Ngày 1-8, tình hình dịch ở các nước châu Á vẫn chuyển biến phức tạp với số ca mắc mới và tử vong liên tục tăng kỷ lục.
Myanmar
Myanmar đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe thảm khốc, gây ảnh hưởng không chỉ đến những người dân mà còn có thể khiến hệ thống y tế trên toàn khu vực sụp đổ, theo kênh Channel News Asia (CNA).
Myanmar đang trải qua một làn sóng dịch lớn nhất với việc số ca mắc mới và tử vong tăng đột biến. Theo Tổ chức Bác sĩ không biên giới, điều này gây ra do năng lực quản lý yếu kém của quân đội đối với cuộc khủng hoảng chính trị, cũng như hệ thống y tế.
Các tình nguyện viên COVID-19 Myanmar đang đưa một bệnh nhân đi điều trị. Ảnh: KAREN INFORMATION CENTER
Thống kê chính thức của quân đội Myanmar cho biết nước này ghi nhận khoảng 6.000 ca mắc mới và 300 người chết mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều người không tin đây là số liệu chính xác.
Với chỉ 2,8% trong số 54 triệu người Myanmar được tiêm chủng đầy đủ, hiện có nhiều lo ngại rằng đất nước này có thể trở thành một "quốc gia siêu lây lan COVID-19". Điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể mới, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền ở Myanmar cho biết.
Indonesia
Cũng theo CNA, Indonesia đã và đang phải hứng chịu một trong những đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất ở châu Á, với hơn 3,4 triệu ca nhiễm và hơn 94.000 ca tử vong.
Kể từ đầu tháng 7, các hạn chế nghiêm ngặt ở Java, Bali và một số khu vực khác đã được áp dụng sau khi các trường hợp mới gia tăng do sự lây lan của biến thể Delta.
Nhà điều hành hãng hàng không nhà nước lớn nhất Indonesia Lion Air Group đã công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 8.000 nhân viên trong bối cảnh các quy định phòng dịch đã gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của hãng.
Số chuyến bay của Lion Air Group đã giảm xuống còn 10-15% so với công suất bình thường là 1.400 chuyến mỗi ngày.
Malaysia
Malaysia - một trong những tâm dịch COVID-10 của thế giới - hôm 31-7 đã ghi nhận 17.786 trường hợp mắc mới - con số cao kỷ lục từng được ghi nhận trong một ngày, theo hãng tin Reuters.
Ngày 1-8, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã tuyên bố hoãn cuộc họp quốc hội đặc biệt 2-8 do nước này phát hiện một số trường hợp mắc COVID-19 mới trong trụ sở quốc hội.
Theo ông Yassin, quyết định là phù hợp với tình hình hiện tại, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan y đánh giá rủi ro và đưa giải pháp phù hợp. Quyết định của ông Yassin được đưa ra trong bối cảnh bộ y tế Malaysia cho rằng quốc hội có thể sẽ thành một ổ dịch mới trong nước.
Ngày 31-7, khoảng 100 người đã tập trung tại trung tâm thủ đô Kuala Lumpur để bày tỏ sự bất bình trước cách xử lý của chính phủ đối với đại dịch và kêu gọi ông Yassin từ chức.
Thái Lan
Theo Reuters, Thái Lan trong ngày 31-7 đã ghi nhận 18.912 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 597.287 trường hợp. Ngoài ra, nước này cũng báo cáo thêm 178 trường hợp tử vong mới - một kỷ lục về số ca tử vong trong một ngày ở nước này.
Chính phủ cho biết biến thể Delta chiếm hơn 60% các trường hợp trong nước và 80% các trường hợp ở Bangkok.
Do số ca tử vong tăng liên tục, Bệnh viện Đại học Thammasat gần thủ đô Bangkok đã bắt đầu lưu trữ thi thể những người tử vong vì COVID-19 trong các thùng chứa lạnh, chờ được xử lý.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, chính quyền thủ đô Tokyo ngày 31-7 cho biết đã ghi nhận 4.058 ca mắc mới chỉ trong 24 giờ trước đó. Đại diện ban tổ chức Thế vận hội Olympic 2020 đã báo cáo 21 trường hợp COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc mới lên 241 kể từ ngày 1-7.
Trước đó một ngày, Nhật đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đối với Tokyo đến cuối tháng 8 và mở rộng các lệnh hạn chế đối với ba quận gần thủ đô và cả quận phía tây Osaka.
Ngày 31-7, ban tổ chức Olympic cho biết đã thu hồi giấy cấp phép của một số người tham gia vì những người này đã rời khu vực tổ chức thế vận hội để đi tham quan nhiều nơi - một hành vi vi phạm các biện pháp phòng dịch do Nhật đưa ra.