Nhiều hộ dân ở huyện Hương Khê tình nguyện nhường nhà cho bà con miền Nam về quê cách ly - Ảnh: NGỌC THẮNG
Hà Tĩnh là địa phương có lượng người từ miền Nam về quê tránh dịch rất lớn, do vậy khu cách ly tập trung một số nơi quá tải.
Tại huyện Hương Khê, số người đăng ký về quê trong đợt này là gần 2.000 người. Tuy nhiên, toàn huyện hiện chỉ bố trí được 5 khu cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận tối đa là 319 công dân. Chính vì vậy, huyện đã cho phép người dân cách ly tại nhà, số lượng từ 1 đến 3 người một nhà.
Ngoài việc bà con từ miền Nam về cách ly tại nhà riêng, nhà người thân, vẫn có khá nhiều người điều kiện cơ sở vật chất không cho phép như không có nhà cửa, nhà cửa xuống cấp hoặc quá đông thành viên nên đã nhờ chính quyền nơi mình sinh sống giúp đỡ. Chính quyền thông tin với người dân, nhiều người đã tình nguyện nhường nhà của mình để làm nơi cách ly cho bà con ở xa về.
Anh Trần Hữu Linh (30 tuổi, ở xóm 8, Hương Long) tình nguyện nhường nhà, chuẩn bị các đồ dùng thiết yếu cho bà con từ miền Nam về sử dụng - Ảnh: NGỌC THẮNG
Ông Hồ Sỹ Quân (60 tuổi, trú thôn 8, xã Hương Long, huyện Hương Khê) tình nguyện nhường nhà mình cho đồng hương về cách ly. Ông chia sẻ, việc làm của mình nhằm giúp đồng hương có chỗ cách ly ổn định. Mọi vật dụng cần thiết trong nhà đều đã được chuẩn bị sẵn cho bà con sử dụng.
Ông Trần Văn Tiều (58 tuổi) - bí thư chi bộ thôn 8 - cho biết thôn có 135 hộ dân thì 90% hộ tình nguyện nhường nhà của mình để cho bà con về cách ly.
"May mắn khi trao đổi vấn đề này, người dân đều vui vẻ nhường nhà của mình cho bà con về ở và cách ly, họ sẽ tạm thời sang nhà anh em họ hàng gần đó sống. Trong xóm đã có 3 gia đình từ miền Nam trở về cách ly trong ngôi nhà của hàng xóm nhường. Khi bà con cách ly đủ 14 ngày, chủ nhà sẽ quay trở về", ông Tiều nói.
Tổ trực chốt trước cửa nhà một gia đình từ miền Nam về đang cách ly - Ảnh: NGỌC THẮNG
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, người dân khi về cách ly phải viết cam kết chấp hành đầy đủ. Thôn thành lập ra tổ công tác gồm nhân viên y tế, tổ COVID-19 cộng đồng và tổ liên gia.
Tổ công tác sẽ trực 24/24h ở ngõ nhà có người về cách ly, mỗi ngày tổ trưởng sẽ đi kiểm tra 4 lần, ai sai phạm sẽ xử lý ngay. Ngoài ra, người dân trong xóm sẽ chung tay hỗ trợ bữa ăn và một số nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ yên tâm cách ly.
Tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang hiện có 42 công dân đăng ký về quê và hiện đã có 30 hộ tình nguyện nhường nhà cho người cách ly.
Là vùng miền núi các nhà dân cách xa nhau, điều kiện nhà cửa, công trình vệ sinh đảm bảo, trong vườn có thể tự cung tự cấp lương thực nên việc cách ly tại nhà rất thuận lợi cho bà con.
Mọi nhu yếu phẩm, thức ăn đều được đặt trước cửa nhà, sau đó người trong nhà ra nhận, tránh tiếp xúc trực tiếp - Ảnh: NGỌC THẮNG
"Nghe tin đồng hương miền Nam được về nhà cách ly nhưng không đủ chỗ ở, nhiều hộ dân đã vui vẻ nhường nhà của mình cho bà con. Họ xin sang ở tạm nhà hàng xóm. Đây là việc làm rất nhân văn, rất đáng ghi nhận" - ông Nguyễn Xuân Thê, bí thư Đảng ủy xã Đức Lĩnh, chia sẻ.
Dân cả xã đi chợ, nấu cơm miễn phí cho bà con vùng dịch trở về
Hơn một tuần nay, từ hội nông dân, phụ nữ đến lực lượng đoàn viên thanh niên ở các thôn, xóm trong toàn huyện Cẩm Xuyên thay phiên nhau nấu cơm cho người cách ly. Hôm nay ở xóm này, ngày mai nhiệm vụ ở xóm khác.
Dân đội nắng đem cơm cho người dân trong khu cách ly - Ảnh: BÌNH AN
Sau hai ngày phát động thông báo hỗ trợ góp công, góp sức nấu ăn cho người đang cách ly, nhiều xóm 100% tham gia.
Không kể người nghèo, già hay trẻ, người có thì vài trăm ngàn, người khó khăn thì 20.000 cũng đến ủng hộ. Hai buổi trưa tiếp nhận hơn 7 triệu đồng tiền mặt từ người dân, chưa kể dân còn mang gạo, rau củ đến để bếp nấu ăn.
Những suất cơm dù là miễn phí nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng. Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nơi có hơn 1.400 người đang cách ly ở 36 khu cách ly trên toàn huyện. Những công dân đang cách ly là người về từ các tỉnh vùng dịch ở miền Nam trong những ngày qua.
Huyện đã vận động nấu hơn 8.000 suất cơm miễn phí hỗ trợ cho người đang thực hiện cách ly tập trung.
Xem thêm: mth.33735010230801202-yl-hcac-euq-ev-man-neim-ut-noc-ab-ohc-ahn-gnouhn-neyugn-hnit-nad/nv.ertiout