Cuối năm 2016, Đại học tư thục Keio - một trong những trường danh tiếng nhất Nhật Bản đã mời "ông trùm" ngành công nghiệp phim "người lớn" Keishi Kameyama đến trò chuyện với sinh viên về việc điều hành một doanh nghiệp có ích cho cộng đồng.
Sau nhiều năm bị ngân hàng từ chối cho vay tiền và đóng băng các giao dịch kinh doanh, Keishi Kameyama cuối cùng cũng được đón nhận như một nhà tiên phong trong lĩnh vực Internet và thậm chí trở thành hình mẫu trong giới doanh nhân.
Đế chế công nghệ và truyền thông không ngừng phát triển của ông - DMM.com bắt đầu với mảng phim "người lớn" và sau đó phát triển thành một tập hợp khổng lồ các doanh nghiệp khác nhau, giúp ông trở thành một trong những người giàu nhất đất nước mặt trời mọc.
Vị tỷ phú kín tiếng
Sau khi xuất hiện tại Đại học Keio, Kameyama được tạp chí hàng tuần nổi tiếng nhất ở Nhật thuê viết bài cho trang web của mình, đưa ra lời khuyên tình cảm và nuôi dạy con cái. Vài tháng sau, ông được bình chọn là 1 trong 100 nhà tuyển dụng hàng đầu của Nhật Bản, vượt cả IBM và Google trong khảo sát với đối tượng là sinh viên chưa tốt nghiệp của tờ Nikkei.
Trong một cuộc phỏng vấn, Kameyama chia sẻ: "Chúng tôi luôn thử những điều mới. Vì vậy, mọi người thường nghĩ rằng nếu làm việc cho tôi, họ sẽ được trải nghiệm những thứ thú vị".
Có vẻ kỳ lại khi một ông trùm phim "người lớn" lại được công chúng đón nhận nhiệt tình đến vậy. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, Nhật Bản từ lâu vốn dĩ đã có cái nhìn khá "thoáng" về lĩnh vực này.
Về phần Kameyama, doanh nhân 60 tuổi không dừng lại ở đó mà mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như nền tảng giao dịch tiền tệ, trò chơi điện tử, trường học tiếng Anh trực tuyến và các trang trại năng lượng mặt trời. Đến năm 2016, phim "người lớn" chỉ chiếm chưa đầy 1/3 tổng doanh thu 1,7 tỷ USD của tập đoàn.
Theo hồ sơ tài chính lần đầu được tiết lộ với công chúng năm 2017, Kameyama sở hữu khối tài sản 3,5 tỷ USD và là người giàu thứ 9 Nhật Bản ở thời điểm đó. Ông là người vô cùng kín tiếng nên thông tin về ông không nhiều. Bloomberg cho biết vị tỷ phú đã kết hôn và có hai người con. Tuy giàu có nhưng ông ăn vận giản dị và vẫn đạp xe đi làm mỗi ngày.
Vài năm trước, Kameyama nhận lời phỏng vấn để dập tắt tin đồn mình là "xã hội đen". Tuy nhiên, ông luôn yêu cầu các tờ báo và trang web che kín mặt bằng một hình hoạt hình để bảo vệ quyền riêng tư.
Hành trình trở thành tỷ phú hàng đầu Nhật Bản
Kameyama sinh ra ở thị trấn nhỏ ven biển Kaga. Cha mẹ ông mở một quán rượu, nơi cánh mày râu thường trả thêm tiền để nữ bồi bàn ngồi với mình lâu hơn. Những người phụ nữ này đôi khi giúp dọn dẹp và dùng chung bàn ăn với gia đình Kameyama. "Lớn lên trong môi trường như vậy giúp tôi không bị định kiến", Kameyama cho biết.
Sau khi bỏ học kế toán, Kameyama đã tìm và làm một số việc lương tương đối cao. Trong đó, ông từng có một thời gian ngắn làm vũ công bán khỏa thân tại câu lạc bộ đồng tính nam Chippendale. Một lần khác, ông thậm chí còn xin làm công việc tắm rửa cho tử thi tại bệnh viện.
Gần 30 tuổi, Kameyama trở thành chủ một cửa hàng cho thuê băng đĩa phim. Tuy nhiên, khi đó, dịch vụ cho thuê phim bắt đầu phát triển tại thị trấn nơi ông kinh doanh. Biết rằng mô hình của mình sẽ khó tồn tại lâu dài, ông quyết định sản xuất thay vì cho thuê phim.
Ông mở xưởng sản xuất phim "người lớn" trong một siêu thị bỏ hoang, nơi ông dùng hàng nghìn đầu ghi hình để sao chép phim từ băng gốc, cả ngày lẫn đêm.
Để thuyết phục các cửa hàng bán sản phẩm của mình, Kameyama đã đưa ra lời đề nghị khó lòng từ chối: "Đây là 100 cuộn băng, bán được bao nhiêu thì trả cho tôi bấy nhiêu". Thỏa thuận này không yêu cầu nhân viên bán hàng phải chào bán sản phẩm nên chủ cửa hàng nào cũng đồng ý.
