Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới co lại năm nay, trong bối cảnh Nga - nước đang chịu hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây - vẫn tăng trưởng.
Việc Đức phụ thuộc vào sản xuất và thương mại thế giới khiến nước này đặc biệt dễ tổn thương trước các biến động gần đây. Đó là gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch, giá năng lượng tăng cao sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine và làn sóng nâng lãi suất, lạm phát khiến tăng trưởng toàn cầu suy giảm.
Nguồn tin thân cận của WSJ cho biết tại hãng xe lớn nhất Đức Volkswagen, các lãnh đạo cấp cao có đánh giá khá bi quan. Chi phí tăng mạnh, nhu cầu sụt giảm và các đối thủ như Tesla và các hãng xe điện Trung Quốc xuất hiện đang tạo ra "cơn bão hoàn hảo" cho hãng xe Đức, một giám đốc bộ phận tại đây cho biết.
Những vấn đề này đều không mới. Sản xuất và GDP của Đức đã chững lại từ năm 2018, cho thấy mô hình từng giúp họ thành công suốt thời gian dài đang dần mất tác dụng.
Suốt nhiều năm, Trung Quốc là lực đẩy chính cho lĩnh vực xuất khẩu của Đức. Trong thời kỳ bùng nổ công nghiệp hóa, Trung Quốc mua tất cả những gì Đức có thể sản xuất. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư của Bắc Kinh cũng đã chạm giới hạn vài năm qua. Tăng trưởng và nhập khẩu cũng chững lại.
Bên cạnh đó, thay vì là khách hàng lớn nhất của Đức, Trung Quốc đang dần trở thành đối thủ của nước này. Các hãng xe mới tại Trung Quốc đang cạnh tranh với doanh nghiệp Đức – vốn đang tụt lại trong cuộc cách mạng xe điện.
Thế giới cũng đang dần rời bỏ thương mại mở từng có lợi cho Đức. Bước ngoặt rõ ràng nhất là khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu lên cả Đức và các đồng minh châu Âu. Trước đó, việc người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) năm 2016 và Nga sáp nhập Crimea năm 2014 cũng là dấu hiệu cuộc chơi sẽ khắc nghiệt hơn với các hãng xuất khẩu lớn.
Chính quá trình bùng nổ công nghiệp kéo dài tại Đức đã khiến nước này không nhận ra các điểm yếu trong nước, từ tình trạng quan liêu, lực lượng lao động già đi đến lĩnh vực dịch vụ chững lại. Nước này vẫn đang hỗ trợ các ngành công nghiệp lâu năm như xe hơi, máy móc và hóa chất nhiều hơn là tập trung cho các lĩnh vực mới, như công nghệ số. Hãng phần mềm lớn duy nhất của Đức là SAP được thành lập từ năm 1975.
Nhiều năm ít đầu tư công cũng kéo theo cơ sở vật chất tại Đức lỗi thời. Tốc độ Internet và khả năng kết nối của điện thoại di động chậm hơn so với các nước tiên tiến khác. "Chúng ta cứ như đã ngủ quên cả thập kỷ vậy", Moritz Schularick - Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel - cho biết trên WSJ.
Hồi tháng 3, một trong các công ty tên tuổi của Đức - hãng khí đốt Linde - chọn hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Frankfurt để chuyển sang sàn New York. Quyết định này một phần do quy định tài chính tại Đức ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, Linde cũng cho biết không muốn chỉ được biết đến là công ty Đức. Họ cho rằng hình ảnh này sẽ khiến họ kém hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.
Josef Joffe – nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford nhận định kinh tế Đức đang trong chu kỳ mới và chịu sức ép cải tổ. "Đức sẽ bật lại thôi, nhưng họ đang bị hai điểm yếu cố hữu ghìm chân. Đó là chưa thể chuyển từ nền kinh tế công nghiệp cũ sang nền kinh tế tri thức, và chính sách năng lượng vẫn còn bất hợp lý", ông nói.
"Tôi cho rằng điều quan trọng là Đức vẫn là nền kinh tế lớn thứ 4. Chúng ta biết cách vận hành nền kinh tế và tự hào với lực lượng lao động tay nghề cao. Nhưng hiện tại, khả năng cạnh tranh của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng", Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Đức vẫn còn rất nhiều điểm mạnh. Họ có kiến thức sâu về cơ khí, kỹ thuật và vẫn có khả năng hưởng lợi từ sự phát triển của các nước mới nổi trong tương lai. Các cải cách trên thị trường lao động của nước này đã cải thiện đáng kể số người có việc làm. Nợ quốc gia hiện cũng thấp hơn hầu hết nền kinh tế lớn. Trái phiếu Đức vẫn được coi là trong nhóm tài sản an toàn nhất thế giới.
Holger Schmieding – nhà kinh tế học tại Berenberg Bank cho rằng so với thập niên 90, sau khi nước Đức thống nhất, các thách thức hiện tại không nghiêm trọng bằng. Khi đó, Đức vật lộn với chi phí khổng lồ từ việc sáp nhập. Cạnh tranh trên toàn cầu tăng, cùng luật lao động cứng nhắc kéo tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Chi cho an sinh xã hội phình to. Việc Đức dựa vào sản xuất trở nên lỗi thời khi các nước khác đặt cược vào thương mại điện tử và dịch vụ tài chính.
