Chứng khoán: khối ngoại quay trở lại mua ròng - tín hiệu mừng?
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) - Khối nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài quay trở lại mua ròng với giá trị lớn kể từ tháng 9 năm ngoái đến nay, nếu không kể đến tháng 4 mua ròng với giá trị nhỏ. Hoạt động này cũng giúp giảm đà rơi mạnh của VN-Index trong tháng 7.
Khối ngoại bán ròng 1,5 tỉ đô la trong nửa đầu năm
Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 7 đạt trên 76.671 tỉ đồng. Trong đó giá trị mua ròng là khoảng hơn 4.802 tỉ đồng. Dù vậy, lũy kế từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 30.451 tỉ đồng trên sàn HOSE.
Trong khi đó, báo cáo chiến lược tháng 8 của Công ty chứng khoán Mirae Assets cho biết trong tháng 7, ước khối ngoại mua ròng khoảng 4.717 tỉ đồng (tương ứng khoảng 209 triệu đô la Mỹ) trên thị trường chứng khoán, từ đó thu hẹp thu hẹp mức bán ròng lũy kế từ năm xuống còn 1,3 tỉ đô la Mỹ.
Các cổ phiếu được “chuộng” mua ròng trong tháng vừa qua lần lượt là nằm ở hai nhóm ngành bất động sản và ngân hàng. Cụ thể gồm Novaland (mã NVL, 1.477 tỉ đồng), Vinhomes (VHM, 1.148 tỉ đồng), Sacombank (STB, 1.116 tỉ đồng) và Ngân hàng Quân Đội (MBB, 1.040 tỉ đồng). Ngược lại, các cổ phiếu bị bán ròng mạnh trong tháng gồm VIC (2.269 tỉ đồng) và VPB (1.079 tỉ đồng).
Như vậy các nhà đầu tư đã quay trở lại mua ròng giá trị lớn trở lại sau khi bắt đầu bán ròng kể từ tháng 9 năm ngoái, nếu không tính đến tháng 4 vì giá trị mua ròng thấp (182 tỉ đồng). Tháng 9 năm ngoái, khối ngoại mua ròng khoảng hơn 2.500 tỉ đồng, còn vào tháng 6 trước đó nữa, giá trị mua ròng lên mức kỷ lục (nhờ giao dịch thỏa thuận hơn 15.000 tỉ đồng mã VHM).
Đây cũng là điểm sáng nếu so với các thị trường các quốc gia Đông Nam Á khi Việt Nam ở trạng thái mua ròng (209 triệu đô la), tiếp theo là Indonesia (69 triệu đô), trong khi Thái Lan và Malaysia lần lượt bị rút mạnh 522 triệu đô và 318 triệu đô. Dù vậy, nếu tính lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, ngoại trừ Indonesia mua ròng gần 1,26 tỉ đô thì còn lại đều ở trạng thái bán ròng.
Trên thực tế, động thái mua bán của khối ngoại từng được giới đầu tư trong nước chú ý, nhưng thời gian gần đây sức ảnh hưởng đã mất dần. Số liệu của HOSE trong tháng 7, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 8,62% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường.
Dù vậy, trong tháng 7 vừa qua, động thái mua ròng của khối ngoại được xem là điểm sáng trên thị trường vì giúp giảm đà rơi của VN-Index.
Theo đó, VN-Index đã điều chỉnh giảm 14% từ mức 1424,28 xuống 1225,52 điểm trong 3 tuần đầu tháng 7. Thị trường đã hồi phục và đóng cửa ở mức 1310 điểm, thu hẹp mức giảm xuống còn 7% so với tháng trước. Dù vậy, tỷ suất sinh lời tháng 7 của VN-Index thuộc mức thấp khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực.
Trong tọa đàm trực tuyến về kinh tế Việt Nam cuối năm vào cuối tuần trước, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu, Công ty quản lý quỹ VinaCapital, cho rằng rất khó dự báo dòng tiền của khối ngoại, nhưng nhìn về tương lai xa hơn thì dòng tiền sẽ quay trở lại.
Trên thực tế, trong tháng 7 vừa qua, việc nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng có sự đóng góp rất lớn từ dòng tiền của các quỹ ETF, trong đó có quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF. Quỹ này đã đổ khoảng hơn 540 triệu đô la vào thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có 173 triệu đô la chỉ trong tháng 7.
Điểm sáng là thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn, lợi nhuận các công ty niêm yết tốt hơn so với thị trường trong khu vực nên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm. “Chúng tôi nhận thấy một số nhà đầu tư trong khu vực châu Á, trong đó, có các nhà đầu tư Đài Loan vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam”, bà Hương nhận định.
Xem thêm: lmth.gnum-ueih-nit--gnor-aum-ial-ort-yauq-iaogn-iohk-naohk-gnuhc/541913/nv.semitnogiaseht.www