Vì Kameyama làm ăn "có tâm" nên người xem hiếm khi phàn nàn về chất lượng hình ảnh. Hơn nữa, những cuốn băng không bán được có thể được tái sử dụng dễ dàng.
Ý tưởng lớn tiếp theo của Kameyama là chiếc máy tính tiền mà ông tặng miễn phí cho các chủ cửa hàng để đổi lấy dữ liệu bán hàng của họ. Đây chính là bí kíp giúp ông theo dõi hiệu quả sở thích của người mua băng đĩa phim "người lớn" ở Nhật.
Đột phá lớn nhất xảy ra năm 1998 khi ông quyết định phát triển trên thị trường trực tuyến. Khi ấy, đây là một quyết định khá mạo hiểm vì chỉ gần 1/5 hộ gia đình Nhật có Internet.
Thành công rực rỡ
Năm 1998, khi Netflix mới bắt đầu dịch vụ cho thuê đĩa DVD qua đường bưu điện, DMM đã tung ra dịch vụ phát trực tuyến trên web đầu tiên của Nhật Bản và trở thành nhà sản xuất phim "người lớn" lớn nhất quốc gia này.
Trong 1 thập kỷ, hơn 1 triệu người dùng Internet đã trả tiền để xem các bộ phim của DMM. Từ đó, Kameyama bắt đầu tìm kiếm các lĩnh vực kinh doanh khác để tận dụng lượng khách hàng chủ yếu là nam giới của mình.
Năm 2009, ông mua lại một công ty môi giới chứng khoán trực tuyến đang gặp khó khăn, đầu tư gần 100 triệu USD để đại tu và biến nó thành nền tảng dành cho các nhà đầu tư cá nhân giao dịch ngoại tệ phổ biến nhất ở Nhật. DMM được coi là một "Las Vegas" ảo, phục vụ hai trong số những nhu cầu cơ bản nhất của con người là tình dục và tiền bạc. Tiếp đó, ông mở rộng sang những dự án kinh doanh thân thiện với gia đình hơn như trò chơi điện tử hay thanh toán điện tử.
Tuy không tiết lộ lợi nhuận cụ thể nhưng Kameyama nói rằng DMM có thể chi trả cho tất cả các hoạt động kinh doanh mới mà không cần IPO, trừ khi ông muốn thử một thứ gì đó lớn hơn như xây dựng công viên giải trí dựa trên các nhân vật anime Nhật Bản.
Doanh thu của DMM tăng khoảng 30% hàng năm và lĩnh vực phim "người lớn" đang trở thành một phần nhỏ hơn bao giờ hết trong "vũ trụ" đang mở rộng của tập đoàn. Cổng DMM.com – nơi quảng bá cho tất cả các công ty của Kameyama, có hơn 27 triệu người đăng ký.
Năm 2017, tập đoàn có 2.000 nhân viên, chiếm 5 tầng trong một tòa nhà văn phòng chọc trời. Sảnh đợi có chủ đề rừng rậm nhiệt đới với hình chiếu bằng kích thước thật của sư tử và các loài chim kì lạ trên tường.
Có được chỗ đứng sớm, Kameyama vẫn mở rộng được quyền kiểm soát ngay cả khi sự phổ biến của Internet khiến ngành công nghiệp phim "người lớn" tại Nhật có dấu hiệu đi xuống. Tính đến năm 2017, DMM bán khoảng một nửa số phim "người lớn" ở Nhật mỗi năm, giá trị ước tính là 1 tỷ USD.
Alec Helmy, nhà sáng lập hãng phim "người lớn" XBIZ nhận xét: "Ông ấy đã làm được điều không phải công ty nào ở Mỹ cũng làm được là khởi nghiệp từ thời kỳ DVD thịnh hành, tiến đến online và thống trị".
Một điều đặc biệt ở Kameyama là trong suốt 3 thập kỷ làm phim "người lớn", ông chưa đặt chân đến phim trường quá 2 lần và cũng không xem phim do công ty mình sản xuất. Đối với ông, đây chỉ là sản phẩm để bán với giá cao hơn giá thành sản xuất và marketing.
Vị tỷ phú chia sẻ: "Tôi không kinh doanh phim ‘người lớn’ vì ‘đam mê’ xem chúng. Với tôi, đây chỉ đơn giản là một trải nghiệm và khi kiếm được tiền, tôi muốn lấn sân sang những lĩnh vực mới khác".
Khi được một sinh viên Đại học Keio hỏi cách xây dựng một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có nhiều đóng góp cho xã hội, Kameyama đáp: "Hãy bắt đầu bằng một công ty giúp nhân viên nuôi gia đình của họ thay vì cố gắng giải quyết nạn đói toàn cầu". Còn về triết lý sống, ông chia sẻ: "Tôi muốn rằng mỗi ngày trôi qua, tôi đều ít thiếu sót hơn một chút so với ngày hôm trước".
Nguồn: Bloomberg, IBT
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị