vĐồng tin tức tài chính 365

Điều kiện hoạt động thu hẹp đang “bào mòn” doanh nghiệp mỗi ngày

2021-08-04 17:26

Điều kiện hoạt động thu hẹp đang “bào mòn” doanh nghiệp mỗi ngày

Song Dũng

(KTSG Online) - Việc lưu thông hàng hóa tắc nghẽn, chuỗi cung ứng nguyên liệu đứt gãy, nhân sự hao hụt khiến không ít doanh nghiệp đóng cửa dài ngày vì không đủ điều kiện hoạt động… Kế cả những doanh nghiệp lớn cũng thừa nhận khó khăn vì chưa khi nào điều kiện sản xuất kinh doanh của họ bị thu hẹp như hiện tại.

Doanh nghiệp khó xoay xở trong bối cảnh giãn cách xã hội khiến điều kiện hoạt động bị thu hẹp. Ảnh minh họa: DNCC

Đã qua hai tháng TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, nỗi lo về việc đứt gãy chuỗi cung ứng và nhịp sản xuất đã phần nào bộc lộ. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy đã có 70% doanh nghiệp thủy sản, 35% doanh nghiệp dệt may trên cả nước đóng cửa vì không thể đáp ứng được điều kiện sản xuất hiện tại. Nếu tính cục bộ vào từng khu vực bùng dịch mạnh như TPHCM và các tỉnh miền Nam thì con số này hầu như lên trên 90%. Tuy vậy nhiều doanh nghiệp cho biết những con số này có thể vẫn chưa phản ánh hết những khó khăn họ gặp phải trên thực tế.

Hoạt động trong tình trạng thiếu hụt lao động

Mới đây, tại buổi trao đổi trực tuyến với phóng viên, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng "3 tại chỗ" hay "2 địa điểm, 1 cung đường" vẫn là giải pháp lý thuyết với ngành dệt may. Bởi nhiều đối tác nước ngoài đã rút đơn hàng chuyển sang nước thứ ba, không ít lao động đã bỏ nhà máy.

Hiệp hội này thừa nhận các doanh nghiệp thực hiện mô hình “3 tại chỗ” cũng không hiệu quả khi tình trạng lao động thiếu hụt. Phần nhiều ở các nhà máy chỉ có 30-40% công nhân đồng ý tham gia 3 tại chỗ, có nhiều doanh nghiệp số công nhân tham gia chỉ có 10-20% dù lãnh đạo doanh nghiệp hết sức thuyết phục.Trước tình hình năng suất lao động sụt giảm, nhiều đối tác nước ngoài đã bắt đầu rút đơn hàng chuyển sang nước thứ ba.

“Bối cảnh dịch Covid-19 kéo suốt từ tháng 5, tháng 6, qua tháng 7 đến nay thay đổi đột biến về những đơn hàng. Với tình hình hiện nay nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ không hoàn thành đơn hàng, có thể sẽ bị đối tác phạt, khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Để duy trì được sản xuất trong bối cảnh đại dịch lan rộng hiện nay, chi phí của doanh nghiệp đội lên rất lớn. Nhiều doanh nghiệp kiệt sức cả về nhân lực và vật lực”, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang chia sẻ.

Không chỉ những doanh nghiệp có tỷ lệ lao động lớn như dệt may mà ngay cả những doanh nghiệp thương mại, dịch vụ cũng đối diện với cuộc khủng hoảng nhân sự. Trong đó, doanh nghiệp sở hữu hệ sinh thái bán lẻ lớn như Vincommerce cũng thừa nhận việc căng kéo của lực lượng lao động đang khiến cho việc cung ứng hàng hóa trở nên khó khăn hơn.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, các nhân viên bán hàng tại siêu thị/cửa hàng mang tâm lý hoang mang khi dịch diễn biến phức tạp. Từ đầu năm, tỷ lệ nhân viên bán hàng xin nghỉ do lo sợ dịch bệnh khiến VinMart gặp khó khăn trong việc huy động nhân sự. 

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce, cho biết có thời điểm cá biệt có siêu thị chỉ còn 10-12 nhân viên bán hàng trên tổng số 100 nhân viên do phải thực hiện cách ly tại khu vực phong tỏa. Để khắc phục, chuỗi VinMart và VinMart+ đã phải điều động nhân viên từ vùng khác về để hỗ trợ cho vùng dịch, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi dịch lây lan nhanh.

Rất nhiều hiệp hội ngành nghề cho rằng bài toán lao động không chỉ là số lượng mà ngay cả vấn đề tâm lý cũng rất quan trọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và tiến độ cho các đơn hàng. Việc ổn định tâm lý là không dễ trong bối cảnh điều kiện sản xuất tập trung khắt khe gây ra nhiều ức chế của người lao động khiến doanh nghiệp khó kiểm soát được rủi ro.

