Thảo luận tại hội nghị đại biểu chuyên trách sáng 30/8 về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ lo ngại khi dự thảo cho phép mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không trực tiếp canh tác, sản xuất.
Theo ông Hòa, đây là vấn đề rất hệ trọng, cần có sự cân nhắc. Đồng tình việc cho phép tích tụ ruộng đất để tổ chức có tâm huyết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, song ông Hòa lo ngại quy định lỏng lẻo có thể cho "cá nhân chen vào".
Dẫn thực trạng ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Hòa cho biết có người không canh tác, không sản xuất nhưng vẫn tích tụ đất nông nghiệp để "chờ quy hoạch". Những người này cho thuê, chuyển nhượng đất nông nghiệp gây khó khăn cơ quan quản lý. Tổ chức, đơn vị muốn vào khai thác đất để sản xuất quy mô lớn cũng gặp rất nhiều vướng mắc.
Đại biểu Hòa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định theo hướng nếu nhà đầu tư muốn nhận chuyển nhượng, tích tụ đất nông nghiệp cần cam kết thực hiện các mục đích kinh tế nông nghiệp.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Phó đoàn Thái Bình) đề nghị dự thảo quy định rõ hơn, theo hướng tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận.
Phương án sử dụng đất nông nghiệp phải thể hiện địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất; kế hoạch sản xuất kinh doanh nông nghiệp; vốn đầu tư; thời hạn sử dụng đất; tiến độ sử dụng đất. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại khoản này.
Theo đại biểu Huy, việc quy định như vậy góp phần thúc đẩy đầu tư sản xuất nông nghiệp, khuyến khích, huy động được các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn.
Nhìn nhận đây là nội dung lớn, nhạy cảm, ông Huy đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra đánh giá thật kỹ, tránh việc lợi dụng chính sách thu gom đất trồng lúa để đầu cơ; kiểm soát chặt việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sau khi nhận chuyển nhượng.
Điều 192 dự thảo nêu ba phương thức tập trung đất nông nghiệp. Trong đó có chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa;
thuê quyền sử dụng đất và hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc) nói quy định như vậy lỏng lẻo, có thể "hiểu nhầm, hoặc lợi dụng", dẫn đến tập trung, tích tụ đất nhằm phát triển kinh tế hoặc trá hình sang buôn bán bất động sản.
Bà đề nghị quy định cụ thể hơn về các biện pháp, điều kiện ràng buộc nhằm tránh lợi dụng chính sách để tích tụ đất nông nghiệp cho mục đích khác. Trong đó, dự thảo cần thể hiện rõ hơn vai trò quản lý Nhà nước; hạn mức tối đa; điều kiện cần thiết với các chủ đầu tư dự án nông nghiệp trong quá trình tập trung đất nông nghiệp.
Giải trình sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói trong quá trình thẩm tra, Ủy ban đã nhận biết những nguy cơ này với tích tụ đất nông nghiệp và hiểu quan ngại của đại biểu.
Ông Thanh cho biết dự kiến, dự thảo bổ sung quy định tổ chức muốn tích tụ đất nông nghiệp phải thành lập doanh nghiệp và phải có phương án sản xuất, kinh doanh, báo cáo UBND cấp tỉnh. Tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Thanh cho biết sẽ rà soát, có thêm quy định yêu cầu phải có dự án đầu tư; bổ sung chế tài ngăn chặn việc tích tụ đất nông nghiệp để chuyển mục đích sử dụng đất, trục lợi.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10.
Sơn Hà