WHO kêu gọi hoãn tiêm mũi thứ ba để san sẻ vaccine Covid-19 với nước nghèo
Lê Linh
(KTSG Online) -Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước giàu khoan tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường (mũi thứ 3) để tạo điều kiện cho các nước nghèo tiếp cận nguồn cung vaccine nhanh chóng hơn. Hiện nay, Israel đang triển khai tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 cho người dân, trong khi đó, một số nước phương Tây khác đang lên kế hoạch này.
Tổng thống Israel, Isaac Herzog, 60 tuổi, được nhân viên y tế tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 vào ngày 30-7 tại Trung tâm y khoa Sehba ở Ramat Gan, Israel. Ảnh: Reuters |
Hoãn tiêm mũi thứ ba đến cuối tháng 9
Tại cuộc họp báo hôm 4-8, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus đề nghị các nước giàu khoan tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 cho người dân đến ít nhất là cuối tháng 9-2021. Theo ông, điều này sẽ giúp WHO đạt được mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia vào thời điểm đó để bảo vệ nhân viên y tế và những người dễ tổn thương.
“Trong khi hàng trăm triệu người dân trên thế giới vẫn đang chờ đợi được tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên, một số nước giàu đang hướng đến việc triển khai tiêm mũi tăng cường. Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ trong việc bảo vệ người dân của họ trước biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, nhưng chúng ta không thể và không nên chấp nhận những nước, vốn đã sử dụng hầu hết nguồn cung vaccine Covid-19 toàn cầu, lại sử dụng thêm vaccine nữa, trong khi những người dễ tổn thương nhất trên thế giới vẫn chưa được bảo vệ”, ông Tedros nói.
Ông cũng kêu gọi các nhà sản xuất vaccine Covid-19 ưu tiên phân bổ nguồn cung cho Covax, sáng kiến được thiết lập vào năm ngoái để phân phối công bằng vaccine Covid-19 đến mọi nơi trên hành tinh. Nhiều nước có thu nhập thấp phụ thuộc vào Covax, nhưng sáng kiến này chỉ mới phân phối một phần nhỏ trong mục tiêu đạt mức phân bổ 1,8 tỉ liều vào đầu năm 2022. Các nước có thu nhập cao đã tiêm trung bình 100 liều/100 người dân, nhưng các nước thu nhập thấp, mới chỉ đạt tỷ lệ tiêm trung bình 1,5 liều/100 người dân.
Lời kêu gọi của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus được đưa ra sau khi Isreal triển khai tiêm liều tăng cường cho người già vào cuối tuần trước và một số nước châu Âu lên kế hoạch tiêm liều tăng cường vào tháng sau.
Kate O'Brien, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng của WHO, cho biết: “Chúng tôi không có đầy đủ bằng chứng về việc liệu tiêm mũi vaccine thứ 3 có cần thiết hay không. Đây là quyết định thực sự quan trọng. Chúng phải cần nắm rõ dữ liệu và nếu chúng ta không thực sự sáng tỏ, chúng ta sẽ rơi vào tình thế chúng ta luôn không chắc chắn về những gì thực sự nên làm”.
Bà nói thêm, nguyên nhân chính dẫn đến số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng ở những nước giàu vào thời điểm này không phải do sự thất bại của vaccine mà là do nới lỏng các biện pháp phòng ngừa y tế.
“Thay vào đó, chúng ta cần tập trung vào những người dễ tổn thương nhất, có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong để tiêm liều đầu tiên và thứ hai cho họ, sau đó chuyển sang các chương trình tiêm chủng nâng cao khác khi có bằng chứng ngày càng vững chắc về sự cần thiết của liều tiêm thứ 3 và nguồn cung vaccine được đảm bảo”, O'Brien nói.
Isreal tiên phong tiêm mũi thứ 3
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Israel là một trong trong những nước giàu sớm đóng cửa biên giới, áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, tiêm vaccine Covid-19 cho người dân và tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.
Trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại do sự xuất hiện của biến thể Delta và các nghiên cứu cho thấy tính hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian, hôm 1-8, Israel trở thành nước đầu tiên chính thức triển khai chương trình tiêm liều tăng cường cho những người từ 60 tuổi trở lên, những người đã tiêm vaccine cách đây hơn 5 tháng.
Khoảng 30.000 người già Israel đã nhận được mũi tiêm vaccine Covid-19 thứ 3 trong ngày đầu tiên của chương trình này.
Động thái của Israel gây tranh cãi vì cả WHO lẫn Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đều chưa tán thành tiêm liều tăng cường. Dù vậy, giới chức y tế Israel cho rằng việc triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 có thể giúp hạn chế số ca bệnh nặng ở những người nhiễm biến thể Delta, đặc biệt là người già.
