Việc tuyên truyền, vận động không ăn thịt chó mèo nên tiến hành lâu dài và bền bỉ, mà đặc biệt là nhắm vào giới trẻ, học sinh...
Gia đình tranh cãi: người ăn, kẻ không
Một số chuyên gia nhìn nhận rất khó cấm hẳn việc tiêu thụ thịt chó bởi điều này không phạm pháp. Họ cho rằng nên lên án và có giải pháp ngăn chặn nạn trộm chó, đánh bả, giết hại bừa bãi đang lộng hành chứ không chỉ tranh cãi chuyện có nên ăn thịt chó hay không.
Cách đây chục năm, do nhà gần quán cầy tơ Nam Định, anh Trần Trung Hải (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) hay cùng nhóm bạn hú nhau đi ăn, nào hấp nào dồi và làm vài xị rượu sương sương. Nhưng từ hồi rẽ ngang làm kinh doanh, anh ngưng hẳn và ai nói tới thịt chó là anh như ở hành tinh khác.
"Một phần tôi kiêng do sợ xui xẻo, một phần do nhà có nuôi chú cún cưng nên không còn muốn ăn thịt chó. Tôi cũng tìm hiểu chó đâu phải là vật nuôi để lấy thịt", anh chia sẻ.
Về sau, bạn bè anh Hải cũng dần lắc đầu trước những lời rủ rê ăn thịt loài vật bốn chân có đôi mắt như biết nói này. Anh kể: "Khi ráp kèo, chỉ cần một hai đứa không ăn thịt chó, cả nhóm không thể hẹn hò được.
Nên trong nhóm chẳng ai thiết tha món này nữa". Anh kể cha anh trước đây hay ghé quán cầy tơ nhưng vài năm nay chạy xe ngang thì ngó lơ do những người bạn của cha không ăn nữa, và ông bỏ rượu nên xếp thịt chó vào dĩ vãng.
Chị Trần Hiên (34 tuổi, ngụ quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết thói quen ăn thịt chó ở ngoài này khá phổ biến. Bạn bè chị cũng rủ nhau đi, nhất là những tối trời lạnh cần sưởi ấm bằng mâm thịt nóng và chung rượu. Tuy nhiên, chị thường tìm cách từ chối.
"Tôi nghe nói thịt chó ăn vào bị nóng người. Và quan trọng hơn, chó là bạn, biết giúp đỡ và trung thành, lại có linh tính cao. Nên cá nhân tôi nghĩ ai đó làm thịt chó thì bất nhẫn", chị chia sẻ.
"Bây giờ có nhiều món ăn, món nhậu hấp dẫn, thoải mái chọn lựa. Tôi nghĩ hạn chế thịt chó là chuyện đáng mừng. Tôi ủng hộ sau này mọi người không ăn chó nữa", chị Hiên bày tỏ.
Còn sinh viên Đặng Minh Tài cho biết đây là vấn đề gây tranh cãi ngay chính trong gia đình mình. Chàng trai quê Vũng Tàu không ăn thịt chó bởi yêu mến chúng. Tuy nhiên, anh không phản đối hay ghét bỏ những người ăn chó mèo bởi đó là sở thích mỗi người.
"Không phải ai ăn thịt chó thì là người không văn minh, nó cũng không phạm luật. Chỉ là tôi thấy nhiều bạn trẻ gen Z cỡ tôi thường nói không với thịt chó vì mình không nỡ ăn con vật có tình nghĩa với con người", anh nói. Anh cho rằng không nên đánh đồng chó với heo, bò, gà, vịt vì chó thường được nuôi giữ nhà, làm thú cưng. Nhiều khi chó còn cứu chủ và "ăn vào cảm giác thấy tội lỗi".
Trong khi đó, cha Tài là người thích ăn thịt chó, mẹ thì cực ghét. Mỗi lần ông đi nhậu thịt chó đều giấu bà, nếu bà biết được sẽ giận mấy ngày liền. "Tôi chỉ nghe mẹ bảo là người theo đạo Phật thường kiêng kỵ thịt chó, mèo, trâu, với lại lỡ ăn trúng chó dính bả thì nguy hiểm", anh chia sẻ.
Nhiều dân nhậu giã từ thịt chó
Theo nhà nghiên cứu tâm linh và văn hóa Lê Thái Bình, người sáng lập Trung tâm dưỡng sinh Thiền Việt, với đa số người yêu động vật nói chung, chó không phải là thực phẩm mà là một biểu tượng cho những phẩm chất đáng quý của "lễ nghĩa trí tín" giống như con người.
Tuy nhiên, một số người coi chó là thực phẩm bình thường thì cũng không thể lên án. "Theo quan điểm của những người ăn thịt chó mèo, việc này là hoàn toàn bình thường và không nên đặt những mô phạm đạo đức vào hành động đó. Ăn thịt chó mèo không phạm pháp, nên dù không ăn, chúng ta cũng không thể cấm người khác ăn được", ông Bình cho hay.
Theo nhà nghiên cứu này, không nên sa đà vào cuộc tranh cãi nên hay không nên ăn thịt chó bởi ai cũng có những lý lẽ cho riêng mình. Thay vào đó, hãy lên án nạn trộm chó, đánh bả, giết hại bừa bãi đang lộng hành ngày một cao.
