Các chợ đã mở cửa trong tháng 8 (tính đến ngày 4-8) gồm: Bình Thới, Thới An, Hiệp Thành, Phước Thạnh, Nguyễn Tri Phương và Hòa Hưng.
Trong đó, chợ Bình Thới và chợ Nguyễn Tri Phương hoạt động trở lại sau 2 lần tạm đóng cửa để thực hiện các công tác phòng, chống dịch như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết... do có ca F0.
Còn trong khoảng thời gian từ ngày 19-7 đến 31-7, có các chợ tái mở cửa, gồm: Kiến Thành, Tân Đoàn Việt, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, Hưng Long, Thạnh Xuân, Thái Bình, Đa Kao, Tân Thông Hội.
Tính đến chiều 4-8, TP HCM có 33 chợ đang mở cửa bán hàng, chủ yếu cung cấp thịt, cá, rau củ quả, thực phẩm khô... và vẫn còn 201 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối vẫn đang tạm ngưng hoạt động.
Nhân viên chợ Bình Thới (quận 11) kiểm tra thông tin trước khi hướng dẫn khách hàng vào chợ mua sắm
Như vậy, tính từ thời điểm UBND TP HCM chính thức ra văn bản yêu cầu các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, đánh giá để đưa vào hoạt động trở lại các chợ truyền thống (trước mắt chỉ kinh doanh lương thực, thực phẩm) hoặc sắp xếp, bố trí địa điểm thay thế để cung cấp hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân thì chưa tới 10% số chợ được mở cửa trở lại.
Giải thích lý do này, nhiều quận, huyện cho biết diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khu vực xung quanh chợ hoặc bản thân tiểu thương chợ, nhân viên ban quản lý chợ có người dương tính với SARS-CoV-2 hoặc đang ở trong khu cách ly, phong tỏa. Chính quyền địa phương vẫn đang rà soát, đánh giá, nếu chợ nào bảo đảm tiêu chí an toàn phòng, chống dịch sẽ tổ chức mở lại ngay lập tức.
Trước mắt, chính quyền địa phương đang phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể và Sở Công Thương TP HCM triển khai các giải pháp bán hàng lưu động, hỗ trợ mua chung, mua hàng theo combo, bán hàng online... Cùng với đó là thông tin, phối hợp với các siêu thị, cửa hàng để tính toán tăng cường hàng hóa về các điểm bán để cung cấp đủ hàng cho người dân.
Xem thêm: mth.28591421150801202-gnod-taoh-auc-om-coud-mch-pt-o-gnoht-neyurt-ohc-5-meht/et-hnik/nv.moc.dln