Dưới đây là câu chuyện tìm thị trường và những đề xuất của doanh nghiệp.
"Mở khóa" cho ngành công nghệ cao
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hong Sun, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), cho hay các lĩnh vực như dệt may, da giày gặp khó khăn nhiều hơn khi đơn hàng giảm sút. Tuy vậy, những doanh nghiệp lớn vẫn hoạt động hiệu quả và có triển vọng tốt hơn một phần nhờ vào mức lãi suất, vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp.
"Chính phủ và các ngân hàng nên mở tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, công nghệ cao - đây cũng là lĩnh vực mà Hàn Quốc rất ưu tiên hỗ trợ. Việt Nam có kim ngạch thương mại lớn, độ mở kinh tế lớn gấp đôi quy mô kinh tế, cũng như tham gia ký kết nhiều FTA với các nước nên các công ty sản xuất, xuất khẩu có vai trò lớn trong thúc đẩy nền kinh tế.
Vì vậy, cần phải ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp này về vốn, cung cấp tín dụng để tăng thêm nguồn lực mở rộng đơn hàng, thị trường, đón đầu các cơ hội phục hồi sắp tới có thể vào đầu năm sau" - ông Hong Sun nói.
Ngoài ra, chủ tịch KoCham cho rằng cần thực thi các chính sách một cách hiệu quả. Nhìn từ góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông cho rằng nhiều chính sách được Chính phủ và các bộ ngành đưa ra rất kịp thời, hiệu quả song việc thực thi ở cấp dưới còn chậm, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Thêm nữa, nhiều chính sách sửa đổi cần đẩy nhanh hơn nữa để cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh được thuận lợi và thông thoáng hơn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giảm bớt các chi phí, khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Miệt mài tìm thị trường, chấp nhận đổi sở trường, mong khơi thông dòng vốn, tín dụng
Ông Nguyễn Đức Thăng, giám đốc điều hành Công ty may Đáp Cầu, cho biết không chỉ đơn hàng giảm sút từ đầu năm nay mà điều đáng lo ngại hơn là đơn giá cũng giảm, có thời điểm lên tới 60%.
Thế nên, ngoài thị trường chính là Mỹ, doanh nghiệp đã tìm thêm đơn hàng tại Trung Quốc - dù giá rẻ nhưng phần nào cũng bù đắp doanh thu. Ngoài ra, là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc như áo jacket, áo khoác lông vũ, áo vest, sơ mi nam nữ, quần âu… thì nay để có đơn hàng, May Đáp Cầu phải nhận cả những đơn hàng "tay trái", may các sản phẩm mà khách hàng có nhu cầu.
Gần đây, tình hình thị trường có ấm hơn nên ông kỳ vọng thời gian tới tình hình có thể cải thiện hơn và có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tiếp tục khơi thông dòng vốn, tín dụng với mức lãi suất phù hợp hơn.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuân - tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng, cơ khí, thương mại Bình Minh - doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện cho lĩnh vực ô tô, xe máy - cho biết đơn hàng giảm sút rất lớn khi có thời điểm lên tới 50%.
Không đành lòng cắt giảm việc làm của công nhân, ông Tuân lặn lội đi tìm thị trường mới cũng như tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để có thêm đơn hàng cho công ty.
Theo ông Tuân, công nghiệp phụ trợ là lĩnh vực cần nhu cầu vốn lớn, nên vốn vay có tác động lớn đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, mặc dù mặt bằng lãi suất chung đã giảm, nhưng mức lãi suất mà doanh nghiệp tiếp cận được vẫn rất cao, nên chi phí vốn là gánh nặng khiến doanh nghiệp lo ngại rủi ro khi mở rộng đầu tư.
Theo các doanh nghiệp, cần giảm lãi suất một cách thực chất ngay cả với các khoản vay cũ để tạo động lực và nguồn lực cho doanh nghiệp tìm kiếm thêm các đơn hàng mới, mở rộng đầu tư sản xuất.
Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, các đơn vị đều giảm giá để cạnh tranh, biên độ lợi nhuận càng thấp, nên việc giảm gánh nặng chi phí đầu vào, giảm giá vốn để doanh nghiệp có dòng tiền cho hoạt động là vấn đề bức thiết đặt lên hàng đầu, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để đón đầu cơ hội mới khi thị trường phục hồi.
Doanh nghiệp nhẹ gánh khi lãi suất giảm
Những ngày này, gần 500 công nhân của Công ty TNHH Hiệp Long vẫn đều đặn đến nhà xưởng để sản xuất các sản phẩm gỗ cao cấp xuất khẩu sang Mỹ, EU... Dù không được tăng ca nườm nượp như trước, việc có đơn hàng, có công ăn việc làm cũng đã là niềm vui của cả công nhân lẫn chủ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn của ngành gỗ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-8, ông Huỳnh Quang Thanh - giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long - cho biết điều quan trọng trong thời gian sắp tới là dự báo hàng tồn kho của các nhà phân phối ở các thị trường xuất khẩu chủ lực bắt đầu vơi dần trong khi nhu cầu mua sắm của người dân Mỹ, châu Âu cũng đã có những tín hiệu lạc quan hơn.
Cũng theo ông Thanh, các doanh nghiệp nhỏ, nội lực chưa tốt sẽ rất cần đến dòng vốn của ngân hàng nên việc có đơn hàng mới cộng với lãi suất cho vay hạ sẽ là động lực tốt để vực dậy sản xuất.
Còn đối với ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM, cho biết thời điểm này các doanh nghiệp cũng đã có các đơn hàng mùa Noel, năm mới và thậm chí có doanh nghiệp tại TP.HCM đã tương đối đủ lượng đơn hàng để sản xuất trong các tháng 9, 10 và 11. Theo ông Hồng, đáy của sụt giảm đơn hàng ngành dệt may dường như đã đi qua, song sự phục hồi vẫn tương đối chậm, chưa thể khởi sắc hoặc phục hồi nhanh.
Theo ông Hồng, các doanh nghiệp ngành dệt may hiện chưa mặn mà vay vốn ngân hàng, song khi lãi suất giảm, đơn hàng tăng, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải tiếp cận ngân hàng để có nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc các ngân hàng giảm lãi suất, đơn hàng ấm lên cũng là những tín hiệu tốt để doanh nghiệp kỳ vọng vào chu kỳ sản xuất mới.
Ông Lê Hữu Nghĩa - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho biết hiện các ngân hàng đã giảm lãi suất và việc tiếp cận tín dụng cũng đã dễ thở hơn, giúp doanh nghiệp nhẹ gánh hơn, doanh nghiệp có lại dòng tiền để đưa vào sản xuất kinh doanh. Riêng với doanh nghiệp của mình, ông Nghĩa cho biết ông đã tiếp cận các gói cho vay bình thường và mức lãi suất đã mềm hơn, dao động từ 8 - 12%/năm.
Ngày 28-8, Hiệp hội Lương thực Việt Nam ghi nhận giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao nhất thế giới, với gạo 5% tấm đạt 638 USD/tấn và gạo 25% tấm đạt 623 USD/tấn.