“Hiện nay các tỉnh thành có chủ trương đón lao động về địa phương cũng đang gây nên sự xao động trong công nhân, dẫn đến thiếu hụt lao động và hàng hóa. Cho nên mỗi giám đốc doanh nghiệp vừa phải chỉ đạo kinh doanh, sản xuất vừa làm công tác dân vận, xoa dịu, động viên giữ lực lượng công nhân”, ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM, cho biết.

Ngoài ra, thông tin nhanh từ các hiệp hội ngành nghề khác cũng lo ngại về sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” khi một số nhà máy có số ca F0 xuất hiện và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày. Trong đó, sự xáo trộn của đội ngũ lao động là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự đứt gãy sản xuất mà lãnh đạo doanh nghiệp phải lường trước.

Phập phồng với chuỗi cung ứng

Không riêng về chuyện lao động mà doanh nghiệp còn vận hành cầm chừng vì nguồn cầu suy giảm đột ngột, hàng hóa tồn ứ ngày một nhiều, nguyên liệu đầu vào tắc nghẽn và tăng giá. Mới đây, tình trạng hàng hóa bị dồn ứ tại cảng Cát Lái (thành phố Thủ Đức) ngày một nhiều khiến Tổng cục Hải quan phải ra văn bản hướng dẫn các giải pháp cấp bách để giải phóng hàng tồn. Lý do được công ty quản lý cảng đưa ra là doanh nghiệp tạm dừng họat động vì điều kiện sản xuất bị thu hẹp khiến hàng không thể lưu thông.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T (đơn vị xuất khẩu nông sản TPHCM), một đơn vị xuất khẩu nông sản lớn, do các địa phương áp dụng nghiêm ngặt quy định không cho tập trung, di chuyển nên hiện nay việc thu hoạch trái cây của đơn vị ở hầu hết các tỉnh phía Nam gặp khó.

"Muốn thu hoạch trái cây phải di chuyển, không thể thực hiện "3 tại chỗ" như công nghiệp. Do đó, nhiều ngày qua lượng trái cây đơn vị mua vào chỉ bằng 30-40% so với bình thường nên ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu", ông Tùng nói.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất mì gói cũng đã gặp khó với sự đứt gãy của chuỗi cung ứng nguyên liệu. Ảnh minh họa: DNCC

Không chỉ cung ứng quốc tế mà ngay cả những doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu trong nước sản xuất các mặt hàng thực phẩm có nhu cầu lớn trên thị trường như mì gói cũng lao đao. Hiện nay một số công ty thực phẩm áp dụng mô hình “3 tại chỗ” chỉ có thể sử dụng 50% lực lượng lao động nên không đủ công nhân sản xuất, dẫn đến hàng hóa bị thiếu.

Thêm vào đó, tất cả nguồn nguyên vật liệu của ngành chế biến lương thực, thực phẩm đều xuất phát từ các tỉnh đưa về TPHCM bị ách tắc nên thời gian gần đây bắt đầu có tình trạng thiếu mì gói.

Đại diện công ty Uniben (thương hiệu mì 3 Miền, Reeva, Boncha) cho biết, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung ứng đủ hàng hóa cho các nhà phân phối, điểm bán tại TPHCM. Đặc biệt, khâu sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu khiến sản lượng giảm.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm có thể thể tìm loại khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp để xoay trở với tình trạng đứt gãy nguồn cung nguyên liệu. Theo Luật An toàn thực phẩm quy định, với những điều chỉnh nói trên, phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì. Tuy nhiên, trong khi thời điểm này làm như thế sẽ mất nhiều thời gian, nhất là khâu in lại bao bì chi phí phát sinh sẽ rất lớn. Cộng thêm chi phí duy trì sản xuất “3 tại chỗ” nữa thì doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn nhiều.

Mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thừa nhận nhiều tỉnh phía Nam có dấu hiệu không thành công khi áp dụng phương châm sản xuất "3 tại chỗ". Để duy trì sản xuất ở các doanh nghiệp phía Nam, tránh xảy ra các đứt gãy sản xuất, Cục Công nghiệp cho rằng vaccine vẫn là giải pháp căn cơ và cần phải tiến hành sớm.

Trong báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng đầu năm, Bộ Công Thương nhận thấy các biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Báo cáo ghi nhận 7/19 tỉnh thành phía Nam có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm. Trong đó đáng kể là TPHCM giảm 19,4%; tỉnh Long An giảm 14,6% hay Cà Mau giảm 13,7%. Những con số cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp phía Nam bị tổn thương khi hoạt động trong điều kiện sản xuất kinh doanh hạn hẹp.

Xem thêm: lmth.yagn-iom-peihgn-hnaod-nom-oab-gnad-peh-uht-gnod-taoh-neik-ueid/241913/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Điều kiện hoạt động thu hẹp đang “bào mòn” doanh nghiệp mỗi ngày”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools