Agribank: Tăng trưởng lợi nhuận song hành cùng nợ xấu
Hoàng Thắng
(KTSG Online) - Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước, nhưng dư nợ xấu nội bảng cũng tăng 13,5% so với thời đầu năm.
Thu nhập lãi thuần của Agribank trong 6 tháng đầu năm tăng gần 30% so với cùng giai đoạn năm trước. Ảnh minh hoạ: H.Thắng. |
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã công bố báo cáo tài chính riêng lẻ nửa đầu năm 2021 với thu nhập lãi thuần ở mức 25.973,1 tỉ đồng, tăng 29,1% so với cùng gia đoạn năm trước nhờ sự gia tăng của khoản lãi cho vay với khách hàng và giảm chi phí lãi tiền gửi.
Với các khoản thu ngoài lãi, mảng dịch vụ mang về 2.527,2 tỉ đồng lãi thuần, tăng 22,1% nhờ sự tăng trưởng doanh thu của các dịch vụ thanh toán. Hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối mang về 758,6 tỉ đồng, tăng 29,7%. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư mang về cho ngân hàng 20,7 tỉ đồng, chủ yếu là tiền hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán.
Ngoài ra, lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác ghi nhận ở mức 4.294 tỉ đồng, tăng gần 60%. Còn nguồn thu từ cổ tức của ngân hàng là 7,8 tỉ đồng, giảm 62,6%.
Những nguồn thu này giúp tổng thu nhập hoạt động của Agribank đạt hơn 33.581 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng gần 32%.
Về chi phí, ngân hàng ghi nhận 11.466,7 tỉ đồng chi phí hoạt động, giảm 5,9% so với cùng giai đoạn năm trước nhờ giảm chi lương và phụ cấp cho nhân viên. Kết quả, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng đạt mức 22.114,6 tỉ đồng, tăng 66,5%.
Agribank cũng đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm 2021 với giá trị 12.650,3 tỉ đồng, tăng gần 50% với cùng giai đoạn năm 2020.
Vì vậy, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ còn 9.464,3 tỉ đồng, cao hơn 40% so với cùng giai đoạn năm trước. Còn lợi nhuận sau thuế của Agribank là 7.572,8 tỉ đồng, cao hơn gần 40%.
Về nguồn vốn, tổng nguồn vốn của ngân hàng đạt mức 1,621 triệu tỉ đồng, tăng 3,5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vốn điều lệ của ngân hàng là 34.233 tỉ đồng tính tới 30-6, tăng hơn 3.500 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm - sau khi được Chính phủ thông qua phương án cấp bổ sung vốn vào năm ngoái.
Tiền gửi khách hàng của Agribank vượt mức 1,467 triệu tỉ đồng, tăng 4,2% nhờ sự tăng trưởng của tiền gửi có kỳ hạn. Còn dư nợ cho vay khách hàng là hơn 1,23 triệu tỉ đồng, tăng 1,6%.
Đáng chú ý, dư nợ xấu nội bảng của Agribank ở mức 24.419 tỉ đồng tính tới 30-6, tăng 13,5% so với thời điểm đầu năm. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) ở mức 5.211 tỉ đồng - tăng gần 90%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) ở mức 4.906 tỉ đồng – tăng gần 100%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) ở mức 14.311 tỉ đồng – giảm 12,5%.
Kết quả, tỷ lệ nợ xấu của Agirbank ghi nhận mức 1,98% tính tới 30-6-2021, trong khi con số này chỉ là 1,78% ở thời điểm đầu năm. Nhưng nhờ nâng giá trị dự phòng rủi ro cho vay lên mức 32.074 tỉ đồng – cao hơn tăng 34,3% so với đầu năm nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng đã tăng đã đạt mức 131%.
Với hoạt động quản lý công ty con và công ty liên kết, Agribank đã đầu tư hơn 294 tỉ đồng vào Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính II (ALC II), nhưng doanh nghiệp này đã phá sản và chấm dứt hoạt động, nên phải trích lập dự phòng 100% vốn đầu tư, theo Kiểm toán Nhà nước.
Cơ quan kiểm toán cũng cho rằng, Agribank phải chịu trách nhiệm về khoản tổn thất phải bồi thường cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam với số tiền trên 862,6 tỉ đồng do ngân hàng này bảo lãnh cho ALC II, theo phán quyết của Tòa án.
Hiện ALC II không còn thoả mãn điều kiện là công ty con của Agribank. Vì vậy ngân hàng đã dừng hợp nhất báo cáo tài chính của ALC II vào báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng và các công ty con, theo văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Xem thêm: lmth.uax-on-gnuc-hnah-gnos-nauhn-iol-gnourt-gnat-knabirga/611913/nv.semitnogiaseht.www