Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ dẫn đoàn doanh nghiệp đến Việt Nam vào tháng 10
Vân Ly
(KTSG Online) - Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) cho biết sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp lớn từ các nước thành viên OIF tới Việt Nam và Campuchia để thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư, tiếp xúc doanh nghiệp trong tháng 10 tới.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật số có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác từ chương trình này. Ảnh minh họa: Vân Ly |
Đoàn dự kiến sẽ tới TPHCM từ ngày 11 đến 13-10-2021 và Hà Nội từ ngày 14 đến 16-10-2021 do bà Tổng thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo dẫn đầu. Đoàn có sự tham gia của khoảng 70 doanh nghiệp và đại diện các cơ quan tổ chức đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi, vùng Ca-ri-bê và Ấn Độ Dương.
Đoàn dự kiến khảo sát thị trường, tìm kiếm, thúc đẩy các cơ hội kinh doanh đầu tư và kết nối với hơn 350 doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, hàng hóa, dịch vụ kỹ thuật số, logistics và tài chính...
Các hoạt động của đoàn bao gồm diễn đàn đối thoại cấp cao với đại diện các bộ, ban ngành. Gặp gỡ kết nối giữa các doanh nghiệp với đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Gặp gỡ giữa các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư các nước Pháp ngữ. Thăm doanh nghiệp và các cơ quan tổ chức theo nhu cầu...
Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ cho rằng đây là một cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau kết nối và tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nói tiếng Pháp, thành viên của tổ chức này.
Tại Việt Nam, hoạt động này được Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ bao gồm 88 nhà nước và chính phủ thành viên thuộc 5 châu lục, chiếm 14% dân số thế giới, 16% tổng sản phẩm quốc dân thế giới và 20% giá trị trao đổi hàng hóa toàn cầu. Hiện tiếng Pháp là ngôn ngữ quốc tế được sử dụng nhiều thứ 3 trong kinh doanh và thứ 4 trên Internet. Việt Nam là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ từ năm 1970.
Dịch Covid-19 đã gây nhiều hậu quả kinh tế xã hội nặng nề trên thế giới và Việt Nam. Song Việt Nam thuộc số ít các quốc gia vẫn tăng trưởng dương trong năm 2020 (2,9%, theo IMF), trong khi đó tăng trưởng của Campuchia bị suy giảm mạnh (-3,5%, theo IMF). Tuy nhiên, theo IMF, nền kinh tế của hai quốc gia này sẽ bật tăng trở lại trong năm 2021 và dự kiến đạt mức 6,5% ở Việt Nam và 4,2% ở Campuchia.
Việt Nam và Campuchia đang có lợi thế gặt hái thành quả từ việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực và quốc tế (mới nhất là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP), cũng như đón đầu xu thế dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế. Nhờ vậy, các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đang có nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam và Campuchia trong nhiều lĩnh vực giàu tiềm năng tạo lợi nhuận, giá trị thặng dư và việc làm cho thanh niên và phụ nữ.
Để đăng ký tham gia sự kiện trên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hoặc Tổ chức Quốc tế Pháp Ngữ.