Bộ Y tế chiều 31/7 cho biết hôm nay, TP HCM đã nhận 1 triệu trong tổng số 5 triệu liều vắc-xin Vero Cell của do công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco) mua.
Bộ Y tế đã phê duyệt cho phép Công ty này nhập khẩu 5 triệu liều vắc-xin COVID-19 Sinopharm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng, phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của UBND TP HCM.
Vaccine COVID-19 Sinopharm là vắc-xin thứ 6 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận cho tình huống khẩn cấp. Tại Việt Nam, ngày 4/6 vừa qua, vắc-xin Sinopharm đã được Bộ Y tế đồng ý phê duyệt có điều kiện.
Công ty Dược Sài Gòn chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vắc-xin nhập khẩu; đảm bảo việc bảo quản vắc-xin tại các cơ sở bảo quản theo đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến chất lượng vắc-xin nhập khẩu. Công ty phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về xuất nhập khẩu, lưu thông, phân phối thuốc và các quy định về dược có liên quan.
Vắc-xin của Sinopharm được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp hôm 4/6, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp trong tháng 5
Sapharco - "Ông lớn" phân phối dược phẩm ở thị trường TP HCM
Từ cuối năm 1975, Dược Sài Gòn mở ra những nhà thuốc đầu tiên kinh doanh trên địa bàn TP HCM với tên gọi "Quốc doanh y dược phẩm Sài Gòn". Năm 1977, Công ty dược phẩm Cấp II chính thức được thành lập theo quyết định của UBND TP HCM. Sau đó, được sự cho phép của UBND TP và các bộ liên quan, công ty bắt đầu hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp thuốc và nguyên liệu làm thuốc vào đầu năm 1990.
Tới năm 2010, công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn với 100% vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, bao gồm các đơn vị trực thuộc và 16 công ty liên kết.
Vài năm sau, doanh nghiệp này khánh thành Trung tâm Phân phối Dược Sài Gòn tại quận 9, TP HCM, với diện tích 13.000 m2, hơn 8.000 palet chứa hàng, hoạt động bảo quản và phân phối thuốc, mở rộng quy mô trên toàn quốc. Năm 2018, Dược Sài Gòn trở thành nhà phân phối các sản phẩm vắc xin của Sanofi Pasteur khu vực phía nam, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm.
Sau 45 năm hoạt động và liên tục phát triển trong ngành dược, hiện Sapharco được biết đến là một trong những "ông lớn" có thương hiệu và uy tín cao trên thị trường. Hệ thống phân phối gồm các chi nhánh, cửa hàng bán sỉ và lẻ dược phẩm và dụng cụ y tế cũng đã có mặt tại nhiều tỉnh thành khác nhau TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ.
Công ty đã xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo với tổng diện tích trên 20.000m2 phủ khắp cả nước. Hệ thống bao gồm 7 kho bảo quản, đạt nguyên tắc thực hành tốt bảo quản GSP đáp ứng cả điều kiện bảo quản 2 – 80C; 15 – 250C.
Sapharco còn sở hữu nhà máy Roussel Việt Nam với tổng diện tích hơn 10.000 m2 tại khu công nghiệp VSIP Bình Dương. Nhà máy có các dây chuyền sản xuất viên nén, viên nang, thuốc bột, kem, mỡ nước và dây chuyền sản xuất thực phẩm chức năng.
Dược Sài Gòn cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ logistics, kinh doanh và phân phối dược phẩm.
Sapharco kinh doanh ra sao?
Báo cáo về hoạt động kinh doanh giai đoạn 2018-2020, Ban lãnh đạo công ty này cho biết, lợi nhuận bán hàng thầu thấp, có nhiều hàng giá trị thấp, nặng (sản phẩm đông dược), chi phí vận chuyển nhiều nên khi bán các đơn hàng nhỏ lẻ, trị giá thấp sẽ không hiệu quả.
Trong năm 2020 Dược Sài Gòn công bố doanh thu đạt hơn 2.700 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2019. Mặc dù doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm nhưng lợi nhuận của Sapharco rất mỏng, đạt 30,7 tỷ đồng sau thuế năm 2019 và 28,3 tỷ đồng năm 2020.
Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của Dược Sài Gòn là 1.385 tỷ đồng, công ty có vốn góp của chủ sở hữu là 480 tỷ đồng, nợ vay tài chính là 116 tỷ đồng (toàn bộ là nợ ngắn hạn).
Bên cạnh đó, Sapharco cũng tích cực đầu tư tài chính với các khoản ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 110 tỷ và 156 tỷ đồng. Cụ thể, doanh nghiệp rót vốn nhiều công ty liên kết như đầu tư vào Công ty Cổ phần Dược phẩm và Sinh học y tế (Mebiphar) 65 tỷ đồng, 41 tỷ vào Công ty Cổ phần Dược phẩm Dược liệu Pharmedic hay đối với Công ty Cổ phần Dược phẩm 2/9 là khoản đầu tư 22 tỷ đồng.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 16 triệu liều vắc-xin Covid-19, gồm các loại AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sinopharm. Các nguồn vắc-xin đến từ hợp đồng mua của Công ty VNVC với AstraZeneca, Bộ Y tế mua của Pfizer, TP HCM mua của Sinopharm và 500.000 liều được Trung Quốc tặng, Cơ chế Covax cung ứng, quà tặng từ chính phủ Nhật, Mỹ.
Nguyễn Ánh
Doanh nghiệp tiếp thị