Ngày 30-8, tại Bảo tàng Đà Nẵng diễn ra Tọa đàm Khoa học Bảo tồn và phát triển các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 – 1960 nhân sự kiện kỷ niệm 165 năm ngày Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công vào Việt Nam và sự chiến đấu bảo vệ tổ quốc của triều Nguyễn.
Chứng tích trận thư hùng lịch sử
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn Hóa - Thể thao, TP Đà Nẵng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: HẢI HIẾU |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn Hóa - Thể thao TP Đà Nẵng cho biết: "Tọa đàm lần này nhằm nhìn nhận, đánh giá cụ thể hơn về tình hình, thực trạng, vai trò và tầm quan trọng của các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 - 1860) tại Đà Nẵng. Trên cơ sở đó đề ra phương hướng, giải pháp khoa học để bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả đối với các di sản liên quan gắn với phát triển du lịch trong môi trường đô thị hiện đại và bền vững của thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, thu hút sự tham gia của xã hội trong việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản trên".
Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến cung cấp trích đoạn vị trí các công trình phòng thủ vành đai vịnh Đà Nẵng trên bản đồ triều Tự Đức bị quân Pháp tịch thu tại lỵ sở quân thứ Quảng Nam ngày 15/9/1859. Trong đó, vị trí số 16 là Đồn Chơn Sảng. Nguồn: Musée des Archives nationales, Paris. |
Tại tọa đàm, nhiều bài tham luận đưa ra ý kiến cần dựng lại các đồn trạm, thành của triều Nguyễn xây dựng phòng thủ thời điểm đó và cuộc chiến chống Liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược.
Trong đó, có một vị trí quan trọng, thể hiện được sự chiến đấu ngoan cường của quân dân triều Nguyễn chống lại vũ khí hiện đại của quân xâm lược và đến nay vẫn còn dấu tích để lại ở vùng núi Nam Hải Vân.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế đã thống kê trong hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng dưới thời Nguyễn. Vành đai phòng thủ quanh vịnh Đà Nẵng là một hệ thống liên hoàn gồm 17 công trình được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau, trải từ triều vua Gia Long đầu thế kỷ XIX đến năm 1857, đầu triều vua Tự Đức.
Đặc biệt, Tiến sĩ Lưu Anh Rô, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng đã phân tích rất sâu di tích Trạm Nam Chân và Đồn Chân Sảng.
Theo Tiến sĩ Lưu Anh Rô, tại đây đã chứng kiến một "Trận thư hùng đích thực” giữa quân dân Việt Nam tại Đà Nẵng với liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Đấy chính là trận đồn Chân Sảng.
Ông Rô cho rằng hiện nay, dấu tích trạm Nam Chơn còn rất rõ, đồn Chân Sảng thì còn chưa rõ chỉ đang là đoán định vị trí.
"Trạm Nam Chân đã gây kinh ngạc cho chúng ta về tính quy mô, sự quý giá về giá trị lịch sử, văn hoá mà các vòng thành đá xếp chồng lên nhau là một ví dụ. Đây chính là cơ sở để chúng ta cần nhanh chóng bảo vệ, trùng tu, khai thác di tích quý giá này", Tiến sĩ Rô góp ý.
Tiến sĩ Lưu Anh Rô, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng nói về quá trình tìm hiểu Trạm Nam Chân. Ảnh: HẢI HIẾU |
Cần bảo tồn gấp một di tích vô cùng quý giá
Theo ông Rô, cần xem xét đưa tất cả các di tích lịch sử đấu tranh yêu nước và cách mạng vùng tây bắc Đà Nẵng nhất là các di tích nằm trên con đường Thiên Lý xưa gồm: Hải Vân quan, đồn Chân Sảng, pháo đài Định Hải, trạm Nam Chân, tấn Cu Đê, trạm Nam Ô, nghĩa trũng Nam Ô vào hệ thống di tích cấp TP.
Cùng với đó chú trọng và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử đấu tranh cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên con đường Cái Quan nhằm hình thành một chỉnh thể thống nhất các “con đường lịch sử” của TP.
"Khẩn trương bảo vệ, xây dựng hồ sơ cho di tích trạm Nam Chân để đưa vào quản lý kịp thời, tránh để nhà đầu tư dự án khu du lịch và đô thị sinh thái biến thành của riêng hoặc phá hủy nó. Bởi đây là “trạm” duy nhất còn sót lại khá nguyên vẹn của con đường Thiên Lý Bắc - Nam trên bình diện cả nước ta thời các vua Nguyễn. Hiện nay, nhà đầu tư đã thiết lập một trụ sở cạnh di tích trạm Nam Chân, nếu chậm chân di tích này có nguy cơ bị phá bỏ", Tiến sĩ Rô lo lắng.
Ông Rô cho rằng TP cần đầu tư nghiên cứu, khảo sát các nguồn tư liệu Hán nôm, tư liệu tiếng Pháp và khảo sát điền dã trạm Nam Chân cũng như pháo đài Định Hải, đồn Chân Sảng, nghĩa trũng Nam Ô… để chuẩn bị tích cực cho việc trưng bày, giới thiệu các di vật, hiện vật liên quan cho du khách tham quan nếu sau này khu nghỉ dưỡng Làng Vân đi vào hoạt động.
"Chúng sẽ đóng góp rất nhiều cho việc quảng bá du lịch, hình ảnh, lịch sử, văn hoá con người Đà Nẵng xưa”, Tiến sĩ Rô nói.
Trạm Nam Chơn được làm bằng đá xếp chồng lên nhau. Ảnh: Tiến sĩ Lưu Anh Rô cung cấp |
Sẽ có lỗi với tiền nhân nếu không giữ lại
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo Tàng Đà Nẵng cho biết, việc nghiên cứu và hệ thống lại các cứ điểm, đồn lũy, thành trì để xây dựng thành mô hình sa bàn về trận chiến Mậu Ngọ sẽ góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, bất khuất của nhân dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của quốc gia”.
Cùng quan điểm, Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP Đà Nẵng, nhận định, cần đưa những dấu tích về trạm, đồn còn sót lại của cuộc chiến trên nghiên cứu xếp hạng di tích.
"Nếu đã biết mà không làm gì thì có lỗi với tiền nhân và con cháu mai sau”, ông Hùng nói.
Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Hùng nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: HẢI HIẾU |
Đáp lại những ý kiến của các nhà khoa học, ông Phạm Tấn Xử ghi nhận và sẽ ý kiến để tham mưu cho chính quyền TP về những thông tin mà các nhà khoa học đã đưa ra trong buổi tọa đàm này.