Trên số báo ngày 31-7, Pháp Luật TP.HCM đã có chuyên đề liên quan đến giải pháp giảm tải tuyến đầu, cứu trợ khẩn cấp người dân. Cùng đó là cần kíp những quyết định thay đổi chính sách ngay, thực tế cho các đội nhóm đang thực hiện từ thiện. Bởi việc thiện nguyện cấp bách giữa đại dịch không phải là câu chuyện như các chương trình thiện nguyện đơn thuần đang được quy định trên giấy.
Vào ngày 2-8, tại cuộc trực tuyến với các quận huyện và TP Thủ Đức về công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19; ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã thông tin về việc Thường trực Thành ủy TP.HCM đã có kết luận thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ cấp phát nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân ở 3 cấp gồm: Cấp thành phố; cấp quận, huyện và cấp phường, xã.
Cùng đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM sẽ hỗ trợ cấp giấy đi đường các cá nhân, tập thể hoạt động thiện nguyên và thủ tục cấp giấy được hoàn thiện trong 4 giờ kể từ khi đăng ký.
Pháp Luật TP.HCM xin tiếp tục gửi đến một số ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đang trực tiếp tham gia các công tác hỗ trợ, cứu trợ, góp ý cho TP.HCM giữa đại dịch này với mong muốn sự hỗ trợ cần được thúc đẩy nhanh hơn nữa.
Các nhóm thiện nguyện tại TP.HCM giúp đỡ hàng trăm ngàn người dân TP trong những ngày đại dịch. Ảnh: Một nhóm thiện nguyện giúp đỡ người vô gia cư. Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN
Chiến lược 3 tập trung chống dịch khẩn cấp tại TP.HCM (Bà Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều), nhà sáng lập Quỹ Sống – Sống Foundation)
Quỹ Sống Foundation đã gửi đề xuất Chiến lược 3 tập trung chống dịch khẩn cấp tại TP.HCM đến Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP.HCM. Chiều ngày 2-8, Quỹ cũng có buổi họp chia sẻ chiến lược với UBMTTQ TP.HCM.
Bà Phạm Thị Hương Giang, Quỹ Sống đề xuất chiến lược ba tập trung.
Ảnh: NVCC
Chúng tôi làm chiến lược chung này từ sự đề xuất của TS. Vũ Thành Tự Anh, Tổ trưởng Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP.HCM. Cùng đó, từ đầu đợt dịch đến nay quỹ vẫn triển khai việc cứu trợ thực phẩm khắp TP.HCM cũng như hỗ trợ thiết bị y tế toàn quốc và tập trung vào TP.HCM. Tuy nhiên, trong quá trình thực tế vận hành, chúng tôi nhận thấy TP thiếu một chiến lược cơ bản làm sao để người dân được an toàn và yên tâm ở nhà.
Trong Chiến lược 3 tập trung chống dịch khẩn cấp tại TP.HCM, tôi mong lấy người dân làm trung tâm với mục tiêu đảm bảo người dân an tâm ở nhà, tuân thủ chính sách của TP. trong phòng chống dịch. Từ đó, TP tập trung chống dịch, giảm tải dần cho hệ thống y tế.
Chiến lược 3 tập trung sẽ chú trọng ba vấn đề mà thời điểm khủng hoảng bất cứ ai cũng cần đó là: Hệ thống y tế được chăm sóc đủ, hỗ trợ thực phẩm và thông tin nhất quán. Nếu ba điều này được đáp ứng thì người dân sẽ được yên tâm, tin tưởng không phải lo sợ lao ra đường kiếm sống.
