Đội xe của hãng Phương Trang tập kết ở sân vận động Phú Yên sau hành trình hơn 600 km từ TP.HCM - Ảnh: PHAN NGỌC ANH
Ấy là tâm sự của chị Nguyễn Thị Lệ (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) ngay khi rời khỏi "chuyến xe màu lửa" của hãng Phương Trang. Chị Lệ nước mắt chảy dài. Chưa lần nào về quê mà chị có cảm giác nương náu và xúc động như lần này.
Nương náu quê nhà
"Tôi đăng ký hai lần mới được duyệt danh sách và bố trí xe miễn phí để về. Tôi sợ ở lại lúc này, bữa đói bữa no và luôn phải chờ đợi được phân phát thực phẩm. Ở lại chắc chắn là không chết đói được, Sài Gòn không để người lao động thiếu ăn nhưng mình có nơm nớp lo lắng về tương lai: trong dịch và sau dịch", chị Lệ phân trần về lý do quay về của mình.
Chính chị Lệ cũng không ngờ, chuyến xe mình được bố trí hồi hương lại tươm tất, vượt ngoài tưởng tượng của chị.
Người dân mừng rỡ gọi điện thoại về thông báo với người nhà sau khi được lên "chuyến xe màu lửa" đưa người hồi hương - Ảnh:G.T
"Mỗi lần về quê tôi thường nhảy xe đò, xe chở người và hàng chung. Giữa lúc dịch dã, tôi tưởng tượng mình sẽ rời Sài Gòn trên chuyến xe cũ kỹ, cà tàng nào đó và bến xe lộn xộn như mấy ngày cận Tết. Vì dịch mà, không trách được, miễn là được về nhà. Nhưng đón đoàn chúng tôi là xe giường nằm sạch sẽ, mọi người làm thủ tục lên xe trật tự. Đây là chuyến xe tốt nhất mà một công nhân như tôi từng được đi", chị Lệ kể.
Hành khách rời TP.HCM về quê phòng dịch trong trật tự và bảo hộ kỹ - Ảnh: G.T
Đêm ngày 1-8, sau hành trình 500 km từ TP.HCM, đoàn xe 25 chiếc đã về đến Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Đoàn xe rất dài vẽ thành một vệt cam trên đường phố Nha Trang. Xe đi chậm rãi, không còi vì cả đoàn thống nhất trong giờ giới nghiêm không làm phiền hoặc khiến người dân có cảm giác bất an.
500 sinh viên trên xe được đánh thức để chuẩn bị rời khỏi giường ngủ và chuẩn bị thực hiện các thủ tục kiểm dịch của tỉnh Khánh Hòa. Nữ sinh viên Trần Ngọc Minh (ĐH Văn Lang TP.HCM) cho biết em ở trọ tại quận Gò Vấp.
"Lúc chưa bùng dịch, đi học nhiều nên không thấy bức bí giữa 4 bức tường nhà trọ. Từ khi bùng dịch, Minh luôn thấy áp lực. Sự ngột ngạt của căn phòng trọ nhỏ, tối giữa TP.HCM đã khiến Minh vỡ òa khi không những được về quê mà còn có xe đưa đón", Minh nói.
Sinh viên Khánh Hòa về quê được tiếp đón thân tình và được phân bố về điểm cách ly sau khi thực hiện các thủ tục phòng dịch - Ảnh: G.T
"Mình chỉ lo đồ đạc cá nhân thôi, việc di chuyển từ nhà đến Nhà văn hóa Thanh Niên rồi từ đó lên xe về quê đều được lo chu đáo. Em muốn về nhà đến nỗi ngày nào cũng nôn nóng.", Minh cho biết.
Có mặt tại điểm đón sinh viên hồi hương, Chủ tịch UBND Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết: "Có khoảng 1.200 sinh viên đăng ký về quê. Số còn lại tỉnh đã có kế hoạch nhưng dịch bệnh đang căng thẳng nên phải chờ. Tỉnh cũng đã chuyển kế hoạch này đến hãng xe Phương Trang để chuẩn bị điều phối xe hỗ trợ."