"Tôi vẫn mong con người nói chung và những người thích ăn thịt chó mèo nói riêng có thể thay đổi việc ăn các loài vật được nuôi phổ biến làm thú cưng, bởi như vậy rất phản cảm đối với người nuôi. Con chó, con mèo không hề bình đẳng hơn những con vật khác như heo, bò gà... Nhưng chính con người chúng ta đã thuần hóa, khiến chó mèo dần thành loài vật gần gũi với con người hơn bất kỳ loài nào khác", ông Bình cho biết.
Còn anh Nguyễn Anh Hào, giảng viên ẩm thực Trung tâm đào tạo nghề TPA (Tây Ninh), nhận thấy hiện thói quen ăn thịt chó mèo giảm mạnh. "Mọi người nên chú trọng đến những loại thực phẩm sạch, chế độ ăn thực dưỡng. Nhiều người còn giảm cả ăn thịt động vật như heo, bò, gà...", anh nói.
Về quan niệm thịt chó nhiều dinh dưỡng, giàu đạm, anh Hào lý giải việc nạp dinh dưỡng nên vừa đủ mới tốt cho sức khỏe. Trong khi đó, thịt chó lượng đạm cao, ăn nhiều có thể mắc các bệnh như gút, xương khớp...
Cần tham khảo giải pháp của nước ngoài
Theo chuyên gia Lê Thái Bình, giới trẻ ngày nay đang được giáo dục tốt hơn nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này. "Liên tục tuyên truyền, làm tốt công tác truyền thông thì có thể hạn chế được phần lớn việc ăn thịt chó mèo. Hơn nữa, việc giảm dần số người ăn thịt chó và các quán bán thịt chó có thể phản ảnh sự thay đổi trong ý thức của người dân và xu hướng quốc tế về bảo vệ động vật".
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng việc cấm hẳn ăn thịt chó là một quyết định phức tạp. Để hội nhập với xu hướng quốc tế, Việt Nam có thể cân nhắc thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ động vật, nhưng quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ý thức cộng đồng, pháp luật và quy định kiểm soát, xu hướng quốc tế và áp lực từ cộng đồng quốc tế, sự phát triển kinh tế và sự thay đổi trong khẩu vị ẩm thực của người Việt.
Riêng anh Hồ Đắc Trường (giám khảo một số chương trình truyền hình ẩm thực) chia sẻ ở các nước phương Tây có luật lệ nghiêm ngặt về việc cấm ăn thịt chó. Tại Việt Nam, nhu cầu đã giảm nhiều. Tuy nhiên, việc giết mổ chó rất khó loại bỏ hoàn toàn trừ khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng và các hiệp hội liên quan chẳng hạn hội bảo vệ động vật...
Còn anh Nguyễn Anh Hào ủng hộ xã hội nên sớm có những biện pháp tuyên truyền hạn chế ăn thịt chó mèo. Anh chia sẻ: "Buôn bán thịt chó cũng dẫn tới một số câu chuyện đau lòng như nạn trộm chó, bẫy mèo. Một số trường hợp còn xảy ra bạo lực giữa người dân và người trộm chó".
Ông Nguyễn Văn Tư (50 tuổi, ngụ đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ rằng một số bạn mình tiếp xúc với những người yêu chó nên dần bỏ thói quen ăn chúng. Ông nhớ lại: "Có lần về quê, bạn tôi tình cờ thấy tình huống ám ảnh. Đó là khi hàng xóm giết con chó để đãi khách. Nó kêu la, chảy nước mắt rất đáng thương". Nhà ông cũng từng có chú chó bị rắn cắn, cứ nằm nhìn chủ rồi chảy nước mắt, khiến ông tự nhủ không ăn thịt loài vật trung thành này.
Anh Đặng Minh Tài thì có lần chứng kiến nhà hàng xóm bị trộm chú chó rất khôn đã nuôi hơn 5 năm. Người chủ tìm kiếm khắp nơi nhưng đành bất lực. "Nếu mình lỡ ăn phải những con chó đó thì càng cắn rứt hơn nên tôi và mẹ thống nhất không bao giờ đụng đến thịt chó mèo", anh tâm sự.
Riêng anh Nguyễn Công Khanh, người từng thường xuyên ăn thịt chó và đã bỏ hẳn sau khi đi Mỹ định cư, tâm sự: "Tôi bỏ ăn thịt chó vì luật pháp bang tôi ở nghiêm cấm việc giết chó để ăn thịt. Nếu vi phạm, họ bắt phạt rất nặng. Hơn nữa, cộng đồng người Mỹ nơi tôi ở hoàn toàn không ăn thịt chó, mà mình lại lén lút ăn thì còn ra gì. Thực phẩm thịt thà thì thiếu gì thứ để ăn mà phải lén lút, làm chuyện bị lên án, nghiêm cấm".
Cuối năm 2021, TP Hội An ký cam kết hành động với Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws để đặt mục tiêu đưa Hội An trở thành đô thị đầu tiên trên cả nước không tiêu thụ thịt chó mèo.