Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành được luật sư bào chữa rằng nhận 14,5 tỉ đồng "chỉ vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật". Còn cựu Giám đốc bệnh viện kiêm Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ khai 14,8 tỉ đồng nhận của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng giám đốc AIC, là "quà cảm ơn" do nhận khi đã đấu thầu xong.
Còn trong vụ án "chuyến bay giải cứu", cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, người bị cáo buộc nhận hối lộ 37 lần với tổng số tiền lên tới 21,5 tỉ đồng, nói phạm tội là do "nhận thức đơn giản" khi không phân biệt được ranh giới giữa hành vi dân sự nhận tiền cảm ơn và hành vi phạm tội. Bị cáo Dũng nói "chỉ nhận thức được sai phạm khi được công an giải thích và đọc hai quyển sách luật"…
Khi bào chữa về hành vi nhận tiền từ DN, một số cựu quan chức cho rằng đây là "truyền thống văn hóa", nhận vì nghĩ việc tặng quà vào dịp lễ, tết là chuyện bình thường; không biết đó là sai phạm. Ranh giới giữa nhận quà cảm ơn và nhận hối lộ lại bị những quan chức sai phạm làm cho mù mờ.
Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa - phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nói không chỉ VN mà nhiều dân tộc, quốc gia đều coi tặng quà là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử. Ví dụ bệnh nhân tặng quà bác sĩ vì cứu chữa cho mình, học trò tặng quà thầy giáo vì có công dạy dỗ… Những món quà ấy là phương tiện để biểu hiện lòng biết ơn của người tặng, người nhận cũng thấy mình xứng đáng vì đã làm được việc tốt, giúp ích cho người khác.
Tuy nhiên, quà tặng mà có giá trị lớn bất thường, như một số vụ án thời gian qua, thì không còn là nét đẹp, mà bị lợi dụng để thực hiện hành vi tiêu cực. Người đưa nhằm chia sẻ lợi ích mà mình đã nhận, người nhận là vì trước đó đã làm sai quy định để mang lại lợi ích cho người đưa. Trong trường hợp này, việc lấy yếu tố "truyền thống văn hóa" ra thanh minh càng cho thấy chỉ là ngụy biện.
Theo TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, nét đẹp văn hóa tặng quà đang bị biến tướng trong khu vực công quyền, trở thành câu chuyện nhận hối lộ, "ngoại giao", chạy chọt. Để phân biệt quà tặng tình cảm và hối lộ, phải đặt trong bối cảnh mối quan hệ đó là gì. Nếu vì tình cảm, xuất phát từ mối quan hệ bình đẳng thì tặng quà là chuyện bình thường. Nhưng DN mà quà cáp cho cán bộ thì rõ ràng không phải quan hệ xã giao mà là quan hệ lệ thuộc giữa người quản lý và người bị quản lý.
Trong phiên tòa xét xử vụ "chuyến bay giải cứu", bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun, khai rất nhiều lần bị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) gây khó khăn khi cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước, "ngày mai bay thì hôm nay mới cấp phép", DN bị đưa vào tình thế vô cùng khó khăn. Khi tìm đến bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, bị cáo Dương bị người này quát tháo, yêu cầu nộp tiền. Để được cấp phép, mỗi chuyến bay bị cáo Dương phải chi cho nhóm của Kiên 150 triệu đồng.
Tương tự, bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Master Life, khai trước HĐXX rằng chuyến bay đầu tiên dù đã được 3 bộ, ngành đồng ý nhưng vẫn thất bại vì còn một bộ không phê duyệt. Chuyến bay tiếp theo, bị cáo tìm cách liên hệ thì được cán bộ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) gợi ý "nên làm việc theo cơ chế cảm ơn" và bị cáo Xa phải đi xoay tiền để đáp ứng. Lần đầu bị ép, lần sau cứ thế đưa tiền, như một thông lệ.
Cũng trong vụ án "chuyến bay giải cứu", đại diện Viện KSND TP.Hà Nội khẳng định quan điểm về "quà cảm ơn" của một số bị cáo và luật sư là sự đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội. Các bị cáo đang thực hiện nhiệm vụ được giao, vì thế không thể có chuyện DN cảm ơn với số tiền bằng cả gia tài mà nhiều người mơ ước. Tương tự, HĐXX cũng nhận định một số cán bộ dù không thẳng thừng yêu cầu chi tiền nhưng đã gây khó khăn bằng cách mập mờ thủ tục, làm không hết trách nhiệm, khiến DN phải chi tiền theo "luật bất thành văn". Trên thực tế, sau khi bỏ tiền "bôi trơn", DN được cấp phép chuyến bay sớm hơn, tần suất nhiều hơn, số lượng hành khách lớn hơn.