GPIF - quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, đã cắt giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu và tín phiếu chính phủ Mỹ từ 47% xuống còn 35% tổng lượng trái phiếu nước ngoài trong 12 tháng, tính đến ngày 30/3.
Việc tái cân bằng của quỹ này diễn ra trong hơn 1 năm nay, nhằm đẩy mạnh kế hoạch đầu tư mới, giảm sự phục thuộc vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản và chuyển trọng tâm sang cổ phiếu, trái phiếu nước ngoài có lợi nhuận cao hơn.
Phân tích của Bloomberg cho thấy sự thay đổi này phần lớn là tăng nắm giữ trái phiếu châu Âu, thay vì bán trái phiếu chính phủ Mỹ khi thị trường này đang giảm giá.
Tỷ trọng trái phiếu chính phủ Mỹ trong danh mục đầu tư của GPIF qua các năm tài khoá.
Dù GPIF ít khi bình luận về sự thay đổi hàng năm trong danh mục đầu tư, nhưng ngay cả những điều chỉnh nhỏ cũng thu hút được sự quan tâm lớn của thị trường thế giới, khi tổng giá trị đầu tư của quỹ là khoảng 1,7 nghìn tỷ USD.
Một số chiến lược gia cho rằng quỹ hưu trí lớn nhất thế giới có thể tìm cách giảm tỷ trọng trái phiếu kho bạc Mỹ do diễn biến kém vượt trội trong thời gian dài. Số khác lại nhận định, đây có thể chỉ là một động thái ngẫu nhiên, khi họ chuyển sang chiến lược giảm thiểu rủi ro bằng cách điều chỉnh tỷ trọng với các chỉ số toàn cầu.
Tỷ trọng trái phiếu chính phủ các nước trong danh mục đầu tư của GPIF (tỷ trọng tính đến tháng 3/2021 và 3/2020)
Trong năm trước đó, GPIF đã tăng lượng nắm giữ đối với trái phiếu kho bạc Mỹ, đặc biệt là trái phiếu kỳ hạn ngắn. Đây là dấu hiệu cho thấy có thể quỹ này đang cân nhắc về kế hoạch đầu tư mới. Ngoài ra, việc đầu tư chủ yếu vào trái phiếu và tín phiếu Mỹ chỉ là một bước đi tạm thời để huy động tiền mặt trước khi quỹ này thực hiện những khoản phân bổ mang tính lâu dài hơn.
Dù động lực sau đó là gì, lợi nhuận từ trái phiếu nước ngoài của GPIF là 7,1% trong năm tài khoá trước, trong khi World Government Bond Index (không bao gồm Nhật Bản) của FTSE Russell chỉ là 5,4%. Đây là con số vượt trội nhất trong 4 năm khi so sánh với chỉ số này. Tỷ trọng của trái phiếu trong chỉ số của FTSE Russell là khoảng 38%, tính đến cuối tháng 6.
Lượng phân bổ của GPIF đối với trái phiếu Pháp, Ý, Đức và Anh tăng ít nhất 1,7 điểm phần trăm trong năm tài chính trước. Phân tích của Bloomberg cho thấy quỹ đã mua tổng cộng 5,72 nghìn tỷ yen (52 tỷ USD) đối với các loại trái phiếu trên, sau khi điều chỉnh theo biến động của tỷ giá hối đoái và giá trái phiếu.
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh trong nửa cuối năm tài khoá của GPIF.
Bloomberg cho hay, khi tỷ trọng đối với trái phiếu Mỹ giảm, GPIF vẫn mua thêm 1,1 nghìn tỷ yen trái phiếu vào năm tài khoá trước. Theo đó, quỹ này đang nắm giữ tổng cộng lượng trái phiếu có giá trị khoảng 17,5 nghìn tỷ yen.
Theo kế hoạch 5 năm có hiệu lực vào tháng 4/2020, GPIF đặt mục tiêu phân bổ đều danh mục đầu tư giữa cổ phiếu và trái phiếu cả trong và ngoài nước. Trước đó, trái phiếu chính phủ Nhật Bản chiếm tỷ trọng 35% trong tổng số các khoản đầu tư.
Những thay đổi này đã mang lại thành quả cho quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, khi lợi nhuận trong năm tài khoá trước của trái phiếu và cổ phiếu vượt trội so với chỉ số mô phỏng quỹ này.
Thông thường, các quỹ hưu trí nhỏ hơn tại Nhật Bản sẽ theo dõi sát sao những điều chỉnh của GPIF. Ayako - chiến lược gia thị trường tại Sumitomo Mitsui Trust Bank, cho biết: "GPIF có ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của các quỹ hưu trí khác tại Nhật Bản. Những gì họ làm đều có tác động đến thị trường."
Theo dõi những động thái gần đây, Sera nhận thấy sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ sẽ tiếp tục sụt giảm. Bà nhận định: "Lợi suất hiện tại không đủ để nhà đầu chấp nhận rủi ro về ngoại hối."
Dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy nhà đầu tư Nhật Bản đã bán ròng 24 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ kể từ ngày 1/4 - thời điểm bắt đầu năm tài khoá hiện tại của quốc gia châu Á này. Năm tài khoá trước, họ bán ròng 35 tỷ USD - mức cao nhất trong 3 năm.
Tham khảo Bloomberg