Sau khi chợ Long Biên bị phong tỏa vì liên quan đến ca dương tính COVID-19, nhiều tiểu thương đang cố gắng tìm cách chuyển nông sản ra ngoài vì sợ hư hỏng. Các tiểu thương cho biết, nếu "đẩy" được hàng đi đến các chợ khác, mỗi tiểu thương sẽ thoát cảnh thiệt hại lên tới hàng chục triệu đồng.
Chúng tôi thức trắng từ tối hôm qua đến rạng sáng nay (4.8) bán nốt buổi cuối trước khi chợ tạm ngừng hoạt động vì liên quan đến F0.
Khi trời chưa hửng sáng, các tiểu thương chợ Long Biên tất bật đóng cửa hàng, dọn hết hàng hoá ra khởi chợ. Nhưng, số lượng hàng quá nhiều, muốn mang đi cũng không thể mang hết”, chị Trần Thu Trang (Ba Đình, Hà Nội) - tiểu thương bán rau củ ở chợ - ngậm ngùi.
"Hàng nhiều quá, làm sao vận chuyển hết trong đêm"
Ngày 3.8, sau khi nhận được thông tin một người thường xuyên giao hàng cho các tiểu thương tại chợ Long Biên dương tính với COVID-19, quận Ba Đình đã yêu cầu UBND phường Phúc Xá phong tỏa toàn bộ chợ đầu mối này.
Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Thanh Xuân - Chủ tịch UBND phường Phúc Xá cho biết, ngày 3.8, UBND phường đã ban hành Quyết định số 1079 về việc áp dụng các biện pháp phong toả, cách ly tế đối với chợ Long Biên, thời gian cách ly từ 13h ngày 3.8 cho đến khi có thông báo mới.
“Lý do phát hiện một ca F0 là người giao đá cho các hộ kinh doanh thuỷ hải sản ở chợ Long Biên. Người này không kinh doanh, buôn bán trong chợ mà chỉ là nhân viên giao đá" - ông Xuân cho hay.
Theo ghi nhận, sáng nay (4.8), lực lượng chức năng đã chăng dây, lập rào chắn, phong tỏa mọi lối vào chợ Long Biên. Các tiểu thương không thể vào được chợ Long Biên. Phương tiện vận tải không được phép lưu thông.
Để vận chuyển được hàng hoá, các tiểu thương chợ Long Biên "lách luật" bằng cách vác từng thùng hàng từ bên trong chợ để mang ra ngoài qua những lối lên xuống của bờ đê Yên Phụ. Song, lúc trưa nay (4.8), Công an phường Ngũ Xá (quận Ba Đình) đã nhắc nhở tiểu thương nhanh chóng di chuyển xe hàng ra bên ngoài, đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Chị Trần Thuỳ Trang - một chủ sạp hàng ở chợ Long Biên - hay tin chợ đóng cửa trong chiều 3.8. Tất bật cả đêm để vận chuyển hàng ra khởi chợ, sáng ra, chị vẫn cố nán lại đôi giờ để vận chuyển cho xong mấy thùng khoai tây, chanh dây, bắp cải.
"Mặc dù Ban Quản lý chợ Long Biên cấm bán hàng lúc 13 giờ ngày 3.8 nhưng mãi 17-18 giờ chúng tôi mới biết. Với những người ở xa, chưa kịp chuyển hàng, Ban Quản lý chợ tạo điều kiện cho lấy hàng trong đêm. Nhưng hàng nhiều quá, làm sao mà vận chuyển hết được" - chị Trang cho hay.
Theo chị Trang, hàng mang ra không hết được, nhiều tiểu thương ngậm ngùi chấp nhận bỏ đi một số hàng. "Chúng tôi có đầu mối đẩy sỉ tại các chợ truyền thống chưa bị phong toả ở Hà Nội và Bắc Ninh. Nhưng tối qua, hàng mới lại về nhiều quá, không đẩy hết được. Bởi, mỗi lần nhập hàng mới về, chúng tôi sẽ bán từ 2-3 ngày mới hết" - chị Trang nói.
Chưa bao giờ hình dung cảnh vãn chợ như sáng nay
Chị Trang là tiểu thương buôn hàng thiết yếu, chủ yếu là mặt hàng rau củ quả. Chị nhập hàng tấn bắp cải từ Trung Quốc, su su từ Mộc Châu (Sơn La), chanh leo từ một số tỉnh ở miền Tây.
"Nếu đẩy hàng được sang các chợ đầu mối ở các tỉnh ven Hà Nội thì chúng tôi thoát, còn nếu không được thì trắng tay" - chị nói và mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện mở cửa khẩu Tân Ấp (phường Ngũ Xá, quận Ba Đình) từ 1-2 hôm, để những tiểu thương lỡ nhập hàng rồi còn mang đi bán được.
"Tôi đã báo cho đầu mối lấy hàng ở Sơn La, từ nay không lấy hàng nữa" - anh Công cho hay sau khi chợ Long Biên bị phong toả. Buôn bán ở chợ này 15 năm, chưa bao giờ anh hình dung cảnh vãn chợ như sáng nay.
Anh kể, chợ Long Biên là chợ đầu mối lớn thứ 2 ở Hà Nội, sau chợ Đồng Xuân. Bình thường, từ 7 giờ tối hôm trước đến sáng hôm sau, hàng nghìn xe tải chở nông sản, hàng hoá ra vào chợ. Người bán, kẻ mua tấp nập, nhưng từ lúc chợ xuất hiện ca F0, bị phong toả, chợ hắt hiu đến buồn.
"Giờ chợ vắng quá, chả thấy xe tải, cũng chả thấy tiểu thương, cửu vạn. Tôi mong sao, dịch sớm được kiểm soát, để tiểu thương chúng tôi sớm trở lại chợ" - anh Công bộc bạch.
Lo sợ nông sản mắc kẹt, anh Công cùng một số tiểu thương tranh thủ đóng hàng theo từng túi hoặc thùng xốp để chuyển ra ngoài thông qua những lối lên xuống của bờ đê Yên Phụ.
Nhưng, anh cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi lực lượng chức năng cũng đã căng dây, phong toả những lối lên xuống để đảm bảo phòng chống dịch.
“Tôi mong cơ quan chức năng mở cửa khẩu Tân Ấp nốt hôm nay, để chúng tôi chuyển số nông sản trong chợ ra ngoài để mang đi tiêu thụ" - anh Công nói.
Hiện, Ban quản lý chợ đầu mối Long Biên vẫn chưa có phản hồi về vấn đề này.
Xem thêm: odl.802839-yat-gnart-iht-coud-gnah-yad-gnohk-neib-gnol-ohc-o-tek-auq-aoh-nat-cuhc/et-hnik/nv.gnodoal