Mới đây trong báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2021, bên cạnh những thông tin về hoạt động kinh doanh, Thế giới di động cho biết tất cả nhân sự từ cấp giám đốc trở lên tự nguyện không nhận thù lao để bảo vệ việc làm cho toàn thể nhân viên.
"Khi hoạt động kinh doanh của MWG bị tác động lớn, điều tốt nhất mà Công ty có thể làm là nỗ lực bảo vệ việc làm cho tất cả nhân viên. Toàn bộ nhân sự từ cấp giám đốc trở lên tự nguyện làm việc mà không nhận thù lao nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng lên nhóm nhân viên có thu nhập thấp, triển khai việc điều chỉnh giảm thu nhập theo nguyên tắc "thu nhập càng cao thì điều chỉnh giảm càng nhiều" nhưng không áp dụng đối với nhân viên khối kinh doanh (nhóm được ghi nhận thu nhập theo doanh thu và điểm phục vụ)”, báo cáo cho biết.
Vậy nếu các nhân sự cấp cao tại Thế giới di động không nhận thu lao thì sẽ sống bằng gì? Còn nhớ trong buổi chia sẻ về xây quản trị kinh doanh, chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài từng nói về điều này.
Khái niệm thủy thủ đoàn tàu đánh cá
Thuật ngữ người lao động và người sử dụng lao động là từ phổ biến trong giới kinh doanh và quản trị. Tuy nhiên ông Tài cho biết Thế giới di động định nghĩa lại điều này từ năm 2009. Theo đó tại tập đoàn này không có người lao động, người sử dụng lao động mà chỉ có một thủy thủ đoàn 50.000 người (thời điểm năm 2019) cùng ra khơi đánh cá và cùng chia sẻ thành quả.
“Ở đây chả ai sử dụng ai hết. Anh cũng như các bạn cũng như thủy thủ đoàn trên tàu này không ai sử dụng ai trên tàu này. Nhiệm vụ của ông thuyền trưởng là đảm bảo con tàu đi đúng lộ trình. Nhiệm vụ của chị bếp là nấu ăn để thủy thủ đoàn có được những bữa ăn dinh dưỡng và ngon miệng. Nhiệm vụ của anh thợ máy là bảo đảm máy móc nó chạy, đừng có giữa đường chết máy. Mỗi người mỗi việc trên con tàu này. Tất cả những thứ chúng ta định nghĩa người lao động, người sử dụng lao động là nhầm lẫn, sai lầm”, ông Tài nhấn mạnh.
Vậy sau khi một con tàu đánh cá ra khơi sau một thời gian thì sẽ chia sẻ mẻ cá đó như thế nào? Theo ông Tài, có 2 nhóm người sẽ được chia sẻ bao gồm: Những nhà đầu tư và nhóm thủy thủ đoàn. Nhà đầu tư là người bỏ tiền ra mua con thuyền đánh cá. Nhóm thứ 2 là toàn bộ thủy thủ đoàn trên con thuyền.
Ông Tài giải thích thêm về khái niệm này để nhấn mạnh rằng nếu mà công ty hoạt động tốt, tạo ra kết quả thì đội ngũ lãnh đạo cam kết dành 1 phần của lợi nhuận để chia sẻ cho tất cả mọi thành viên. Chủ tịch Thế giới di động lấy ví dụ chứng minh rằng tập đoàn này không quan tâm việc một người giám đốc tiếp thị vào thời điểm đó thị trường đang trả 2.000 USD/tháng. Nhưng nếu công ty tạo ra kết quả, năm đó Thế giới di động có được 300 tỷ đồng để chia sẻ thì giám đốc tại đây sẽ nhận 3% hay 5% trong 300 tỷ đó. Thế giới di động không quan tâm thị trường đang trả vị trí đó là bao nhiêu bởi đây là khái niệm chia sẻ thành quả, không phải khái niệm trả cho sức lao động.
“Mua bán chúng tôi mới nói về định giá hàng hóa, cái hàng này đáng giá bao nhiêu. Tôi trả nó bao nhiêu, cùng lắm tôi trả cao hơn một chút để dụ bạn từ chỗ khác về đây. Chúng ta đâu có nói chuyện về giá cả của hàng hóa đâu. Thành ra Thế giới di động không tham gia vào tất cả các cuộc so sánh về lương bổng này kia. Có thời điểm báo đăng thưởng nhiều nhất thuộc về một công ty nước ngoài trên 1 tỷ đồng thì Thế giới di động đã thưởng nhân viên mình 3 tỷ rồi”, ông Tài cho biết.