Tổng Giám đốc Bộ Y tế Israel, Nachman Ash nói: “Chúng tôi mất vài tuần để ra quyết định khó khăn này. Chúng tôi không dựa vào ai khác mà chỉ dựa vào kinh nghiệm và dữ liệu của chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy tính hiệu quả của vaccine Covid-19 đang suy giảm (ở những người đã tiêm đầy đủ 2 liều) nên chúng tôi không thể đợi một quyết định về vấn đề tiêm liều bổ sung của FDA dự kiến có thể ban hành trong vài tháng tới”.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Isreal, Nitzan Horowitz cũng ra tuyên bố ủng hộ tiêm liều tăng cường cho người dân từ 60 tuổi trở lên dù chưa có cơ quan quản lý nào trên thế giới tán thành điều này.Ông cảnh báo bất cứ sự trì hoãn nào về việc triển khai tiêm liều tăng cường có thể cướp đi nhiều mạng sống của người dân Israel.
Israel là một trong những nước tiến hành tiêm chủng vaccine Covid-19 sớm nhất, ngay từ tháng 12 năm ngoài nhờ nguồn cung vaccine dồi dào từ Pfizer. Hơn 5,3 triệu trong tổng số 9 triệu dân của Israel đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine của Pfizer, cho phép nước này nới lỏng lệnh phong tỏa từ tháng 3-2021. Đến tháng 6, chính phủ Israel dỡ bỏ tất cả các hạn chế để kiểm soát Covid-19 khi số ca nhiễm mới hàng ngày giảm mạnh về một con số.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta khiến số ca nhiễm tăng trở lại bao gồm nhiều ca nhiễm “đột phá”, tức những người nhiễm Covid-19 dù đã tiêm phòng đầy đủ. Hiện nay, số ca nhiễm hàng ngày ở Israel là hơn 2.000 người. Tính đến ngày 1-8, có 19.000 ca nhiễm chưa bình phục ở Israel nhưng trong đó, chỉ có khoảng 200 ca nặng. Dù vậy, các con số này tăng gấp 5 lần so với thời điểm cách đây chưa đầy 1 tháng.
Giới chức y tế Israel gọi đây là làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4 và bắt đầu từ hôm 4-8, chính phủ Israel tái áp đặt một số hạn chế mới, chặng hạn yêu cầu người dân phải chứng minh đã tiêm vaccine hoặc có kết quả âm tính với Covid-19 nếu muốn đến những địa điểm có dưới 100 người và phải đeo khẩu trang ở những không gian mở có hơn 100 người.
Hôm 2-8, tờ Telegraph đưa tin chính phủ Anh sẽ tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 cho 32 triệu người dân bao gồm những người từ 50 tuổi trở lên hoặc những người có hệ miễn dịch bị tổn thương. Chương trình tiêm mũi tăng cường này có thể khởi động sớm nhất là vào ngày 6-9 và hoàn thành vào đầu tháng 12. Cùng ngày, các quan chức y tế bang và liên bang của Đức tán thành kế hoạch tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường cho người già và những người có rủi ro cao bắt đầu từ ngày 1-9. Một ngày sau đó, Các Tiêu vương quốc Ả rập (UAE) cũng cho biết sẽ triển khai tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 cho những người có rủi ro cao nếu như họ tiêm mũi thứ 2 cách đây ít nhất 3 tháng và cho những những người khác nếu như họ nhận được mũi tiêm thứ 2 cách đây ít nhất 6 tháng. Tại Ireland, Ủy ban tư vấn miễn dịch quốc gia đang đề xuất tiêm liều tăng cường cho khoảng 1 triệu người bao gồm các nhân viên y tế, người già 65 tuổi trở lên đang sống ở các cơ sở dưỡng lão và người già từ 80 tuổi trở lên sống trong cộng đồng. Giới chức y tế Thụy Điển cho biết những nhóm người dân rủi ro cao bao gồm người già và người có bệnh lý nền sẽ được tiêm liều bổ sung vào mùa thu này. Trong cuộc trò chuyện với hãng tin CNBC hôm 2-8, Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu Giám đốc FDA, cho rằng chính phủ Mỹ cần triển khai tiêm liều tiêm tăng cường cho người già và người có hệ miễn dịch tổn thương vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới. Ông tin rằng Mỹ sẽ trải qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 dài hơn dự kiến và ông sẽ không ngạc nhiên nếu có 1 triệu ca nhiễm mỗi ngày hoặc hơn ở Mỹ nếu dịch bệnh tái bùng phát mạnh mẽ. |
Theo Bloomberg, The Daily Beast, Times of Israel