Số liệu chính thức được công bố hồi tuần trước cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng với tỷ lệ 8,5% trong quý II năm nay. Các nhà kinh tế cho rằng điều đó có nghĩa GDP đã đạt trên 19,2 ngàn tỷ USD, vượt qua mức tăng trưởng vào cuối năm 2019, trước khi COVID-19 bùng phát đẩy nền kinh tế toàn cầu vào “cửa hẹp”.
Chi tiêu của người dân tăng đang giúp nền kinh tế Mỹ hồi phục |
Tương tự, theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tổng sản lượng kinh tế của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu đã vượt qua mức trước đại dịch trong quý I năm nay. Tính đến cuối tháng 6/2021, việc Mỹ cùng một số nền kinh tế lớn tiếp tục vượt ngưỡng cho thấy khả năng sản lượng toàn cầu sẽ hồi phục và còn cao hơn mức trước COVID-19. Chuyên gia tài chính Lindsey Piegza (New York) cho biết, sự tăng trưởng là tích cực nhưng tốc độ sẽ chậm hơn, dù Cục Dự trữ Liên bang (FED) dự báo GDP cả năm 2021 ở mức 7%.
Vào tháng Tư, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 14,8% xuống 5,8% nhưng điểm yếu là số việc làm trở lại khá thất thường và chủ yếu trong các doanh nghiệp nhỏ. FED theo dõi tốc độ tuyển dụng và xem đó như một trong những chỉ số đánh giá sức mạnh để phục hồi kinh tế. Nhưng sự hồi phục của thị trường lao động mới chỉ được 66% so với số việc làm đã mất đi khi đại dịch bùng phát.
Các chuyên gia của tờ Wall Street Journal cảnh báo vấn đề sụt giảm mức sinh đẻ xuống gần bằng 0 do COVID-19. Năm ngoái, số ca tử vong đã nhiều hơn số người sinh ra trên 25 tiểu bang. Theo ước tính vào tháng 7/2020, dân số Mỹ chỉ tăng 0,35% - mức thấp nhất từng được ghi nhận. Dân số là yếu tố quan trọng tác động đến quy mô của thị trường lao động, cũng như sức mạnh kinh tế và tài khóa của một quốc gia.
Cùng với tài chính, các lĩnh vực dịch vụ, giải trí và khách sạn dẫn đầu mức tăng theo tỷ lệ phần trăm. Các nhà kinh tế tin rằng FED sẽ chậm tăng lãi suất ngay cả khi lạm phát đã bắt đầu vượt ngưỡng 2% hằng năm nhằm thúc đẩy sự phục hồi của thị trường việc làm.
Theo một nghiên cứu mới đây, ngành công nghiệp dầu khí sẽ đóng vai trò lớn cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của Mỹ. Năm 2019, ngành dầu khí hỗ trợ 11,3 triệu việc làm và đóng góp gần 1,7 ngàn tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục tạo ra những công việc được trả lương cao và là nguồn năng lượng bền vững cho các doanh nghiệp, bao gồm chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, sản xuất, giáo dục.
Bên kia Đại Tây Dương, Ủy ban châu Âu tỏ ra lo ngại nền kinh tế vẫn chưa thể vượt qua đại dịch trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan khắp châu Á và có nguy cơ làm chậm sự phục hồi ít nhất đến cuối năm. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng, nếu như tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 ở mức 6%, thì đó chỉ là triển vọng cho các nước giàu, nơi đã triển khai tiêm chủng nhanh chóng.
Ngoài ra, IMF lo ngại xu hướng các nước giàu đang phát triển nhanh hơn trong khi các nền kinh tế mới nổi hoặc đang phát triển, nhất là các nước nghèo hơn ở châu Á, lại đang tụt dốc. GDP toàn cầu cũng bị phân hóa giữa các quốc gia giàu và nghèo đang “triệt tiêu” lẫn nhau. Dự báo về tăng trưởng toàn cầu của IMF là 6% cho năm 2021 và 4,9% năm 2022.
Phục hồi của Mỹ tạo hiệu ứng “hòn đá rơi” với Việt Nam
Sự lây lan nghiêm trọng của COVID-19 ở châu Á tạo ra mối đe dọa lạm phát ở các nền kinh tế tiên tiến do chính sách thắt chặt các điều kiện tài chính. Từ đây, IMF quan tâm về mức tăng trưởng của Mỹ. Bên cạnh tiến tới kế hoạch cung cấp 650 tỷ USD hỗ trợ các quốc gia đang đối mặt với tình trạng suy thoái, IMF tỏ ra hy vọng FED “bỏ qua” các áp lực lạm phát nhất thời của Mỹ mà tránh thắt chặt tài chính cho đến khi khả năng tăng trưởng cơ bản trên toàn cầu rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, theo FED, nền kinh tế Mỹ có tiến triển nhưng chưa thể hồi phục 100%. Rủi ro đối với triển vọng kinh tế vẫn còn và một lần nữa cam kết duy trì các chính sách bảo hiểm tiền mặt và cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn xuống 0% từ khi bắt đầu đại dịch.
Với nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất nhập khẩu như Việt Nam, sự hồi phục của kinh tế Mỹ kéo theo nhu cầu nhập hàng từ Việt Nam tăng cao. Hai nước cũng đang chứng kiến thời kỳ hoàng kim trong quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Theo Bộ Công thương Việt Nam, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm 2021 đạt 45,1 tỷ USD, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội, gói tài chính 1,9 ngàn tỷ USD của Mỹ đã phần nào khiến xuất khẩu của Việt Nam gia tăng. Khi bất cứ người Mỹ nào cũng cảm thấy thoải mái về tài chính, đó là điều tích cực cho việc xuất khẩu vào Mỹ. Ngoài kinh tế phục hồi và mức chi tiêu tăng, sự tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ dường như còn được thúc đẩy chủ yếu bởi việc di dời chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam với thị trường lao động thuận lợi, chi phí nhân công thấp, chính sách đầu tư thân thiện.
Thương mại của Việt Nam cũng sẽ được thúc đẩy một khi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định tái gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông Sitkoff tin rằng chính quyền Biden sẽ giảm thiểu rủi ro hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp thêm thuế khi vào Mỹ.
Nam Anh (theo WSJ, NPR, MW)
Xem thêm: lmth.2581441a-hcid-iad-auq-touv-uac-naot-et-hnik-aud-cul-on-ym/nv.moc.enilnounuhp.www