Tân sinh viên phải mở tài khoản mới được làm thủ tục nhập học?
Một nhóm tân sinh viên Trường đại học Tôn Đức Thắng phản ảnh: "Nhà trường bắt buộc tất cả sinh viên mới phải mở tài khoản ngân hàng thì mới được làm thủ tục nhập học. Chúng tôi đã có tài khoản nên không có nhu cầu mở mới".
Cũng theo sinh viên, trường bố trí một khu vực riêng biệt yêu cầu tất cả thí sinh đến làm thủ tục nhập học. Tại đây có nhân viên của ngân hàng yêu cầu khai và ký phiếu đăng ký mở tài khoản.
"Tờ phiếu đó với đủ thứ thông tin ràng buộc chi tiết, chúng tôi không thể biết bên trong có những nội dung gì. Ngoài ra, chúng tôi còn bị yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân như căn cước công dân và các loại giấy khác cho nhân viên ngân hàng.
Tôi thắc mắc thì các anh chị hướng dẫn nói là nhà trường bắt buộc phải làm thì mới cấp thẻ sinh viên. Tại sao trường lại ép buộc điều vô lý như vậy?", một tân sinh viên bức xúc.
Nhiều tân sinh viên cũng nói rằng họ "chỉ muốn được làm thẻ sinh viên và không muốn cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bên thứ ba".
Bắt mua đồng phục, thu cả tiền dây đeo thẻ sinh viên, tin nhắn…
Trong khi đó, tân sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM lại ngạc nhiên với những yêu cầu và các khoản thu "lạ" trong thông báo nhập học của trường.
Danh mục các khoản thu của trường đối với mỗi tân sinh viên gồm: học phí tạm thu (15 tín chỉ học kỳ I) hơn 5,3 triệu đồng, bảo hiểm tai nạn 200.000 đồng, thư viện số toàn khóa 90.000 đồng, tin nhắn SMS một năm 80.000 đồng, sinh hoạt chính trị đầu khóa 150.000 đồng, hệ thống quét trùng lặp 150.000 đồng...
Số tiền trên chưa bao gồm tiền đồng phục với mức đóng gần 1,1 triệu đồng (2 áo sơ mi, 2 quần tây, 1 bộ quần áo thể dục, 1 dây đeo thẻ sinh viên).
Tân sinh viên N.T.H. nói: "Vào đại học chứ đâu phải học sinh phổ thông mà nhà trường buộc phải mặc đồng phục. Tôi thật sự không hiểu sao phải mua tới tận ba bộ đồng phục. Thời học sinh tôi chỉ mặc áo trắng đồng phục, nay trường bắt mua cả quần áo và đến dây đeo thẻ sinh viên nữa".
Trong khi đó, nhiều tân sinh viên và phụ huynh thắc mắc các khoản thu "lạ" nêu trên của trường này. "Chúng tôi thật sự không hiểu sinh hoạt chính trị đầu khóa mà trường cũng thu tiền. Các khoản tiền thư viện số, tin nhắn SMS, hệ thống quét trùng lặp… là gì? Phải chăng trường công bố không tăng học phí rồi thu các khoản này để bù lại?" - nhiều phụ huynh đặt vấn đề.
Các trường nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Anh Tuấn - trưởng phòng công tác sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM - khẳng định: "Theo thông báo, trong tổng thu sinh viên phải chuyển khoản cho trường không gồm tiền đồng phục. Đây là khoản tạm tính để sinh viên chuẩn bị tài chính, trường chưa thu".
Ông cho biết tất cả các khoản thu này đều rất thấp, phục vụ mục đích đào tạo, bình đẳng xã hội, không phân biệt giàu nghèo. Nhà trường không hưởng lợi từ các khoản thu này.
Theo quy định về đào tạo, sinh viên phải đảm bảo tính trung thực trong sản phẩm học tập, nghiên cứu của mình, vì vậy phải kiểm tra quét trùng lặp trước khi nộp. Người học có thể nộp bài để quét ở những nơi khác được công nhận. Tuy nhiên, phí quét riêng đơn lẻ sẽ rất đắt (với luận văn trung bình 200.000 đồng/lần). Việc thu phí quét trọn gói nhằm đảm bảo điều kiện kinh tế cho sinh viên.
Ông Tuấn nói thêm rằng phí tin nhắn SMS là khoản nằm ngoài học phí, phục vụ cho công tác hỗ trợ học tập, tăng tính tương tác giữa trường, sinh viên và phụ huynh. Cả hai khoản thu trên người học có quyền lựa chọn.
Sinh hoạt công dân đầu khóa căn cứ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sinh hoạt này nằm ngoài chương trình đào tạo, không phải nằm trong hoạt động để thu học phí. Mức thu này chỉ nhằm trang trải chi phí cơ sở vật chất, công tác tổ chức, tài liệu, báo cáo viên.
Về đồng phục, ông Tuấn cho biết: "Khi bước chân vào cổng trường sinh viên phải mặc đồng phục. Trường đào tạo các ngành đặc thù đòi hỏi tính kỷ luật rất cao. Mặc đồng phục sẽ đảm bảo an ninh hơn, không để người ngoài trà trộn vào trường lấy đồ dùng, tư trang của sinh viên.
Khi làm thủ tục nhập học tại trường, nếu có nguyện vọng đăng ký một bộ đồng phục quần tây sơ mi, một bộ thể dục. Nếu không, các em có quyền lựa chọn nơi may, cung cấp. Nếu có sinh viên nào đã đóng tiền đồng phục nhưng muốn rút lại trường sẽ hoàn trả để tự trang bị".
Không mở thẻ ngân hàng vẫn được cấp thẻ sinh viên
Ông Nghiêm Quý Hào - phụ trách ban truyền thông và quan hệ công chúng Trường đại học Tôn Đức Thắng - cho hay trường có liên kết với ngân hàng để phát hành thẻ sinh viên tích hợp.
Mục tiêu của trường là tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán, văn minh, hiện đại cho sinh viên. Thẻ tích hợp này được gắn chip, cho phép tùy biến phát triển các tính năng kèm theo.
"Trước đây, sinh viên mang theo 4-5 loại thẻ (thẻ sinh viên, thẻ thư viện, thẻ giữ xe…), nhưng nay với thẻ tích hợp này chỉ cần một thẻ duy nhất. Sinh viên có thể dùng thẻ này để thanh toán học phí, đến thư viện… Việc mở thẻ này phía ngân hàng không thu phí", ông Hào nói.
Bà Đặng Thị Kim Ánh - trưởng phòng công tác học sinh sinh viên nhà trường - cho biết thêm: "Nếu sinh viên không có nhu cầu dùng thẻ tích hợp này vẫn được trường cấp thẻ sinh viên bình thường. Ngay cả sinh viên được cấp thẻ tích hợp nhưng không kích hoạt vẫn không sao".
Trong mùa tuyển sinh đại học 2023, trung bình một thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.