Doanh nghiệp như đứng giữa "ngã 3 đường"
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và các ca mắc COVID-19 liên tục tăng nhanh, TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh thành phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16. Trong đó, có việc siết chặt hoạt động "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm".
Để ổn định sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp tại nhiều địa phương đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động ăn ở, sản xuất tại chỗ và có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, sau 3 tuần triển khai đối với TP Hồ Chí Minh và 2 tuần đối với các tỉnh thành khác, việc kéo dài thời gian thực hiện "3 tại chỗ" khiến nhiều doanh nghiệp đuối sức, vừa làm vừa lo.
Để duy trì đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp thủy sản Vĩnh Hoàn đã triển khai "3 tại chỗ" với 1/2 lao động. Trong khi chi phí sản xuất đã tăng đến 40%, việc giảm công suất hoạt động khiến đầu ra và dòng tiền của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
"Nếu chúng ta có thể đưa ra lý do khách quan để không bồi thường thì ít nhất mất khách hàng ở hệ thống siêu thị. Đây là tổn thất tôi cho rằng rất là lớn. Ngoài ra, nếu chúng ta không làm đủ năng suất, lượng nguyên liệu đầu vào bị ứ đọng và gây ra hệ luỵ là kích cỡ size cá lớn, khi sản xuất không phù hợp theo thị trường", bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ" nhưng đang cực kỳ khó khăn vì các chi phí tăng vọt, trong khi công suất sản xuất lại giảm còn một nửa.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay: "Những doanh nghiệp đáp ứng 3 tại chỗ công suất đã phải sụt giảm, bởi vì số công nhân để tham gia sản xuất ít đi. Phải điều chỉnh những đơn hàng ưu tiên hơn, khẩn cấp hơn. Ngoài ra, trong quá trình xuất cảng contaner hàng khó khăn hơn, giá cao… khiến lưu thông chậm trễ hơn".
Nhiều doanh nghiệp đã triển khai mô hình “3 tại chỗ”. (Ảnh: TTXVN)
Bên cạnh áp lực chi phí ăn ở cho người lao động, việc duy trì sản xuất "3 tại chỗ" càng khó khăn hơn vì nhiều vướng mắc phát sinh trong khâu vận chuyển nguyên liệu, có nhiều trường hợp có đơn hàng nhưng do đứt gãy nguồn cung nguyên liệu nên không sản xuất được.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: "Nhiều nhãn hàng, khách hàng đã gây gáp lực, thách thức thời gian giao hàng, đưa ra đòi hỏi nếu không hoàn thành được họ tiếp tục rút đơn hàng. Hoặc những doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu thời gian giao hàng của họ thì họ ép doanh nghiệp phải giao hàng bằng máy bay đây là thách thức cực kỳ lớn đối với ngành dệt may Việt Nam".
Ngoài ra, mặc dù áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhưng thời gian qua đã có một vài trường hợp xuất hiện các ca FO, khiến doanh nghiệp lúng túng, rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
"Trong thời gian qua có câu chuyện doanh nghiệp 3T phát hiện ra F0, F1, khi phát hiện chúng ta rất lúng túng về vấn đề xử lý nó, có khi đến 2 - 4 ngày chưa giải quyết được, doanh nghiệp cũng không biết kêu cứu ở đâu, liên hệ hết điểm này điểm kia nhưng không được hướng dẫn một cách rõ ràng", ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) nói.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thời điểm này như đứng giữa "ngã 3 đường": Một là tiếp tục hoạt động "3 tại chỗ" với áp lực cao. Hai là dừng hoạt động sản xuất toàn bộ và chấp nhận thiệt hại về hợp đồng.
Gỡ khó cho doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ"
Trong văn bản mới đây, Hiệp hội Xuất nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam cho rằng, thực hiện phương châm " 3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế không thể kéo dài do sức chịu đựng của các doanh nghiệp là có hạn, do đó rất cần có những giải pháp để hỗ trợ. Về vấn đề này, đại diện các hiệp hội và chuyên gia cũng đã đề xuất một số giải pháp.
Lý giải cho nguyên nhân vì sao mô hình "3 tại chỗ" vốn thực hiện rất thành công tại Bắc Ninh và Bắc Giang… nhưng áp dụng cho các tỉnh phía Nam lại chưa hiệu quả. Hiệp hội gỗ Bình Dương đánh giá khác biệt lớn nhất là về tài chính và quy mô, các doanh nghiệp tỉnh thành phía Nam có số lượng lớn, nhưng chủ yếu là vừa và nhỏ. Thứ hai là không có sự chuẩn bị về vùng đệm, cách ly trước khi sản xuất như các tỉnh phía Bắc đã làm.
Ông Nguyễn Phúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho biết: "Họ tổ chức và tập hợp tất cả công nhân tới test, ai âm tính thì vào. Ngay cái khâu đầu tiên đã có kẻ hở rất là lớn. Cái test nhanh đó chỉ có độ chính xác 80 - 90%, mà kể cả dù có 95% vẫn rất rủi ro".
Theo ông Phúc, chỉ nên áp dụng "3 tại chỗ" ở thời điểm dịch bệnh chưa lây lan quá rộng, xác suất công nhân bị nhiễm bệnh thấp. Do đó, để giảm thiểu rủi ro, cần phải phân tán công nhân trên diện rộng trong khuôn viên nhà máy, theo từng phân xưởng để nếu có ca nhiễm chỉ bị trên diện hẹp.
Việc kéo dài thời gian thực hiện "3 tại chỗ" khiến nhiều doanh nghiệp đuối sức, vừa làm vừa lo. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản cho rằng có thể thực hiện mô hình y tế tại chỗ, phối hợp và chia sẻ giữa doanh nghiệp và ngành y tế, các doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy. Công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: "Muốn được phục hồi trong bối cảnh hiện nay chúng tôi đề xuất phương án gọi là y tế tại chỗ. Nếu có một hướng dẫn thống nhất chung của Bộ Y tế, nó sẽ giúp cho các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động để sản xuất sẽ triển khai được và tạo thêm được một "vòng lửa" để chống dịch được tốt hơn".
Đồng quan điểm, theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" là điều cấp thiết, tuy nhiên năng lực mỗi địa phương là có hạn. Do đó, trong khi chờ sự hướng dẫn từ hệ thống y tế, các doanh nghiệp cũng nên tự linh hoạt sản xuất trong tình hình mới.
Ngoài ra, với chi phí xét nghiệm từ 300.000 - 500.000 đồng/lần mỗi người cũng đang là gánh nặng cho doanh nghiệp. Do đó, để chia sẻ khó khăn, hệ thống y tế địa phương có thể hỗ trợ 50% chi phí hoặc hướng dẫn doanh nghiệp mua với giá gốc từ nơi cung cấp cũng là giải pháp cho doanh nghiệp lúc này.
Mới đây, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vừa gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất. Đó là việc áp dụng mô hình "3 tại chỗ" nên tính toán thực hiện ở các địa phương mà tình hình dịch bệnh vẫn ở diện "kiểm soát được".
Bên cạnh đó, một quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh là hết sức cần thiết. Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm chống dịch; đồng thời giúp doanh nghiệp có thế yên tâm vận hành sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!