Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với PV Thanh Niên về thực trạng xây dựng văn bản pháp luật và biện pháp tháo gỡ những bất cập.
Các văn bản pháp luật còn chồng chéo
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, hoạt động xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật có nhiều thành tựu nhưng vẫn còn 6 điểm hạn chế mấu chốt.
Thứ nhất, tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Thực trạng này dẫn đến nhiều khó khăn cho việc thực hiện pháp luật của người dân, doanh nghiệp và thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước. Sự mâu thuẫn, chồng chéo được thể hiện rõ nhất trong các lĩnh vực như: đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch; nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm,... gây ra nhiều tác động tiêu cực có thể kể đến điển hình là lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, tính ổn định của pháp luật thấp, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung. Tần suất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản pháp luật trong thời gian qua có thể nói là còn rất cao. Nhiều vănbản pháp luật có tuổi thọ rất ngắn, thậm chí có văn bản mới ban hành đã phải tạm hoãn thực hiện hoặc phải sửa đổi, bổ sung. Điều này đã ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức và gây nên nhiều khó khăn trong thực hiện pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ ba, chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi thấp. Các quy định đưa ra thiếu thực tiễn, bất hợp lý mà không có hội đồng thẩm định, phản biện một cách nghiêm túc.
Thứ tư, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức xây dựng pháp luật còn hạn chế.
Thứ năm, chưa thực hiện đúng các yêu cầu về xây dựng, phân tích chính sách trong quy trình xây dựng pháp luật. Nhiều dự thảo luật do vậy đã phải soạn thảo lại, sửa đổi nhiều lần, gây lãng phí lớn về thời gian, công sức và tiền bạc.
Cuối cùng, là hạn chế về thực hiện đánh giá tác động của chính sách, pháp luật, lấy ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bởi thực tiễn, nhiều dự thảo văn bản mới chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, hầu như ít khi lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Ở nhiều nơi tuy có tổ chức lấy ý kiến góp ý, tham vấn, song nội dung, chất lượng của các ý kiến góp ý còn sơ sài, nặng về câu chữ, kỹ thuật trình bày văn bản mà chưa tập trung nhiều vào các nội dung của dự thảo văn bản cần sửa đổi, bổ sung.
Công khai, minh bạch để triệt tiêu tham nhũng
Trăn trở về xây dựng văn bản pháp luật, cũng như khâu tổ chức thi hành pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu đánh giá cơ chế, chính sách không minh bạch, công khai đã tạo ra tham nhũng và tạo điều kiện có một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng nhằm trục lợi bất chính. Nếu không thay đổi cơ chế, chính sách trong thời gian sớm nhất thì tình trạng tham nhũng sẽ không bao giờ kết thúc, tham nhũng này là tiền đề cho tham nhũng khác phát triển.
Luật sư Hậu dẫn chứng vụ án "chuyến bay giải cứu" hay vụ án Việt Á, chính sách của ta là tốt, nhưng cơ chế xin - cho trong chính sách mới tạo ra kẽ hở để tham nhũng. Cụ thể hơn, ông Hậu nêu trong vụ "giải cứu chuyến bay", để công dân Việt Nam về nước phải có ý kiến và đồng ý của 5 bộ, gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ GTVT và các địa phương. "Chính cơ chế xin - cho ngay trong chính sách nhân đạo đã tạo ra tham nhũng", ông Hậu nhấn mạnh.
Theo luật sư Hậu, khi Nhà nước giao quyền lực thì phải có cơ chế giám sát và người giám sát tốt nhất không ai khác chính là nhân dân. Và muốn nhân dân giám sát quyền lực, cơ chế chính sách của Nhà nước thì điều kiện tiên quyết là phải công khai.
Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu thì trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý. Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.
"Công khai chính sách, công khai chi phí, công khai danh sách công dân Việt Nam đăng ký về nước. Việc công khai này được thể hiện trên các phương tiện thông tin truyền thông, trên không gian mạng", luật sư Hậu cho hay.
Kiểm soát "lợi ích nhóm" trong xây dựng chính sách, pháp luật
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, một khi chính sách mới ban hành nhưng không công khai, minh bạch, lại đặt ra một câu hỏi rằng chính sách ấy có phải đang "phục vụ" cho một nhóm lợi ích nào hay không, và đó chính là tham nhũng chính sách.
Muốn kiểm soát được "lợi ích nhóm" trong xây dựng chính sách, pháp luật, thì đầu tiên phải kiểm soát khâu soạn thảo văn bản pháp luật. Luật ban hành đến đối tượng nào, phải lấy ý kiến của đối tượng đó.
Sau đó, chuyển cho MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội giám sát, phản biện lại. Đồng thời, có sự tiếp thu hoặc giải trình nghiêm túc các ý kiến này. Hồ sơ dự án phải được gửi tới Quốc hội đúng thời hạn.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng cần tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật. Mỗi dự án luật trước khi trình Quốc hội phải được thẩm định kỹ lưỡng, khách quan, khoa học và phải được Chính phủ dành thời gian thỏa đáng thảo luận kỹ về các nội dung của từng dự án, nhất là những vấn đề mang tính quan điểm, chính sách và những vấn đề liên ngành còn có ý kiến khác nhau, qua đó không để lọt lợi ích cục bộ, không để sơ hở về chính sách dễ dẫn đến lạm dụng, tham nhũng. "Trong xây dựng chính sách, phải đổi mới, thay đổi từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ nhân dân, doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.
Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cũng nhấn mạnh việc đổi mới cơ chế thi hành pháp luật phải gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật; bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu quả. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thi hành pháp luật. Hoàn thiện các quy định về giải thích pháp luật. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường thi hành pháp luật trong các lĩnh vực quan trọng liên quan đến lợi ích thiết yếu của người dân; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp.
Lấy quyền lợi của người dân làm trung tâm
Tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định nội dung cốt lõi chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật là đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền lợi của người dân làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội, và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.