Doanh nghiệp gặp khó khi cảng Cát Lái ngưng nhận container nhập khẩu
Lê Anh
(KTSG Online) - Việc cảng Cát Lái tại TPHCM tạm dừng tiếp nhận container nhập khẩu về cảng do đang quá tải khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó và phát sinh thêm chi phí nếu chuyển sang nhận hàng ở cảng khác.
Một góc cảng Cát Lái - Ảnh: Anh Quân |
Container nằm tại cảng, chi phí tăng
Trong hai ngày qua, nhiều doanh nghiệp đang chạy đôn chạy đáo tìm các cảng để đưa hàng nhập về khi Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn thông báo tạm dừng nhận container nhập khẩu về cảng vì đang quá tải.
Bà Vũ Kim Dung, Trưởng phòng mua hàng của Công ty cổ phần D’FURNI, cho biết doanh nghiệp đang có container nhập khẩu đưa về cảng Cát Lái, việc cảng ngừng tiếp nhận hàng nhập khẩu sẽ khiến doanh nghiệp mất thời gian để chờ container cập cảng.
Trường hợp phải chuyển sang nhận ở cảng khác sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và tiến độ sản xuất. Khi cảng Cát Lái không tiếp nhận hàng nhập khẩu, doanh nghiệp phải tìm phương án lưu kho với chi phí phải trả thêm là 400.000 đồng/ngày/container.
Đại diện một doanh nghiệp ở Bình Dương cũng cho biết doanh nghiệp hiện có gần 60 container nhập khẩu đang nằm tại cảng Cát Lái mà chưa thể lấy ra được vì việc lấy chứng từ và làm dịch vụ hàng hoá bị gián đoạn do Covid-19.
Một khâu nữa cũng đang tắc nghẽn là việc vận chuyển hàng hoá về nhà máy gián đoạn vì thiếu xe chở container. "Hiện nay, muốn lấy container doanh nghiệp phải có xe chở container về nhà máy, sau đó phải dỡ hàng trả lại container rỗng. Do khâu kiểm soát dịch nên doanh nghiệp đang thiếu lái xe nghiêm trọng, vì vậy vẫn chưa thể lấy kịp hàng nhập khẩu" vị này nói.
Doanh nghiệp rất ít lựa chọn
Trước tình hình quá tải tại cảng Cát Lái, các cơ quan chức năng đang điều tiết để đưa container nhập khẩu về các cảng xung quanh khu vực cảng Cát Lái và một số cảng ở Hiệp Phước, TPHCM. Ngoài ra, sẽ điều tiết container nhập khẩu về cảng Cái Mép- Thị Vải.
Tuy nhiên, phương án mà cơ quan quản lý nhà nước đưa ra doanh nghiệp cho rằng sẽ tốn kém thêm chi phí vận chuyển. Bà Vũ Kim Dung cho biết, hiện tại, D’FURNI chưa có phương án thay thế nên phải đổi sang hàng hóa đang có sẵn để sản xuất hoặc chờ đến khi cảng tiếp nhận trở lại container nhập khẩu.
Đại diện doanh nghiệp ở Bình Dương cũng cho biết việc nhận container nhập khẩu tại các cảng khác như Cái Mép- Thị Vải tại Bà Rịa – Vũng Tàu hay cảng Hiệp Phước sẽ khiến doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí. Đơn cử như việc nhận hàng ở Cái Mép -Thị Vải doanh nghiệp sẽ mất thêm khoảng 3 triệu đồng/container vì quãng đường vận chuyển xa hơn gấp đôi. Đây là chi phí rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Đại diện doanh nghiệp này đề nghị hãng tàu và cảng cần miễn phí thời gian lưu container cho các doanh nghiệp cho đến hết thời gian giãn cách của TPHCM. Bởi vì với hàng chục container lưu tại cảng, số tiền lưu bãi tính luỹ tiến sẽ rất cao.
Đại diện cảng SP-ITC nằm trên địa bàn phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức cho biết hiện cảng vẫn có thể tiếp nhận thêm lượng hàng nhập của các tàu theo lịch dài hạn. Tuy nhiên, với các tàu đề nghị chuyển hàng nhập qua cảng SP-ITC thì cảng sẽ xem xét từng trường hợp sau khi tính toán năng lực tiếp nhận của cảng.
Đại diện của cảng SP-ITC cho biết thêm, hiện nay một số hãng tàu như Maersk Line, RCL, ONE đang tính toán để đưa hàng nhập khẩu qua cảng SP-ITC.
Để giải quyết tình trạng hàng ách tắc tại cảng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA) đã kiến nghị TPHCM cho phép lao động của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, logistics vào danh sách đối tượng được phép lưu thông trên đường đến nơi làm việc.
Nhân viên ngành logistics khi lưu thông trên đường vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch (5K), đồng thời phải đeo thẻ nhân viên, có giấy xác nhận từ doanh nghiệp, có bản photo giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp để xác nhận hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Ba giải pháp giải quyết vướng mắc tại cảng Cát Lái Cục Hàng hải Việt Nam vừa có kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải 3 nhóm giải pháp để tháo gỡ vướng mắc đối với hàng nhập khẩu tại cảng Cát Lái. Thứ nhất, tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng bằng việc đàm phán với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để thống nhất cùng chủ hàng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc sớm nhận hàng. Thứ hai, giao Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chủ động điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, container hàng xuất, container rỗng cho phù hợp để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập. Nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi; điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng; điều chỉnh thời gian tiếp nhận container hàng xuất phù hợp... Thứ ba, tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, Tân Cảng Hiệp Phước về Tân cảng Cát Lái (chủ hàng nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc cảng Tân cảng Hiệp Phước, các ICD, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình), trừ các trường hợp đặc biệt. Bên cạnh đó, làm việc với các chủ hàng, hãng tàu hạn chế số chuyến tàu hoặc giãn tiến độ nhập container hàng nhập về cảng đối với hàng nhập của các doanh nghiệp, nhà máy đang giảm quy mô và sản lượng sản xuất. |
Mời xem thêm:
Cảng Cát Lái đang quá tải, tạm ngưng tiếp nhận container nhập khẩu