Cách chia sẻ mẻ cá thu hoạch
Tất nhiên trong một thủy thủ đoàn, mỗi người mỗi việc, có chị đầu bếp, có anh thợ máy, có anh hoa tiêu, có anh thuyền trưởng. Tương tự trong doanh nghiệp có nhân viên, giám đốc bán hàng và sẽ có cách chia sẻ khác nhau. Cơ cấu thu nhập của họ luôn luôn gồm 2 phần phần chắc chắn và phần không chắc chắn.
Phần chắc chắn đối với nhân viên siêu thị sẽ chiếm tỷ lệ rất lớn. Phần không chắc chắn tưởng thưởng 1 năm mới có 1 lần tính về tỷ trọng thì rất nhỏ so với phần chắc chắn. Ngược lại càng lên vị trí cao, phần chắc chắn tỷ trọng nhỏ trong khi phần không chắc chắn thì cực lớn.
“Nó lớn đến mức nhiều khi các bạn không tưởng tượng nổi. Ông giám đốc lãnh có 100 triệu/tháng thôi nhưng cuối năm ESOP của ông có thể lên đến chục tỷ, 15 tỷ, 20 tỷ. Các bạn tưởng tượng 100 triệu nghĩa là 1 năm thu nhập của họ khoảng 1,2 tỷ thôi nhưng phần mỗi năm mới có và không chắc chắn, trong tương lai mới hình thành,... có thể lên 10-20 tỷ. Nghĩa là phần chắc chắn chỉ chiếm 1/20 thôi”, ông Tài phân tích thêm.
Đối với nhân viên, ông Tài cho biết họ cần biết chắc mỗi ngày đi làm bao nhiêu giờ công, thưởng ra sao,... Nhưng ngay cả phần không chắc chắn mặc dù là tỷ trọng nhỏ nhưng không có nghĩa là không đáng kể. Lấy ví dụ ngay bản thân mình khi còn đi làm tại một công ty nước ngoài, giai đoạn vinh quang nhất ông Tài được thưởng 4 tháng lương. Nhưng nhân viên kế toán của Thế giới di động một vài năm gần đây, nếu thực sự được đánh giá nằm trong nhóm A+ (xuất sắc) thì các người được nhận tới 9 tháng thu nhập. Mức thu nhập này không hề thấp mà có thể bên ngoài.
Không chỉ ông Tài, CEO Thế giới di động Đoàn Văn Hiểu Em hồi tháng 5 mới đây cũng khẳng định rằng làm việc tại tập đoàn này được tưởng thưởng xứng đáng với thành quả mang lại.
“Có thể lương, thưởng hàng tháng của tôi không quá thú vị, chỉ bằng hoặc thấp hơn thị trường nhưng khi kết quả chung cả tập đoàn đạt được, TGDĐ có chính sách ESOP, tưởng thưởng trên thành quả đó, bằng cổ phiếu hoặc thưởng cuối năm. Nhân viên có thể nhận thưởng 3-5, thậm chí 9-10 tháng lương. Cộng lại một năm quy đổi, mức thu nhập của nhân viên TGDĐ hơn nhiều so với thị trường”, CEO này cho biết.
Cổ phiếu ESOP được xem là "bí kíp" cho sự phát triển của Thế giới di động. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài chia sẻ, chính sách ESOP là yếu tố giữ chân nhân viên trước những lời dụ dỗ từ đối thủ cạnh tranh. Chính sách ESOP có thể tồn tại trong nhiều năm. Nếu cảm thấy bực bội với chính sách này, quý cổ đông nên cân nhắc có nên đầu tư vào MWG hay đầu tư vào một cổ phiếu khác có thể mang lại cho quý cổ đông hai thứ quan trọng là tiền và niềm vui. Ngoài kia còn rất nhiều cổ phiếu và doanh nghiệp không chia ESOP. Đây là một lời đề nghị rất chân thành”, ông Tài nhấn mạnh.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị