảy ngược mà còn để lại nhiều ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước bởi đặc sản cá lăng. Đây cũng chính là món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho dòng sông độc đáo này.
Người dân địa phương cho biết, cá lăng thuộc họ cá da trơn, đặc biệt ưa thích các khúc sông có nhiều cuộn sóng, nước chảy xiết và lắm thác ghềnh. Trong quá trình sinh sống trên dòng sông chảy ngược, có lượng nước rất lớn, sâu đã giúp cho cá lăng luôn có thân hình thon gọn, săn chắc, thịt dai, thơm và ngọt hơn so với cá lăng ở các vùng khác.
“Trước đây, trên sông Sêrêpốk, nhiều con cá lăng đuôi đỏ có trọng lượng từ 50-70kg. Đáng nói, để bắt được cá lăng trên con sông chảy ngược là cả một cuộc vật lộn khắc nghiệt và đầy rủi ro của những người thợ săn. Tuy nhiên, do cá lăng có giá trị kinh tế cao nên trước đây, người dân địa phương hiếm khi mua về để chế biến các món ăn cho gia đình. Chính vì vậy, mỗi khi bắt được cá lăng, mọi người đều chuyển đến các thành phố lớn để tiêu thụ”, chị Lê Thị Bích Thủy (SN 1995, trú tại thôn 7, xã Hòa Phú, Tp.Buôn Ma thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ.
Với mong muốn giúp cho nhiều người dân và du khách đến địa phương được thưởng thức đặc sản trên dòng sông chảy ngược, cách đây hơn 20 năm, một số người dân ở Tp.Buôn Ma Thuột, trong đó có bà Nguyễn Thị Mỹ Lan (SN 1963, mẹ của chị Thủy) đã sử dụng những con cá lăng mà người dân đánh bắt được trên sông Sêrêpốk để chế biến các món như: Lẩu cá lăng, cá lăng nướng muối ớt.
Đến nay, chỉ với nguyên liệu cá lăng, gia đình chị Thủy đã chế biến thành 15 món ăn khác nhau như: Lẩu cá lăng, cá lăng nướng riềng nghệ, cá lăng kho tộ, cá lăng kho thơm, lòng cá lăng xào dưa chua, cá lăng nhúng dấm, cá lăng lên mẹt 5 món, nem cá lăng, cháo cá lăng, cá lăng chả lã vọng, cá lăng om cà đắng...
Theo bà Lan, để chế biến các món ăn từ cá lăng thơm ngon, chất lượng, phải chọn những con cá lăng thật khỏe, thật tươi, chắc thịt, ít xương. Bên cạnh đó, việc chế biến cá lăng rất cầu kỳ, đòi hỏi tài nghệ và sự điêu luyện của người chế biến, bởi chỉ cần thêm thắt gia vị tùy tiện cũng làm mất đi hương vị hấp dẫn của loài cá da trơn này.
Sau mỗi lần chế biến, chị Thủy lại tận dụng mạng xã hội để giới thiệu về những đặc sản cá lăng trên dòng sông chảy ngược đến mọi người. Cũng chính vì thế, thời gian qua, không chỉ người dân địa phương, mà du khách khắp nơi trong và ngoài nước mỗi khi đến Buôn Ma thuột đều tìm đến thưởng thức ẩm thực cá lăng mang đậm hương vị của núi rừng.
Không dừng lại ở đó, với mong muốn phát triển thương hiệu cá lăng đi xa hơn, gia đình chị Thủy còn chế biến thêm món khô cá lăng và chà bông cá lăng để thuận lợi cho việc vận chuyển đến các tỉnh, thành.
Ngoài ra, gia đình chị Thủy còn đem những sản phẩm cá lăng tham gia các ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, mạnh dạn làm thủ tục, hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP cho đặc sản cá lăng.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, Tp.Buôn Ma Thuột cho biết, thời gian qua, ngoài việc đánh bắt, một số người dân trên địa bàn còn nuôi cá lăng đuôi đỏ bằng giống tự nhiên trên sông Sêrêpốk. Qua đó, góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương. Cho đến thời điểm hiện nay, cá lăng đã có thương hiệu tại xã Hòa Phú và đã được đăng ký nhãn mác. Trên toàn xã đã có hai doanh nghiệp đăng ký chế biến các sản phẩm từ cá lăng đuôi đỏ. Bên cạnh đó, Công ty TNHH TMDV Mỹ Lan đã đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm cá lăng. Để tiếp tục phất triển, nâng tầm giá trị đặc sản cá lăng Sêrêpốk, hiện xã Hòa Phú đang xây dựng chuỗi mô hình nông nghiệp xanh, trong đó tập trung vào mô hình cá lăng đuôi đỏ để quảng bá sản phẩm này đến nhiều thị trường trong nước.
Khánh Ngọc