Ngày 30/7/2021, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn số 89/CV-VASEP tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan để báo cáo các khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các nhà máy chế biến thuỷ sản và một số đề xuất, kiến nghị phục hồi sản xuất, xuất khẩu sau giai đoạn "3 tại chỗ".
Tại công văn này, VASEP đã có báo cáo nhanh về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) thủy sản trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16 tại Tp. Hồ Chí Minh và 19 tỉnh thành phía Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Vasep, hiện nay, hầu hết các tỉnh thành đã yêu cầu các DN chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường – 2 địa điểm" để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp. Các DN thủy sản đã chung tay sát cánh cùng Chính phủ thực hiện nghiêm các quy định nhằm vừa chống dịch vừa duy trì được sản xuất. Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện hơn 1 tuần qua đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập tác động lớn tới việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cũng như nỗ lực duy trì sản xuất, xuất khẩu.
Vasep cho biết thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% các DN thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ" và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%. Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến-xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài . Các vật tư, phụ liệu, bao bì.....phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.
Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho DN đảm bảo được "3 tại chỗ" lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn.
VASEP và các DN thấy rằng, việc thực hiện "3 tại chỗ" chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa, các DN lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần.
Trong khi đó, kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 đạt được thành tích hết sức khả quan khi tranh thủ được nhu cầu tiêu thụ của các nước tăng cao. Tổng xuất khẩu 4,12 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2020.
Từ những khó khăn thực tế kể trên của các DN thủy sản, cùng với cơ hội sản xuất-xuất khẩu thủy sản mà Việt Nam đang có và kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang vừa qua, VASEP có một số nhận định và đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng cũng như sinh kế cho hàng triệu công nhân và nông, ngư dân khai thác, sản xuất nguyên liệu thủy sản như sau:
Về trước mắt: Tiêm vắc-xin và thực hiện mục tiêu kép với trọng tâm mới
Theo Vasep, hhiện với biến thể mới của Covid đã khiến diễn biến dịch ngày càng phức tạp, chính quyền các địa phương và DN đã rất nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép thời gian qua, bao gồm cả phương thức "3 tại chỗ" như báo cáo trên. Hiệp hội thấy rằng, dù việc chống dịch là nhiệm vụ cần ưu tiên hàng đầu nhưng vẫn phải duy trì sản xuất và lưu thông những mặt hàng thiết yếu và phục hồi sản xuất-xuất khẩu.
Do thực tế lượng vắc-xin còn hạn chế và không có ngay một lúc, Hiệp hội tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm văc-xin ngừa covid-19. Theo đó, sau những người làm tại các cơ sở y tế & những cán bộ liên quan phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền thì thứ tự tiếp theo là những người lao động (trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong các nhà máy, các khu công nghiệp – thực hiện sản xuất cho xuất khẩu nói chung và sản xuất, XK thủy sản nói riêng), trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức "3 tại chỗ" tại các địa phương.
Với thứ tự ưu tiên và tập trung tiêm ngay vắc-xin cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, chúng ta sẽ vừa giữ được thị trường đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, bao gồm cả nông-ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở phía trước. Điều này cũng để khẳng định rằng, chúng ta trong ngắn hạn lúc này vẫn phải thực hiện mục tiêu kép nhưng với trọng tâm mới là phát triển kinh tế với trọng điểm là sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng xuất khẩu.
Về thời gian tới và trong dài hạn: Ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ phải sống chung với đại dịch lâu dài
Báo cáo Vasep cho rằng, nhiều chuyên gia dịch tễ và kinh tế học đã có các phân tích và đánh giá, nhận định "sống chung với đại dịch". Kinh tế thế giới sẽ phải thay đổi, các quan hệ như tập trung và phân tán, đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, nội địa và toàn cầu hóa...sẽ chuyển theo hướng khác hoặc có điều chỉnh so với những gì đã thấy trước đây.
Đại dịch thúc đẩy công việc, việc làm thực hiện xuyên biên giới nên việc xuất khẩu lao động sẽ giảm nhiều. Với dân số và lao động đông, Việt Nam chúng ta sẽ trực diện với vấn đề đào tạo lại và bảo đảm công ăn việc làm cho một lực lượng lao động lớn. Việc chủ động, sẵn sàng sống chung với dịch và sẽ phải có chiến lược phát triển, phục hồi sản xuất trong bối cảnh mới, Hiệp hội VASEP đã đưa ra một số đề xuất-kiến nghị như sau:
(1) Bộ quy tắc, hướng dẫn thực hiện "Y tế tại chỗ"
Theo Vasep, thực hiện phương châm " 3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế không thể kéo dài do sức chịu đựng của các DN là có hạn như đã đề cập ở trên, do đó đối với các ngành sản xuất xuất khẩu rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại các địa phương sau khi được chích vắc-xin phòng dịch để các DN chủ động lên phương án sản xuất; các DN đang tạm ngưng sản xuất chuẩn bị đáp ứng các điều kiện chống dịch để quay lại sản xuất đáp ứng đơn hàng XK tăng vào dịp cuối năm.
