Vì cần vốn để xoay xở, ông Hoàng phải kêu bán mảnh đất gần 100 m2 tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức mà ông mua hồi đầu tháng 4 với giá 7,2 tỉ đồng. Đây là mảnh đất ông Hoàng mua để đầu tư "lướt sóng" vì thời điểm đó thị trường nhà đất có dấu hiệu ấm lên và giao dịch khá tốt.
"Tôi có quen công ty BĐS khu vực này nên định mua xong sẽ ký gửi bán lại với giá tầm 7,3 - 7,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi vừa sang tên xong thì đợt dịch thứ 4 bùng phát nên tôi không nghĩ tới chuyện rao bán nữa. Mãi tới gần đây, hoạt động công ty tôi bị đình trệ vì đại dịch kéo dài, không còn tiền xoay xở nên tôi quyết định rao bán mảnh đất nhưng mấy tuần rồi mà chưa tìm được người mua. Nếu dịch bệnh còn kéo dài chắc tôi phải giảm giá sâu mới mong bán được" - ông Hoàng buồn rầu nói.
Trong khi đó, ông Bảo, chủ căn nhà 5 tầng bề thế trên đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình, TP HCM), đã rao bán căn nhà với giá 22 tỉ đồng rồi hạ xuống 20 tỉ đồng suốt 3 tháng mà không bán được. Mới đây, ông Bảo phải "nuốt nước mắt" nhìn ngân hàng siết nợ căn nhà để thu hồi khoản nợ 18 tỉ đồng mà trước đây ông đã vay để làm ăn.
Ái Thùy, nhân viên tín dụng tại ngân hàng Agribank, thừa nhận hiện có rất nhiều khách hàng thế chấp BĐS để vay vốn đang rơi vào khó khăn, bị chuyển nhóm nợ, nếu trong vòng 90 ngày mà không thanh toán lãi sẽ bị cho vào nợ xấu. Vì vậy họ phải tìm mọi cách để thanh lý tài sản nhưng trong giai đoạn mà mọi thứ đều đình trệ như hiện nay thì rất khó để bán được. Cũng theo Thùy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thế chấp BĐS để bảo đảm cho các khoản vay trên 10 tỉ đồng đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nhiều khả năng thời gian tới sẽ xuất hiện làn sóng bán tháo nhà phố, đất nền có giá trị lớn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong bối cảnh dịch bệnh, TP HCM và nhiều nơi phải giãn cách xã hội, sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, hàng quán đóng cửa đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường BĐS. Tại TP HCM, các tuyến đường lớn, đường chính từ trung tâm đến vùng ven, cũng như trên các trang mạng xuất hiện thông tin rao bán nhà đất khá nhiều, đặc biệt là nhà phố và đất nền ở những khu vực nóng sốt trước đây.
Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển cho rằng hồi đầu năm nay, nhiều kịch bản, định hướng đầu tư năm 2021 đều đưa ra các dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam với GDP từ 6% trở lên. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư dự báo hạ tầng khu Đông, khu Tây của TP HCM sẽ được đầu tư mạnh trong năm 2021 nên giá BĐS cũng như thanh khoản các khu vực này sẽ gia tăng. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế TP HCM và thị trường bất động sản cũng không ngoại lệ. Trong giai đoạn này, nhiều người mua BĐS vào thời điểm nóng sốt sau Tết nguyên đán sẽ rất lo lắng vì không bán được. Đặc biệt, với những người đang chịu áp lực tài chính có thể dẫn tới hiện tượng bán tháo để trả nợ. "Tôi đã chứng kiến nhiều người phải kêu bán nhà phố ở các khu trung tâm TP HCM, đó là những tài sản trước đây có thể cho thuê tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, ai có được thì ít khi nào muốn bán lại. Điều này cho thấy thị trường BĐS từ nay đến cuối năm sẽ khó mà sôi động được" - ông Hiển nhận định.
Xem thêm: mth.30014601220801202-nab-ohk-ohp-ahn-nen-tad/et-hnik/nv.moc.dln