Thủ tướng Đức khi đó là Gerhard Schröder đã giảm chi cho an sinh, giảm quy định trên thị trường việc làm và buộc người thất nghiệp nhận việc đang tuyển. Các chính sách cải tổ gây tranh cãi đã làm chia rẽ nội bộ đảng Dân chủ Xã hội của Schröder, khiến ông phải rút khỏi chính trường.
Đức sau đó thay đổi nhiều quy định với lĩnh vực tư nhân. Các doanh nghiệp Đức hợp tác với nhân viên để môi trường làm việc linh hoạt hơn. Các công đoàn cũng đồng ý bỏ qua nâng lương để giữ nhà máy và việc làm trong nước.
Các công ty Đức vì thế ngày càng chuyên môn hóa hơn. Thế giới cũng cần nhiều sản phẩm là thế mạnh của họ, như hàng hóa công nghiệp và xe hơi hạng sang.
Việc Trung Quốc tăng đầu tư cho công nghiệp đã giúp doanh số các hãng sản xuất máy móc Đức tăng tốc. Volkswagen cũng đầu tư mạnh tay vào Trung Quốc, hưởng lợi từ tầng lớp trung lưu đang ngày càng nhiều tại đây. Xuất khẩu bùng nổ sang các nước đang phát triển đã giúp Đức vượt qua khủng hoảng tài chính 2008 tốt hơn nhiều nước châu Âu khác.
Tuy nhiên, sự lơ là cũng xuất hiện từ đây. Đức đã không nhận ra rằng lĩnh vực dịch vụ, đóng góp đáng kể vào GDP và việc làm, kém năng động hơn so với các hãng sản xuất để xuất khẩu. Lương bị siết khiến nhu cầu tiêu dùng giảm. Các doanh nghiệp Đức chuộng tiết kiệm hơn là tái đầu tư lợi nhuận.
Các hãng xuất khẩu cũng ngại thay đổi. Các công ty cung cấp linh kiện ôtô thì tự tin vào sức mạnh của mình đến mức bỏ qua những lời cảnh báo rằng xe điện sẽ sớm thách thức xe xăng. Vì không đầu tư vào pin và công nghệ cho xe chạy nhiên liệu mới, nhiều hãng xe Đức hiện bị các startup Trung Quốc vượt lên.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Đức cũng đang phàn nàn về tình trạng quan liêu. BioNTech - hãng sản xuất vaccine Covid-19 cùng Pfizer - gần đây chuyển hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm sang Anh, do các quy định ngặt nghèo của Đức về bảo mật dữ liệu.
Hans Georg Näder - Chủ tịch hãng sản xuất tay chân giả Ottobock - cũng cho biết hoạt động tại Đức đang ngày càng khó do các quy định mới. Một điều luật gần đây yêu cầu tất cả công ty Đức xác minh các nhà cung cấp tuân thủ quy định về môi trường, pháp lý, đạo đức. Kể cả đó là doanh nghiệp ở nước ngoài. Ottobock vì thế quyết định mở nhà máy mới nhất ở Bulgaria thay vì Đức.
Chi phí năng lượng cũng đang là thách thức với nhiều ngành công nghiệp, như hóa chất. Xung đột Nga - Ukraine đã bộc lộ điểm yếu của Đức là quá phụ thuộc vào khí đốt Nga. Các lãnh đạo Đức từng bỏ qua những cảnh báo về việc này và khẳng định Moskva là nhà cung cấp đáng tin cậy, cho đến khi chiến sự tại Ukraine nổ ra.
Dù giá năng lượng tại châu Âu đã giảm so với đỉnh năm ngoái, ngành công nghiệp của Đức hiện vẫn chịu chi phí cao hơn so với các đối thủ tại Mỹ và châu Á.
Các doanh nghiệp Đức còn phàn nàn về việc thiếu lao động lành nghề. Quy định nhập cư phức tạp khiến họ khó đưa về các lao động tay nghề cao từ nước ngoài. Hạ tầng viễn thông và kỹ thuật số cũng không như ý.
"Thị trường trong nước ngày càng khiến chúng tôi lo ngại. Biên lợi nhuận không còn ở mức lẽ ra nó phải thế", Martin Brudermüller – CEO đại gia hóa chất BASF cho biết trong đại hội cổ đông tháng 4.
Một vấn đề Đức không thể khắc phục nhanh chóng là dân số. Lực lượng lao động co lại đang khiến 2 triệu việc làm bị bỏ trống. Khoảng 43% doanh nghiệp Đức đang chật vật tìm nhân công. Thời gian tuyển dụng trung bình lên tới 6 tháng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây bác bỏ các dự báo kém lạc quan về kinh tế Đức. Ông cho biết trên truyền hình rằng các thay đổi là cần thiết, nhưng họ sẽ không cải tổ một cách nền tảng mô hình định hướng xuất khẩu đã dẫn dắt kinh tế Đức từ sau Thế chiến II.
Ông lấy ví dụ dòng tiền đầu tư nước ngoài đang chảy vào lĩnh vực chip, nhờ chính sách trợ giá hào phóng từ chính phủ. Scholz cho biết sẽ có thay đổi về quy định nhập cư, để thu hút nhiều lao động tay nghề cao.
Dù vậy, tỷ lệ ủng hộ của người dân với chính phủ Đức đang lao dốc. Trong các cuộc trưng cầu dân ý gần đây, đảng đối lập Alternative for Germany đã dẫn trước đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz.
"Nước Đức đang được lãnh đạo bởi một chính phủ liên minh quá nhiều thành phần. Họ không thể thống nhất hành động với nhau", Joffe kết luận.
Hà Thu (theo WSJ)