Mô hình đề xuất cứu trợ khẩn cấp ứng phó COVID-19 tại TP.HCM với người dân làm trung tâm. Làm sao người dân yên tâm ở nhà với chăm sóc y tế, lương thực... Ảnh: Quỹ Sống cung cấp
Tôi cũng đã gửi mô hình Cứu trợ khẩn cấp ứng phó COVID-19 tại TP.HCM đến tổ tư vấn. Mục tiêu mô hình này vẫn là người dân nhận được sự trợ giúp thiết yếu, an tâm ở nhà. Ở đó, về việc tài chính: Mọi nguồn lực, tài chính được tập trung từ tất cả các tổ chức, cá nhân, công – tư, trong và ngoài nước; phương pháp giải ngân các khoản ngân sách cứu trợ của chính phủ dành cho thành phố thông qua UBMTTQ, sự phối hợp giữa UBMTTQ và các nguồn quỹ thông suốt. Đơn cử như Sống Foundation của chúng tôi, có thể có sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, nhưng vướng quy định tại Nghị định 80 (Nghị định số 80/2020 về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam - PV) là trên 200.000USD (khoảng hơn 4,5 tỷ đồng) phải thông qua Bộ Nội vụ hoặc Uỷ ban mặt trận tổ quốc.
Bên cạnh vấn đề minh bạch tài chính, nguồn hỗ trợ, kế hoạch triển khai điều phối thực phẩm thiết yếu, truyền thông… tôi cũng đã có đề xuất cụ thể. Lĩnh vực truyền thông thì ngoài các kênh báo, đài thì các nhóm zalo, facebook cư dân địa phương phát huy rất tốt; các hotlive tiếp nhận, hỗ trợ tại địa phương… Việc điều phối thực phẩm không khó khi chia các đội điều phối, kho, vận chuyển… từ cấp TP đến phường, xã…Chính năng lực địa phương: Dân phòng, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ… sẽ nắm chi tiết và thực hiện tới từng hộ dân.
Trạm cứu tế cộng đồng, Trạm cứu tế y tế (PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội – Social Life)
Trong đợt khảo sát mới nhất vào tháng 7 vừa qua, chúng tôi nhận thấy, ở khu phố, chung cư nào mà khâu “truyền thông nội bộ” được tổ chức tốt, chia sẻ nhiều hình ảnh, thông tin tương trợ nhau, thông báo tình hình cần hỗ trợ hoặc dư thừa lương thực để đùm bọc nhau thì nơi đó người dân thêm phần an tâm chống dịch. Về khía cạnh quản lý, đây là điểm quan trọng để chính quyền giữ đầu mối liên kết, nắm bắt các phản ứng chống dịch của người dân.
Chính từ đó, cùng ý kiến của nhóm chuyên gia, nghiên cứu khảo sát người dân... thì Viện cũng đã gửi đến Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM vào ngày 26-7 vừa qua Đề xuất giải pháp tổ chức các Trạm cứu tế cộng đồng. Trong đó ngoài đề xuất vế chính sách, chúng tôi cũng đề xuất mô hình thực địa là Trạm cứu tế cộng đồng.
Nhóm PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đề xuất mô hình Trạm cứu tế cộng đồng. Ảnh: NVCC
Hiện nay các tổ COVID-19 cộng đồng hoạt động hiệu quả trong truy vết “đi từng ngõ gõ từng nhà”, nên tôi đề xuất mô hình các Trạm cứu tế cộng đồng cần dựa vào hệ thống tổ COVID-19 cộng đồng.
Tổ COVID-19 cộng đồng sẽ rà soát, thu thập thông tin cần cứu trợ (chúng tôi có hướng dẫn mẫu phiếu đề nghị hỗ trợ), lên danh sách cần cứu trợ hàng tuần và gửi thông tin trực tiếp đến cho các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tôn giáo (để kêu gọi hỗ trợ), Mặt trận tổ quốc (để nắm tình hình).
