Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu cho sự hình thành xuyên suốt đường vành đai TP Tân An, 1 trong 3 công trình trọng điểm của nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025. Song song đó, 2 công trình trọng điểm khác cũng đã bắt đầu định hình.
Hình thành huyết mạch phát triển vùng ven đô thị trung tâm tỉnh
Đường vành đai TP Tân An được Long An phê duyệt từ năm 2016. Trong những giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh, đây luôn là một trong những công trình được tỉnh ưu tiên, tập trung nguồn lực thi công.
Khi con đường dài khoảng 23km, tổng vốn đầu tư hơn 1.533 tỉ đồng này hình thành, giao thông quanh vùng ngoại ô trung tâm của tỉnh Long An là TP Tân An sẽ được thông thoáng hoàn toàn.
Bởi những trục đường chính đi qua trung tâm thành phố sẽ được kết nối thông thoáng với con đường từ 4 đến 6 làn xe bao quanh, giúp giải tỏa áp lực.
"Các gói thầu đến nay của công trình này đều đạt tiến độ thi công. Nhiều gói thầu đã được quyết toán, nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, công trình cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây với 7 nhịp, rộng 18,5m, dài 436,6m với tổng mức đầu tư hơn 613 tỉ đồng đến nay cũng đã định hình, dự kiến đầu tháng 9 sẽ hợp long. Đây cũng là công trình áp dụng công nghệ đúc khẩn kết hợp dây giăng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Long An", ông Tuấn nói thêm.
Có cây cầu mới của đường vành đai, vùng ngoại ô hai phía bờ của sông Vàm Cỏ Tây chảy qua TP Tân An sẽ được kết nối, mở rộng kích thích phát triển kinh tế toàn bộ vùng ven, giúp đô thị mở rộng ra khỏi phạm vi các phường trung tâm từ phường 1 đến phường 6 đang hiện hữu của Tân An. Góp phần đưa đô thị loại II này sớm đạt mục tiêu trở thành đô thị loại I.
Định hình hai trục động lực kinh tế vùng ven TP.HCM
Song song đó, 1 công trình trọng điểm khác và Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đưa vào nghị quyết là đường tỉnh 830E hiện cũng đang trong quá trình thi công. Đây là tuyến đường dài hơn 9,3km, nối từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại địa bàn xã An Thạnh, huyện Bến Lức đến đường tỉnh 830 tại xã Long Định, huyện Cần Đước.
Mức vốn đầu tư xây dựng trên 1.213 tỉ đồng và giải phóng mặt bằng hơn 2.494 tỉ đồng. Đường tỉnh 830E khi hình thành sẽ kết nối quốc lộ 1, đường vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 TP.HCM và 2 trục giao thông dọc quan trọng của tỉnh là đường tỉnh 830 và đường tỉnh 830C.
Giúp trung tâm huyện Bến Lức không chỉ được chia sẻ áp lực giao thông mà còn kết nối vào mạng lưới đường bộ quốc gia, "gần" hơn với TP.HCM, tạo sự thông thoáng hoàn toàn cho vùng cửa ngõ trở thành một trục động lực kinh tế quan trọng giữa Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ - TP.HCM.
Với công trình trọng điểm còn lại là đường tỉnh 827E, một tuyến đường đóng vai trò kết nối quan trọng của trục động lực kinh tế khu vực duyên hải TP.HCM - Long An - Tiền Giang, ông Tuấn cho biết hiện Chính phủ chưa thống nhất chủ trương chuyển mục đích đất trồng lúa.
"Tuy nhiên, tỉnh đã tập trung các nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng 3 cây cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây trên tuyến đường này.
Thường vụ Tỉnh ủy Long An cũng đã thống nhất phương án tập trung cho 3 chiếc cầu này, nhằm kết nối trước 3 cây cầu này với các đường tỉnh và quốc lộ xung quanh. Tổng mức đầu tư 3 cây cầu này khoảng 4.797 tỉ đồng. Hiện dự án đã được Long An đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ", ông Tuấn thông tin.
Khu vực sân vận động Long An sẽ được đấu giá bán toàn khu theo quy hoạch đất ở kết hợp thương mại dịch vụ, khu đô thị phức hợp. Giá thu dự kiến hơn 1.822 tỉ đồng.