vĐồng tin tức tài chính 365

Làm gì khi gia đình cho 2 tỷ đồng?

2023-08-31 06:53

Chào chuyên gia. Cha mẹ của em quyết định nghỉ hưu hẳn và tận hưởng tuổi già. Em không chọn kế nghiệp tại công ty của gia đình như các anh, chị, nên được cha mẹ cho 2 tỷ đồng để sau này làm vốn sống.

Hiện tại em vẫn yêu thích công việc văn phòng của mình, chưa có ý định tách ra khởi nghiệp hay tự kinh doanh gì cả. Thu nhập hàng tháng của em đủ nuôi bản thân (và một bé mèo), gửi tiết kiệm, đóng bảo hiểm, thỉnh thoảng đi du lịch... Do đó, 2 tỷ đồng được cho đều là tiền em không đụng tới ít nhất 5 năm nữa.

Em muốn hỏi ý kiến chuyên gia về việc nên xử lý, phân bổ số tiền kia ra sao để an toàn, tránh mất giá và nếu sinh lãi được ở mức trung bình thì càng tốt. Em cảm ơn!

Thanh Tân

Chuyên gia tư vấn:

Bạn đã có nguồn thu nhập ổn định, đã có kế hoạch bảo vệ tài chính thông qua bảo hiểm nhân thọ, hiện tại chưa có người phụ thuộc về mặt tài chính. Trước khi phân bổ 2 tỷ đồng được cho và nhàn rỗi trong 5 năm nữa, bạn nên cân nhắc hai bước dưới đây.

Thứ nhất, thiết lập quỹ dự phòng khẩn cấp (nếu chưa có). Quỹ này sẽ được sử dụng trong các trường hợp không mong muốn như giảm hoặc mất thu nhập đột ngột, cần gấp một khoản tiền gửi cho cha mẹ...

Quỹ dự phòng thường tương đương 3 đến 6 tháng chi tiêu. Đối với trường hợp của bạn (chưa có người phụ thuộc về mặt tài chính và đã có bảo hiểm nhân thọ), quỹ này nên lập ở mức tương đương 3 tháng chi tiêu và để trong tài khoản tiết kiệm một tháng.

Thứ hai, xác định các yếu tố liên quan trước khi phân bổ. Bạn nên xem xét tổng danh mục của bạn (bao gồm tiền tiết kiệm hiện tại), hơn là chỉ cân nhắc về việc phân bổ 2 tỷ đồng như thế nào. Vì việc phân bổ sẽ rất khác nếu bạn đang có 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm, tương đương 33,33% tổng danh mục tài sản (3 tỷ đồng) và nếu bạn đang có 500 triệu đồng tiền tiết kiệm, tương đương 20% tổng danh mục tài sản (2,5 tỷ đồng).

Bạn tự trả lời cho câu hỏi: Tổng danh mục sẽ phân bổ có tính hiệu quả về tỷ suất sinh lợi (tương thích với khẩu vị rủi ro) hay chưa? Bạn có đề cập là chỉ mong muốn sinh lãi ở "mức trung bình", nhưng chưa cụ thể trung bình là ở mức nào cũng cần xác định rõ.

Nếu mức hiệu suất bạn mong muốn là 6-8% một năm, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn đang đáp ứng được mức này, tính rủi ro gần như là không có.

Nếu hiệu suất bạn mong muốn là 8-10% một năm, lúc này cần thêm các lớp tài sản có tính tăng trưởng cao hơn tiết kiệm ngân hàng như trái phiếu, căn hộ chung cư đã bàn giao dưới 6 năm, hoặc bất động sản dân sinh. Mặc dù vào cuối năm ngoái, đầu năm nay, lãi suất tiết kiệm đã có lúc đạt đến 11% một năm, nhưng trong tương lai trung hạn, lãi suất sẽ được giữ ở trong mức 6-6,5% một năm.

Nếu như hiệu suất mong muốn khoảng 12-15% một năm, lúc này bạn bắt buộc phải có thêm các lớp tài sản có tính tăng trưởng mạnh như cổ phiếu (chứng chỉ quỹ hoặc đầu tư trực tiếp), bất động sản vùng ven, bất động sản nông nghiệp.

Cần lưu ý về khả năng chịu đựng rủi ro của bạn vì tài sản có tính tăng trưởng càng cao ứng với rủi ro càng cao. Nếu bạn mong muốn tài sản tăng trưởng 12-15% một năm, cần chấp nhận có những thời điểm, tài sản có tính tăng trưởng mạnh như cổ phiếu sẽ âm 15%, có khi lỗ đến 30%. Nếu bạn không thể chấp nhận được mức rủi ro này, nên xem xét lại hiệu suất mong muốn.

Bên cạnh đó, bạn cần tìm được lời giải cho các câu hỏi : Tính đa dạng của lớp tài sản trong danh mục đã có chưa? Tính cân bằng về thanh khoản của tài sản hay khả năng chuyển đổi dòng tiền khi cần thiết đã có chưa? Danh mục tài sản của bạn có đem lại lợi nhuận bạn mong muốn, và có tính rủi ro tối ưu không?

Gợi ý về các lớp tài sản

Thứ nhất là tiết kiệm ngân hàng. Bạn nên gửi các kỳ hạn 1 tháng (dành cho quỹ dự phòng), kỳ hạn 6 hoặc 12 tháng để tối ưu về tính thanh khoản. Lý do là lãi suất của kỳ hạn 1 và 3 tháng hoặc 6 và 9 tháng là gần như tương đương nhau.

Bạn có thể tham khảo vàng. Tôi khuyên nên cân nhắc giữ khoảng 5% danh mục tài sản. Đây vẫn là một kênh phòng thủ thích hợp nắm giữ trong dài hạn.

Về bất động sản, thị trường đang đóng băng cộng thêm các yếu tố cộng hưởng như lãi suất cho vay đang cao, tính thanh khoản đang kém dẫn đến áp lực cho các nhà đầu tư sở hữu địa ốc. Vì thế, kênh này sẽ xuất hiện nhiều tài sản có mức giá rẻ hơn so với giá thị trường vào quý IV/2023 hoặc quý đầu năm sau.

Cuối cùng là cổ phiếu. Đầu năm, thị trường có mức định giá rẻ so với lịch sử. Trong giai đoạn hiện tại, thị trường đã tăng nhiều và gần đây có các phiên giảm điểm mạnh, biến động kể từ đầu năm. Việc đầu tư vào cổ phiếu ở thời điểm này sẽ phải chấp nhận các rủi ro trong ngắn hạn (tài khoản có thể giảm) nhưng về mặt dài hạn, thị trường vẫn còn hấp dẫn do các chỉ số như P/E và P/B chưa vượt qua mức trung bình trong vòng 10 năm trở lại đây. Tích sản cổ phiếu vẫn còn nhiều tiềm năng.

Nguyễn Thị Thùy Chi
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT

Xem thêm: lmth.5577464-gnod-yt-2-ohc-hnid-aig-ihk-ig-mal/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Làm gì khi gia đình cho 2 tỷ đồng?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools