Ông Nguyễn Văn Lê rời vị trí Tổng giám đốc SHB
Hoàng Thắng
(KTSG Online) - Ông Nguyễn Văn Lê chỉ còn giữ vị trí thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), sau khi HĐQT ngân hàng chấp thuận đơn xin từ chức Tổng giám đốc của ông này vào ngày 4-8.
Ông Nguyễn Văn Lê. Ảnh: DNCC. |
Quyết định miễn nhiệm Tổng giám đốc với ông Nguyễn Văn Lê được HĐQT SHB đưa ra sau khi ông này có đơn từ nhiệm vì lý do sức khoẻ. Trong thời gian chưa có Tổng giám đốc mới, ông Võ Đức Tiến - Phó chủ tịch HĐQT SHB - được giao nhiệm vụ phụ trách điều hành ngân hàng cho đến khi có quyết định khác thay thế.
Về quá trình công tác, ông Lê đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng Nhơn Ái - tiền thân của SHB - từ năm 1999. Tới tháng 6-2008, ông đảm nhận thêm vị trí thành viên HĐQT của ngân hàng.
Trong thời gian ông Lê đảm nhận vị trí Tổng giám đốc, SHB đã thực hiện thành công thương vụ nhận sáp nhập Habubank và thực hiện sáp nhập công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel, tiền thân của SHB Finance. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động kinh doanh và quy mô tài sản của ngân hàng cũng có nhiều thay đổi.
Cụ thể, thu nhập từ lãi của SHB đạt hơn 16.500 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 9,1% nhờ sự tăng trưởng của khoản thu từ lãi tiền vay và lãi từ kinh doanh, đầu tư chứng khoán nợ. Còn chi phí lãi ở mức 9.600 tỉ đồng, giảm 10,6% do giảm gần 1.000 tỉ đồng lãi phải trả khi động vốn.
Điều này giúp SHB ghi nhận thu nhập lãi thuần ở mức 6.687 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng hơn 62%.
Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 258 tỉ đồng, tăng 25,4% nhờ sự tăng trưởng của hoạt động thanh toán. Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 71,7 tỉ đồng, giảm 5,1%. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 294 tỉ đồng, tăng 1.010%.
Lãi từ hoạt động khác đạt 181 tỉ đồng, tăng 1.561%. Còn thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đạt 2,08 tỉ đồng, giảm 16,7%.
Những kết quả này giúp tổng thu nhập hoạt động của SHB đạt 7.495 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 68,7% so với cùng giai đoạn năm trước.
Chi phí hoạt động của ngân hàng ghi nhận ở mức 2.141 tỉ đồng, tăng 11,6%. Vì vậy lãi thuần từ hoạt động kinh doanh đạt của nhân hàng đạt mức 5.354 tỉ đồng, tăng 112%.
SHB cũng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm khi nâng chi phí này lên mức 2.258 tỉ đồng, cao hơn 161% so với cùng giai đoạn năm trước. Đồng thời đẩy mạnh công tác xử lý nợ tại Vinashin và trái phiếu VAMC.
Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của SHB đạt 3.095 tỉ đồng và 2.475 tỉ đồng, đều tăng 86,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về quy mô tài sản, tổng tài sản của SHB đạt mức 458.349 tỉ đồng tính tới 30-6-2021, tăng 11,1% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng chiếm tỷ trọng 72,3%, tương ứng 331.480 tỉ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Các khoản phải thu ghi nhận ở mức 26.722 tỉ đồng, tăng hơn 32%.
Về nợ xấu, số dư nợ xấu nội bảng của SHB ghi nhận ở mức 6.694 tỉ đồng tính tới 30-6-2021, tăng 19,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) ở mức 1.015 tỉ đồng - tăng 44,1%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) ở mức 767 tỉ đồng - giảm 44,1% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) ở mức 4.901 tỉ đồng, tăng 29,2%.
Kết quả, tỷ lệ nợ xấu từ mức 1,83% ở cuối năm 2020 lên mức 2,02% ở thời điểm 30-6-2021.
Lý giải điều này, đại diện ngân hàng cho rằng tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Lào và Campuchia đã ảnh hưởng đến việc phân loại nợ của hai ngân hàng con của SHB tại hai quốc gia này. Đáng chú ý, SHB Lào và SHB Campuchia đều nằm trong kế hoạch chuyển nhượng một phần vốn sở hữu và chuyển đổi mô hình hoạt động từ Công ty TNHH MTV sang Công ty TNHH hai thành viên hoặc Công ty cổ phần của SHB.
Về nguồn vốn, số dư tiền gửi khách hàng của SHB đạt 310.924 tỉ đồng, tăng 2,4%. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn là 27.449 tỉ đồng, giảm 2,5%. Còn tiền gửi có kỳ hạn là 282.026 tỉ đồng, tăng 2,9%.
Xem thêm: lmth.bhs-cod-maig-gnot-irt-iv-ior-el-nav-neyugn-gno/851913/nv.semitnogiaseht.www