Vasep kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc (như CDC Mỹ và một số quốc gia đã có) và tổ chức huấn luyện cho các Tỉnh và DN thực hiện "Y tế tại chỗ" . Thực hiện chủ trương phối hợp và chia sẻ giữa DN và CDC, các DN sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của DN được áp dụng trong lưu thông và giao dịch.
CDC cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho DN 1lần/tháng, như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.
Bộ Y tế có hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các DN trong thực hiện "3 tại chỗ" như phát hiện F0, chỉ khoanh vùng và cách ly khu vực có nguy cơ, phun khử khuẩn, xét nghiệm....hướng dẫn các biện pháp an toàn " chặt trong, chặt ngoài" kiểm soát các nguồn lây nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp nhằm giảm tổn thất cho DN và sinh kế cho công nhân đồng thời đảm bảo an toàn dịch bệnh cho toàn nhà máy.
(2) Hướng dẫn thực hiện "1 cung đường – 2 địa điểm" theo tiếp cận là Công nhân đã được chích Vắc-xin và khu vực cư trú của công nhân là một địa điểm ngoài nhà máy với hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc:
Như đề cập những khó khăn, hệ lụy của "3 tại chỗ" trong phần báo cáo trên của Hiệp hội, về lâu dài, việc áp dụng "3 tại chỗ" khi dịch bùng phát sẽ tạo thêm nhiều gánh nặng và áp lực cho DN trong việc tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất và XK hàng hóa.
Hiệp hội đề xuất Bộ Y tế xem xét các điều kiện để thực hiện phương châm "1 cung đường – 2 địa điểm" kết hợp tuân thủ quy định 5K và các quy định về phòng dịch của DN, của cơ quan y tế địa phương.
Khi đó, Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về "1 cung đường-2 địa điểm" - trong đó "1 cung đường" là đảm bảo cung đường từ nhà đến công ty và từ công ty về nhà với điều kiện có kiểm soát và "2 địa điểm" là tại nhà máy tuân thủ quy định phòng dịch của DN và tại nhà, nơi cư trú sẽ tuân thủ quy định cách ly tại nhà khi cần thiết để bảo đảm chống dịch.
(3) Hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn
Trong khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài tình hình, thì việc ngày càng nhiều người lao động tự kéo nhau về quê trong mấy ngày qua là một điều phải suy nghĩ. Người lao động bị mất việc, đặc biệt là lao động tự do tại các tỉnh, thành phố có dịch là đối tượng bị tổn thương rõ rệt nhất, đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch covid-19 khi thu nhập bị sụt giảm.
Cũng theo nghiên cứu Gutenberg về COVID-19 thì ảnh hưởng của đại dịch vào thu nhập của người dân nặng nề nhất là vào nhóm người có thu nhập thấp. Vì vậy, sự hỗ trợ tài chính cho thành phần này trong những giai đoạn căng thẳng của đại dịch là cần thiết. Thời gian qua, chúng ta cũng thấy và ghi nhận hết sức trân trọng là đã có nhiều tổ chức tự nguyện hoặc nhóm thiện nguyện của người dân từ nhiều nơi hoạt động tích cực hỗ trợ cho người nghèo, người lao động mất việc trên nhiều địa phương khác nhau.
Chính phủ đã công bố các chính sách hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19. Hiệp hội thấy rõ đây là những chính sách lớn và hết sức ý nghĩa, Vasep đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh việc phối hợp công-tư, bao gồm cả các tổ chức thiện nguyện được chọn để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ hết sức ý nghĩa vào bối cảnh hiện nay.
(4) Hỗ trợ doanh nghiệp
Chính phủ đã có Nghị quyết 68 và Quyết định 23 với các chính sách, cơ chế hỗ trợ DN. Nhưng bình diện chung là việc thực thi còn chậm với nhiều lý do. Trong tình trạng khẩn cấp hiện nay và những phát sinh trong việc duy trì sản xuất "3 tại chỗ" như báo cáo trên, để có các hỗ trợ kịp thời cho DN trong bối cảnh hiện nay và khả năng phục hồi sản xuất-xuất khẩu, Vasep kiến nghị khẩn với Thủ tướng Chính phủ:
- Có chỉ đạo để chính quyền địa phương cùng hành động với các DN và các Hiệp hội DN khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ đã có của Chính phủ.
- Có các chính sách ưu tiên về: giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện cho đến ít nhất hết năm 2021, đề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các DN – đây là những hỗ trợ quý báu để DN có thêm điểm dựa trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để duy trì được "3 tại chỗ" và đặc biệt là có thêm cơ hội, nguồn lực cho việc phục hồi sản xuất-xuất khẩu.
- Tăng mức hỗ trợ từ nguồn BHXH-BHYT-TNLĐ cho DN, và đề nghị BHXH chi trả lương và chi phí cho các trường hợp người lao động đi cách ly do dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế.
- Chính phủ và Bộ TT-TT xem xét chỉ đạo việc không công khai tên của DN nếu có ca nhiễm Covid-19 lên các phương tiện truyền thông nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động và hình ảnh của DN trong bối cảnh hiện nay và khả năng phục hồi sản xuất.
PV
Doanh nghiệp và Tiếp thị