Từ chứng ngưng thở của cựu giám đốc điều hành Microsoft
Bà Linda Stone, cựu giám đốc điều hành Microsoft, nhận ra rằng dù bà tập thở mỗi sáng, nhưng cứ ngồi xuống máy tính xách tay và mở hộp thư đến, bà nhận thấy hơi thở của mình rất nông và gần như nín thở.
“Tôi như không thở được nữa", bà kể.
Theo báo New York Times, bà Stone sau đó đã tiến hành một nghiên cứu không chính thức. Bà mời 200 người đến nhà - bao gồm bạn bè, hàng xóm, thành viên gia đình - và bà theo dõi nhịp tim cũng như nhịp thở của họ khi họ đang kiểm tra email.
Bà ghi nhận khoảng 80% người tham gia thường xuyên ngưng thở hoặc thay đổi nhịp thở khi xem mail. Bà đặt tên cho hiện tượng này là “ngưng thở qua email” và mô tả những phát hiện của mình trong một bài viết trên tạp chí Huffington Post.
Sau đó, bà Stone mở rộng khái niệm này và đổi tên nó thành “ngưng thở trước màn hình”, đề cập đến tình trạng khó thở mà nhiều người trong chúng ta gặp phải khi thực hiện mọi loại công việc trước màn hình máy tính.
Nhà khoa học nói gì?
Nhà báo James Nestor viết về hiện tượng này trong cuốn sách năm 2020 của mình cho biết vấn đề rất có thể trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta sử dụng màn hình ngày càng nhiều.
“Bạn có 10 cửa sổ màn hình đang mở. Ai đó đang nhắn tin cho bạn, ai đó đang gọi cho bạn, ai đó đang gửi email cho bạn... khiến bạn như bị kích thích liên tục”, ông nói.
Ông Stephen Porges, giáo sư tâm thần học tại Đại học Bắc Carolina, người chuyên về hệ thống thần kinh, giải thích chứng "ngưng thở trước màn hình" là biểu hiện của phản ứng căng thẳng của cơ thể chúng ta.
Theo đó, khi chúng ta đối mặt với bất kỳ loại kích thích nào, hệ thống thần kinh của chúng ta sẽ tìm kiếm các tín hiệu để giải mã xem đó có phải là mối đe dọa hay không. Và sự tập trung chú ý đó đòi hỏi nỗ lực tinh thần, khởi đầu cho một chuỗi thay đổi sinh lý bao gồm thở nông hơn và nhịp tim chậm lại để “làm dịu” cơ thể.
Mặc dù những phản xạ này đôi khi không có hại nhưng sẽ trở thành vấn đề nếu chúng được "bật" cả ngày, hằng ngày và nó chuyển “hệ thần kinh sang trạng thái đe dọa mãn tính”.
Tiến sĩ David Spiegel, giám đốc Trung tâm Căng thẳng và Sức khỏe tại Stanford Medicine, khuyến cáo việc thiếu vận động do ngồi trước màn hình cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng ngưng thở trước màn hình.
Làm sao khắc phục?
Theo ông Nestor, trước tiên hãy tự hỏi: Bạn có đang thở bằng miệng không (thường là dấu hiệu của hơi thở nông)? Bạn có đang thở không? Nhận thức được tình trạng của mình, bạn sẽ dễ thoát khỏi nó hơn.
Nếu bạn thấy mình thở nông hoặc không thở chút nào, hãy thử thở dài thành tiếng. Các nghiên cứu cho thấy đây là cách nhanh chóng và dễ dàng giúp thiết lập lại kiểu thở và cải thiện tâm trạng.
Ngoài ra, hãy cố gắng làm việc trên màn hình máy tính thay vì điện thoại, vì màn hình càng lớn thì càng ít gây căng thẳng về mặt tinh thần, theo tiến sĩ Porges.
TTO - Thời gian qua, khoa cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) liên tục tiếp nhận các trường hợp ngưng tim, ngưng thở ngoài bệnh viện, trong đó nhiều người còn trẻ.