Theo đó, Trạm cứu tế cộng đồng có hai mô hình. Thứ nhất, Trạm cứu tế cộng đồng đặt tại các tổ dân phố giải quyết tiếp nhận nhu yếu phẩm, các loại thuốc men phổ biến từ các mạnh thường quân. Yêu cầu của trạm này là kho chứa và nhân sự: Mỗi tổ dân phố cần bố trí 1-2 kho (có thể ở nhà văn hóa); cần 1 – 2 người của tổ COVID-19 cộng đồng và 1 – 2 nhân viên, tình nguyện viên công tác xã hội để nhận hàng, phân phối, vận chuyển (chúng tôi có mẫu giao nhận và kiểm kê hàng hóa kèm theo để lưu trữ hồ sơ hậu kiểm).
Thứ hai, Trạm cứu tế y tế dành cho việc cung cấp trang thiết bị y tế cho các khu cách ly, điều trị, bệnh viện dã chiến. Hàng hoá tiếp nhận của trạm này là trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, hỗ trợ tài chính từ các mạnh thường quân. Với các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, thu dung thì không lo kho chứa nhưng trong tình hình dịch bệnh sẽ không thể yêu cầu bác sĩ, nhân viên y tế đi nhận hàng cứu trợ như hiện nay. Nên cần người của tổ COVID cộng đồng tại địa phương và nhân viên, tình nguyện viên công tác xã hội để nhận hàng, phân phối, vận chuyển (chúng tôi có mẫu giao nhận và kiểm kê hàng hóa kèm theo để lưu trữ hồ sơ hậu kiểm). Các tình nguyện viên cần được tiêm vaccine và tập huấn quy trình giao nhận đảm bảo nguyên tắc dịch tễ học.
Nếu chúng ta không tổ chức được quy trình cứu tế cộng đồng tốt, thì sẽ phải cần tới nhiều triệu mét khối oxy và nhiều máy thở, như bài học ở những nơi từng để vỡ trận như các đô thị của Ấn Độ, Brazil mà đến nay vẫn khủng hoảng. Hơn bao giờ hết TP cần hiệu triệu lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng để chung tay cùng TP.
Hai em bé lang thang bán kẹo khi mẹ đã nhiễm COVID-19 đi cách ly. Ảnh: Phạm Trường Sơn cung cấp
Nên có một “trạm trú ẩn 0 đồng” cho người vô gia cư? (Ông Phạm Trường Sơn, Phó chủ tịch Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam)
Ngày 31-7, một tình nguyện viên đi cứu trợ phát hiện hai bé bán kẹo lang thang trên một cây cầu ở quận 1. Tình nguyện viên hỏi thì biết mẹ hai em là F0 đã vào khu cách ly, hai em cũng sống lang thang ngoài đường cùng cha dượng. Tình nguyện viên báo về tôi để xin gửi hai em vào mái ấm. Tôi đã liên lạc Hội Bảo vệ quyền trẻ em để hội hỗ trợ. Bởi ngay việc đưa các em vào mái ấm sẽ rất khó về quy trình, thủ tục lẫn sự an toàn cho mái ấm. Các em phải thông qua quy trình kiểm tra y tế, rồi báo các địa phương… Chưa kể đến nếu các em là F1 trực tiếp khả năng chuyển thành F0 thì việc vào một mái ấm sẽ rất nguy hiểm cho những người đang ở trong mái ấm đó.
Ông Phạm Trường Sơn, Phó chủ tịch Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam.
Ảnh: NVCC
Hai em này sẽ chỉ là một trong vô vàn những trường hợp F1 trực tiếp hoặc F0 lang thang mà TP. đang và sắp phải đối diện. Đây là lúc chúng ta nên nghĩ đến một “trạm trú ẩn 0 đồng” do các mạnh thường quân hỗ trợ. Ở đó có sự quản lý của địa phương về y tế với đầy đủ chức năng an toàn chống dịch theo đúng quy trình, hỗ trợ các gia đình neo đơn, vô gia cư có người thân bị đưa đi cách ly, bản thân họ là F1 trực tiếp… Trạm trú ẩn sẽ là một mô hình hỗ trợ tạm thời khi thân nhân của người neo đơn, vô gia cư… hết cách ly, điều trị.