"Bác tài, anh có sợ COVID-19?"
Đó là câu hỏi khiến tài xế Nguyễn Phúc Bắc của hãng xe Phương Trang đang thực hiện nhiệm vụ đưa người dân về các tỉnh miền Trung "ám ảnh". Câu hỏi từ một người dân trên chuyến xe hồi hương có ý nghĩa sẻ chia nhưng nó khiến anh nghĩ đến rủi ro mình đang đối mặt.
Anh cười với người hỏi và im lặng lái xe. Khi kết thúc chuyến xe anh mới phân trần: "Thực lòng mà nói cả đội xe không ai không sợ COVID-19, ai chẳng biết cái ghê gớm của nó. Có ai không thể trở thành nạn nhân đâu? Chúng tôi lại là trụ cột gia đình, lỡ có chuyện gì thì…", anh Bắc bỏ lỡ câu nói.
Rồi anh trầm ngâm nói tiếp: "Chúng tôi là tài xế, có lẽ lúc này là lúc lương tâm nghề nghiệp bị thử thách nhiều nhất. Chúng tôi muốn được góp sức chia sẻ, giúp đỡ người dân khó khăn về đến quê nhà."
Tài xế hãng xe Phương Trang đã tiêm vắc xin, xét nghiệm tầm soát COVID-19 theo quy trình để được lái xe đưa người dân về quê - Ảnh: G.T
Phú Yên có kế hoạch đưa 8.500 người dân về quê. Khánh Hòa chuẩn bị phương án đón 1.200 người ở các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Nam. Các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Trung đều đang chuẩn bị đón hàng chục ngàn người dân hồi hương.
Nếu không có gì thay đổi thì các kế hoạch này sẽ diễn ra. Thủ tướng chỉ đạo không để người dân tự ý rời nơi cư trú nếu không có sự cho phép, tiếp ứng của chính quyền địa phương. Do đó các tỉnh đang ráo riết phối hợp với TP.HCM để đưa những người dân có nhu cầu hồi hương và thuộc nhóm "yếu thế" về quê nhà một cách trật tự, đảm bảo các yếu tố phòng dịch.
Các kế hoạch này công ty Phương Trang đều tham gia cung ứng chuyến xe miễn phí, dự kiến ban đầu sẽ cung cấp 5.000 chiếc xe. Và con số này sẽ còn tiếp tục tăng tùy theo kế hoạch đón dân của các tỉnh.
Để đảm bảo an toàn khi xuất bến, CSGT TP.HCM đã cử xe dẫn đường đưa đội xe chở người dân Bình Thuận ra khỏi địa phận TP.HCM - Ảnh: G.T
"Chính phủ chỉ đạo không được để ai ở lại phía sau và chúng tôi xem đây là định hướng cho hành động của toàn đội xe trong giai đoạn cao điểm chống dịch. Các tỉnh cần đón người dân hồi hương sẽ có chúng tôi tiếp ứng một cách vô tư", ông Đào Viết Ánh - phó tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines cho biết.
Trước đó, từ ngày 26-7 đến 01-08, có 800 bà con Phú Yên, 906 bà con Bến Tre và 100 bà con Bình Thuận đã lên đường về lại quê nhà trên những "chuyến xe màu lửa" của Phương Trang. Đa số đều là công nhân, người lao động, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Ánh chia sẻ thêm: "Cảm ơn các tỉnh đã kịp thời có kế hoạch đón dân và hỗ trợ đội xe của Phương Trang hoàn thiện các thủ tục để được cùng đưa đón bà con về quê miễn phí, an toàn".
Xem thêm: mth.44821425120801202-gnouh-ioh-hnit-aihgn/nv.ertiout