Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng hoàng gia Canada (RBC), nền kinh tế Canada có thể đang bước vào suy thoái cho dù những số liệu thống kê về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2023 của nước này vẫn chưa được chính thức công bố.
Báo cáo trên cho rằng kế hoạch của Canada nhằm sử dụng tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng thông qua nhập cư để kích cầu kinh tế không mang lại hiệu quả như mong muốn. Số liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê Canada cho thấy tăng trưởng GDP của nước này trong quý II/2023 sẽ giảm xuống 1%. Đây sẽ là mức giảm mạnh nhất so với mức 3,1% quý trước đó.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại không hẳn là một điều bất ngờ. Cả Ngân hàng trung ương Canada (BoC) và RBC đều đã có dự báo về sự giảm tốc này.
Chuyên gia kinh tế tại RBC Nathan Janzen cho rằng số liệu ước tính của Cơ quan Thống kê không khác biệt đáng kể so với ước tính tăng trưởng ở mức 0,5% của RBC và chỉ thấp hơn một chút so với mức ước tính 1,5% của BoC.
Thông thường việc dự báo về các đợt suy thoái kinh tế sẽ dựa vào những đặc điểm như: giảm tăng trưởng GDP, giảm tăng trưởng về việc làm, giảm chi tiêu tiêu dùng và các hoạt động đầu tư. Tính chất và mức độ của các đợt suy thoái kinh tế có thể khác nhau dựa trên số liệu của các đặc điểm kể trên.
Nguyên nhân của các đợt suy thoái là do lạm phát cao, tăng lãi suất, niềm tin người tiêu dùng sụt giảm hay những tác động của thiên tai, khủng hoảng chính trị hoặc kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Theo ông Janzen, mức tăng trưởng chậm hiện nay xuất phát từ sự suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Người tiêu dùng đang bắt đầu tỏ ra kiệt sức trong chi tiêu về hàng hóa. Báo cáo về hoạt động bán lẻ đã chỉ ra mức giảm 3%, cho thấy sự sụt giảm đáng kể nhất kể từ sau khi dỡ bỏ các lệnh phong tỏa.
Ông cho rằng sự nhiệt tình của các nhà đầu tư trên thị trường cũng đang mờ nhạt dần. Hoạt động đầu tư vào các khu dân cư thông qua việc không xây dựng nhà ở mới hoặc cải tạo, sửa chữa lớn đều đang chậm lại do Ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất liền trong hai tháng qua.
Đầu tư phi dân cư cũng được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức thấp hoặc âm. RBC đã chỉ ra mức suy giảm 5,5% hàng quý trong nhập khẩu máy móc, thiết bị và phụ tùng công nghiệp trên thực tế. Do các nhà đầu tư thường phải bơm tiền vào việc mở rộng quy mô hoạt động khi mọi thứ đang tiến triển tốt đẹp, nên việc sụt giảm này là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Ông Janzen cho rằng suy thoái kinh tế của Canada đang mới chỉ bắt đầu theo các dữ liệu mà RBC công bố: sự suy yếu trong tháng 6/2023 đã bắt đầu kéo sang quý III/2023. Thị trường lao động đang hạ nhiệt dần và khó có khả năng hồi phục trở lại chỉ sau một quý và điều này thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5 điểm phần trăm.
Các chuyên gia nhận định sự suy thoái này là hệ quả đã dự kiến của việc tăng lãi suất nhằm điều chỉnh cung cầu của Ngân hàng trung ương. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát sẽ dẫn tới lãi suất cao hơn đối với các khoản vay thế chấp và tín chấp, buộc người tiêu dùng phải giảm bớt nhu cầu đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế và sẽ dẫn tới giảm tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề nợ hộ gia đình của Canada cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Cơ quan Thống kê Canada cho biết, nợ hộ gia đình ở nước này đang tăng lên và tỷ lệ trả nợ cũng tăng đều từ 13,45 CAD (9,88 USD) trong quý I/2022 lên đến 14,09 CAD (10,35 USD) trong quý I/2023. Điều này có nghĩa, cứ 100 CAD kiếm được họ sẽ phải dành 13,45 CAD hoặc 14,09 CAD để trả nợ và để đối phó với khoản trả nợ ngày càng tăng, người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít đi, góp phần khiến kinh tế suy thoái.
Ông Janzen cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương sẽ vẫn sẵn sàng ứng phó bằng cách tăng lãi suất bổ sung nếu động lực của nền kinh tế không đủ yếu để đảm bảo áp lực lạm phát có xu hướng giảm xuống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.28271149072803202-iaoht-yus-oav-coub-gnad-adanac-et-hnik-oab-ud-aig-neyuhc/et-hnik/nv.vtv