Không có khái niệm nghỉ ngơi trong mùa dịch
Những ngày dịch bệnh căng thẳng cũng là những ngày "toàn dân ở nhà", trẻ em được nghỉ hè dài hạn và người lớn tạm nghỉ ngơi để đảm bảo an toàn trước con sóng dữ. Nhưng cùng với đó, cũng có những lực lượng không nằm trong danh sách ngành nghề thiết yếu vẫn đang làm việc với cường độ cao trong mùa dịch. Đó chính là những nhân viên quản lý vận hành tòa nhà chung cư trên địa bàn các thành phố lớn.
Theo số liệu của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, năm 2019, thành phố có tổng 1.440 nhà chung cư với 141.062 căn hộ, đồng nghĩa với hàng trăm ngàn cư dân cần được phục vụ, bảo vệ. Hiện tại sau 2 năm phát triển, con số này còn tăng trưởng lớn hơn, và đòi hỏi nhiều nhân sự quản lý tòa nhà hơn để có thể kiểm soát trị an, trật tự cũng như sức khỏe mùa dịch.
Với số lượng dân cư đông đảo, san sát tập trung, các chung cư lớn dễ trở thành điểm dịch nóng nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ, phòng ngừa đúng đắn. Những lúc này, không thể thiếu bàn tay của những nhân viên quản lý tòa nhà, lực lượng sắp xếp mọi thứ theo đúng trật tự tại các chung cư.
Công tác vệ sinh được quan tâm trong mùa dịch
Tìm hiểu tại một dự án chung cư của Công ty Tư vấn, Quản lý và Khai thác Bất động sản Savista, nhân viên quản lý ở đây phải làm việc hết sức lực mới đáp ứng kịp khối lượng công việc khổng lồ hàng ngày. Nếu các ngành dịch vụ khác, mùa dịch sẽ dễ thở hơn vì khách hàng ít thì ngành quản lý vận hành chung cư ngược lại. Người dân ở nhà càng nhiều dẫn đến nhiều vấn đề cần phải xử lý hơn. Trong khi đó, số lượng nhân viên bị cắt giảm do dính phong tỏa, giãn cách, không thuê được nhân sự ngoài khiến cho áp lực đè nặng lên các nhân viên đang hoạt động.
Mong muốn được quan tâm hơn
Đã mấy tháng qua, nhiều nhân viên của Công ty Savista không được về nhà vì ở lại dự án, ăn ngủ thiếu thốn ngay tại các phòng cộng đồng của chung cư. Điều này cũng bất khả kháng vì công việc nhiều, nguy cơ nhiễm bệnh cao, không được cấp phép đi lại khiến nhiều người phải ở lại.
Khác với công việc những ngày bình thường, mùa dịch các nhân viên ban quản lý tòa nhà phải làm thêm rất nhiều việc khác. Ban quản lý là cánh tay đắc lực của UBND địa phương để kiểm soát số lượng cư dân, theo dõi những người đi về từ vùng dịch và tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng dịch cho người dân. Đối với những trường hợp phải cách ly y tế, nhân viên tòa nhà cũng là những người kiểm tra và hỗ trợ đưa thực phẩm, thuốc men. Các nhân viên quản lý vận hành cũng là người hỗ trợ vận chuyển hàng hóa tiếp tế, mở các phiên chợ 0 đồng cho cư dân.
Công tác phun xịt khử khuẩn hàng ngày
Khó khăn và cần thiết nhất là các công tác kỹ thuật. Đường ống nước, hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy luôn cần theo dõi, nhất là trong những ngày người dân ở nhà nên gặp nhiều sự cố. Rác thải cũng phải nhanh chóng xử lý theo quy định, phun khử khuẩn hàng ngày để đảm bảo môi trường sạch sẽ trong lành. Các nhân viên vệ sinh thường xuyên lau chùi tại các vị trí thường tiếp xúc thường xuyên như: tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can, bảng điều khiển thang máy…
Các nhân viên kỹ thuật cũng phải xử lý nhiều vấn đề hơn trong mùa dịch
Tuy tiếp xúc với nhiều người hàng ngày nhưng lực lượng quản lý vận hành lại không nằm trong đối tượng ưu tiên để tiêm vắc xin Covid hay hỗ trợ tạo điều kiện đi lại. Những điều này khiến người lao động trong ngành này cảm thấy bất an, và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cho người dân tại các chung cư. Hạn chế về việc di chuyển cũng khiến các doanh nghiệp không thể điều động nhân viên bổ sung hỗ trợ đến những chung cư đang thiếu nhân lực.
Chị Vũ Thị Thanh Thúy - Giám đốc Điều hành dịch vụ quản lý vận hành của Công ty Savista đại diện phát biểu nguyện vọng của hầu hết người lao động trong ngành: "Khó khăn về khối lượng công việc chúng tôi có thể vượt qua. Chỉ mong Nhà nước và các ban ngành Chính phủ quan tâm hơn đến công việc và đời sống của lực lượng nhân viên quản lý tòa nhà. Và quan trọng nhất là sớm được tiêm vắc xin để đảm bảo an toàn cho cả người lao động và cư dân trong mùa dịch diễn biến phức tạp này".
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế